TNGT giảm sâu, toàn thành phố còn 33 điểm ùn tắc
Tại Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024 sáng 9/1, ông Dương Đức Tuấn, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, cho biết, năm 2023, TNGT tại Hà Nội giảm cả 3 tiêu chí, cụ thể, xảy ra 1.248 vụ TNGT, làm 710 người chết, 823 người bị thương. So với cùng kỳ 2022, giảm 144 vụ (-10,3 %), giảm 39 người chết (-5,2%), giảm 43 người bị thương (-5,0%).
Thành phố đã điều chỉnh tổ chức giao thông 48 nút giao, tuyến đường; giải quyết được 15/37 điểm ùn tắc giao thông, phát sinh 11 điểm, hiện tại còn 33 điểm; xử lý dứt điểm 7 điểm đen TNGT.
Về công tác triển khai dự án đầu tư đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô, ông Tuấn cho biết, đã phê duyệt 7/7 dự án thành phần; khởi công 6/7 dự án thành phần trên của 3 tỉnh, thành phố; dự án thành phần 3 đường cao tốc – theo hình thức PPP đã phê duyệt dự án và đang khẩn trương triển khai các thủ tục để tổ chức lựa chọn nhà đầu tư.
Năm 2023, TP Hà Nội cũng tập trung tháo gỡ khó khăn vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ triển khai tuyến đường sắt đô thị số 3 để hoàn thành đoạn trên cao vào Quý II/2024, vận hành toàn tuyến vào năm 2027; khởi công các dự án quan trọng của như: Cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 6 đoạn Ba La - Xuân Mai; Tuyến đường nối cao tốc Đại lộ Thăng Long đến cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình; Xây dựng tuyến đường kết nối đường Pháp Vân Cầu Giẽ và đường Vành đai 3).
Hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng đường Vành đai 2 trên cao, dưới thấp đoạn Ngã Tư Vọng – Ngã Tư Sở; cầu Vĩnh Tuy giai đoạn.
Sản lượng vận tải hành khách công cộng tăng trưởng mạnh mẽ
Theo ông Tuấn, hiện nay, mạng lưới xe buýt trên địa bàn TP Hà Nội có 156 tuyến xe buýt với tổng số phương tiện 2.311 xe; mạng lưới xe buýt đã tiếp cận đến 30/30 quận, huyện, thị xã, kết nối với 6 tỉnh thành lân cận.
Sản lượng vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trong năm 2023 ước đạt 7,3 triệu lượt, tổng hành khách vận chuyển ước đạt 499 triệu (tăng 43,3% so với cùng kỳ 2022); tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông vận hành tổng số 81.096 lượt, vận chuyển 10,7 triệu lượt khách (tăng 31,4 % so với cùng kỳ 2022).
TP Hà Nội đã chỉ đạo Sở GTVT tập trung rà soát, hoàn thiện mạng lưới tuyến, điều chỉnh lộ trình tuyến, tần suất dịch vụ, điều chỉnh sức chứa phương tiện nhằm tối ưu hóa, phát huy tối đa hiệu quả hoạt động của mạng lưới xe buýt; thí điểm áp dụng thẻ vé liên thông, chuẩn bị các điều kiện cần thiết để thực hiện áp dụng thẻ vé điện tử trên toàn mạng trong năm 2024; đẩy mạnh việc hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp chuyển đổi phương tiện sử dụng năng lượng xanh trong hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn.
Bên cạnh những kết quả đạt được, ông Tuấn cho biết, công tác bảo đảm TTATGT trên địa bàn Thủ đô vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức cần vượt qua.
Tỷ lệ diện tích đất dành cho giao thông trên diện tích đất xây dựng đô thị mới đạt được khoảng 12,13% (trong khi quy hoạch yêu cầu phải đạt 20-26%); tỷ lệ vận tải hành khách công cộng đạt được khoảng 19,50% (theo Quy hoạch yêu cầu phải đạt từ 50-55%).
Hàng năm ngân sách thành phố dành hơn 60% tổng ngân sách cho lĩnh vực GTVT nhưng mới chỉ đáp ứng được khoảng 25% so với nhu cầu thực tế.
Với tốc độ tăng trưởng diện tích đất dành cho giao thông đạt 0,35%/năm không theo kịp tốc độ gia tăng phương tiện từ 4-5% vì vậy tình trạng ùn tắc giao thông trên địa bàn là không thể tránh khỏi và vẫn đang diễn biến ngày càng phức tạp và đến nay vẫn còn 33 điểm ùn tắc giao thông.
Việc phát triển vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn được xác định là ưu tiên hàng đầu để giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông đang diễn ra, trong đó việc phát triển mạng lưới đường sắt đô thị (ĐSĐT) được xem là xương sống của vận tải hành khách công cộng.
Tuy nhiên, theo quy hoạch hiện nay TP Hà Nội có 10 tuyến ĐSĐT (9 tuyến chính và 1 tuyến nối các đô thị vệ tinh), với tổng chiều dài 417,8 km (trong đó 75.6 km đi ngầm), tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 40,05 tỷ USD.
Tuy nhiên, thực tế hiện nay mới chỉ hoàn thành được 13km (tuyến 2A, đoạn Cát Linh - Hà Đông) và đang thi công 12,5Km (tuyến 3 đoạn Nhổn – ga Hà Nội), theo đó để hoàn thành được 404,8km còn lại trong 12 năm tới (đến năm 2035) kinh phí cần bố trí thực hiện là khoảng 37 tỷ USD (tương đương khoảng 850 nghìn tỷ đồng).
Từ đó, Hà Nội kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT tiếp tục quan tâm, hỗ trợ tạo điều kiện cho TP Hà Nội trong việc tổ chức triển khai đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô, trong đó Bộ GTVT hỗ trợ tổ chức thẩm định thiết kế sau thiết kế cơ sở đối với dự án Thành phần 3.
Hỗ trợ Hà Nội trong việc tổ chức triển khai 3 nhiệm vụ lớn đang triển khai dự kiến trình trong năm 2024 bao gồm: Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, Quy hoạch Thủ đô, Luật Thủ đô – sửa đổi.
Sáng 9/1, tại Hà Nội, Ủy ban ATGT Quốc gia tổ chức Hội nghị tổng kết công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024.
Tính từ ngày 15/12/2022 đến 14/12/2023, toàn quốc xảy ra hơn 22.000 vụ TNGT, làm chết hơn 11.600 người, bị thương gần 15.300 người.
So với cùng kỳ năm 2022, giảm 1.285 vụ, giảm 1.922 người chết, tăng 660 người bị thương. Năm 2023, không còn xảy ra ùn tắc giao thông kéo dài ở các trạm thu phí ở các dịp cao điểm.
Trong xã hội đã dần hình thành nét văn hoá mới "đã uống rượu bia, không lái xe", tình trạng vi phạm chở quá tải xe, cơi nới thành thùng xe ô tô tải đã được xử lý một cách căn bản.
Song tình hình TNGT vẫn còn diễn biến phức tạp, vẫn xảy ra nhiều vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng, gây bức xúc trong dư luận.
Tại Hội nghị, Phó thủ tướng Trần Lưu Quang đề nghị cần thống nhất, có cách làm mới để công tác triển khai được hiệu quả, sao cho năm 2024, TNGT tiếp tục được kéo giảm hơn nữa.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận