Xã hội

Hà Nội chi ngàn tỷ lát vỉa hè lại bị phá

07/12/2017, 07:35

Hà Nội chi hàng ngàn tỷ lát đá vỉa hè nhưng lại cấp phép cho ôtô đỗ trên vỉa hè để thu tiền lẻ...

5

Hà Nội tận dụng cả vỉa hè, lòng đường “dành cho” bãi trông giữ xe (Trong ảnh: Bãi giữ xe vỉa hè phố Quang Trung, Hoàn Kiếm)

Gạch, đá sao chịu nổi ô tô đè lên

Nhìn nhận việc lát đá tự nhiên có tuổi thọ lên đến 50-70 năm của Hà Nội vừa xây xong nhiều nơi đã hỏng, TS. Nguyễn Ngọc Long, Phó chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật cầu đường VN cho rằng, có nhiều nguyên nhân, trong đó phải kể đến việc nhiều nơi xe máy, thậm chí cả ô tô đi lên gây hư hỏng.

“Vỉa hè lát đá có chịu được tải trọng ô tô đè lên không? Tôi khẳng định là không”, ông Long nói và cho biết, vỉa hè là dành cho người đi bộ, còn chỗ nào cho ô tô đỗ lên phải thiết kế khác, giống như đường ô tô thì phải thảm nhựa, bê tông.

TS. Lê Nguyên Khương, giảng viên trường Đại học Công nghệ GTVT cho biết, đa phần các nước trên thế giới, vỉa hè của họ chỉ dành cho người đi bộ. Chỉ có Việt Nam mới tận dụng vỉa hè để kinh doanh buôn bán, trông giữ xe. Ở nhiều nước như Mỹ không có chuyện cấp phép để kinh doanh dịch vụ trông giữ ô tô, xe máy trên vỉa hè. Họ coi vỉa hè là tuyến đường của người đi bộ, cây xanh được trồng xung quanh, có biển báo hiệu, có những thanh chắn bằng thép chỉ dành người đi bộ đi lên được. Chỉ cần ô tô đỗ sai vào vỉa hè, camera ghi lại và CSGT sẽ xử lý ngay. 

“Chỉ lát đá làm sao có thể chịu lực mà cho ô tô đè lên. Vỉa hè không lún, không hỏng mới lạ. Hà Nội muốn dùng vỉa hè thu phí trông giữ xe đừng lát đá, hãy dùng bằng bê tông mới chịu được lực”, ông Long lý giải và cho rằng, người nào quyết định cho trông giữ xe trên vỉa hè là làm chưa đúng, chưa có chuyên môn.

Cũng theo ông Long, làm sai để mà làm đi làm lại, cứ vài năm, vài tháng lại lát vỉa hè là tốn tiền của dân, vì vỉa hè cũng làm bằng tiền thuế của dân. “Tôi lấy ví dụ, một số nơi vỉa hè dùng rất lâu rồi không thấy hỏng như: Trước cửa khách sạn Sheraton, Melia, Hà Nội Tirant, Movenpick, InterContinental Hồ Tây... hoặc một số khu công sở chính như khu vực Bộ LĐ,TB&XH. Điều này chứng minh rằng, khả năng để vỉa hè không hỏng là làm được và có thật. Vậy sao đa phần những nơi khác không làm được như vậy, sao vừa lát xong đã hỏng, rồi 3-4 năm phải làm lại? Đấy là do cho trông giữ xe, đây là trách nhiệm của người quản lý.

Chung quan điểm, TS. Đặng Minh Tân, giảng viên Bộ môn Đường bộ, Khoa Công trình (trường Đại học GTVT) cho biết, phải hiểu đúng chức năng của vỉa hè là phục vụ người đi bộ và nó không chịu được lực tác động lớn.

“TP Hà Nội khi thi công vẫn có chủ trương là vỉa hè dành cho người đi bộ nên thi công chỉ sử dụng vỉa hè lát hay tự chèn, móng không làm cứng, chỉ xếp lên giống như việc một người mặc chiếc áo. Bởi vậy, khi có lực xung kích hay có vật nặng đè lên viên gạch rất dễ bị hư hỏng nhanh. Chỉ có bê tông mới chịu được lực của ô tô”, TS. Tân phân tích.

Nhan nhản điểm trông giữ xe trên vỉa hè

Dù các chuyên gia cảnh báo vỉa hè không thể chịu được lực đè của xe máy, ô tô, tuy nhiên, theo ghi nhận thực tế của PV Báo Giao thông, nhiều tuyến phố vẫn nhan nhản các bãi trông giữ xe trên vỉa hè.

Điển hình là phố Quang Trung, Triệu Quốc Đạt, Hai Bà Trưng, Lý Thái Tổ, Lý Thường Kiệt... vỉa hè, lòng đường từ lâu đã được cấp phép bãi trông giữ xe. Khu vực vỉa hè trước số nhà 3C Quang Trung có điểm trông giữ xe do UBND quận Hoàn Kiếm cấp cho Công ty CP 901 với diện tích 180m2. Trên biển trông giữ ghi Số giấy phép 797 nhưng không nêu rõ thời hạn. Cách đó không xa, đoạn vỉa hè bên trái từ ngã tư Quang Trung - Hai Bà Trưng tới ngã tư Quang Trung - Tràng Thi cũng vừa được lát đá nhưng hàng loạt ô tô đỗ kín. Phố Triệu Quốc Đạt, Đinh Tiên Hoàng, Nguyễn Xí được lát đá tự nhiên khá đồng bộ, nhưng thời gian qua, vỉa hè chủ yếu để trông giữ xe máy, xe đạp. Tại đây, cũng trưng nhiều biển trông giữ xe do UBND quận cấp phép.

Ông Đào Quang Tâm, Phó trưởng phòng Quản lý đô thị quận Hoàn Kiếm thừa nhận, phần lớn các vị trí vỉa hè của quận được dùng để trông giữ xe. Theo ông Tâm, đây cũng là nguyên nhân khiến vỉa hè xuống cấp nhanh chóng nhưng không có giải pháp nào thay thế, vì giao thông tĩnh mới đáp ứng khoảng 2% cho người dân trên địa bàn chưa kể khách du lịch. Theo thống kê, năm 2017, UBND quận Hoàn Kiếm đã quy hoạch sắp xếp 347 điểm trông giữ phương tiện trên vỉa hè, lòng đường tại các tuyến phố có đủ điều kiện quy định trên địa bàn quận, diện tích hơn 40.000m2, trong đó: Sở GTVT cấp 87 điểm dưới lòng đường, diện tích hơn 14.000m2, UBND quận cấp 260 điểm với diện tích hơn 26.000m2.

Ông Hoàng Trung Thành, Phó trưởng phòng Quản lý đô thị quận Thanh Xuân cũng cho biết, UBND quận Thanh Xuân chỉ cấp phép sử dụng tạm thời vỉa hè làm điểm trông giữ xe trong thời hạn 6 tháng cho 4 đơn vị: Công ty TNHH V&H Toàn Cầu (trước tòa nhà LICOGI 13, phường Nhân Chính) sử dụng vỉa hè đường Khuất Duy Tiến từ ngày 10/6; Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại quốc tế Vũ Hoàng sử dụng vỉa hè đường Hoàng Đạo Thúy kéo dài (không thu phí trông giữ xe) từ ngày 10/10; Văn phòng đăng ký đất đai Hà Nội sử dụng vỉa hè trước tòa nhà N1AB (Khu đô thị Trung Hòa, Nhân Chính) từ ngày 17/8 (không thu phí trông giữ xe); Công ty TNHH USEM Việt Nam sử dụng vỉa hè đường Khuất Duy Tiến (cạnh ngõ 12, đường Khuất Duy Tiến) từ ngày 30/11.

Theo số liệu của Sở GTVT Hà Nội, chỉ tính riêng tại khu vực các quận trung tâm, hiện các quận đang cấp phép cho các tổ chức, DN tổ chức trông xe trên vỉa hè với diện tích khoảng 60.000m2, trong đó có nhiều vị trí quận cho phép trông cả ô tô trên vỉa hè.

TS. Nguyễn Xuân Thủy, chuyên gia giao thông cho rằng, Hà Nội cần xây dựng hệ thống bãi trông giữ xe hiện đại, hạn chế việc cấp phép trên vỉa hè. “Hà Nội cần bãi đỗ xe quy mô, an toàn và tiện nghi cho người dân, không thể mãi tận dụng vỉa hè của người đi bộ được”, ông Thủy nói.

Lát đá vỉa hè gây bức xúc

Chiều 6/12, phát biểu và làm rõ thêm các ý kiến ĐB quan tâm trước khi kết thúc kỳ họp thứ 5 HĐND TP Hà Nội, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung khẳng định, việc lát lại vỉa hè trong một số năm vừa qua, đặc biệt là năm 2016 và thời gian qua đã để lại dư luận rất xấu dưới con mắt của các cử tri và các nhà quản lý. Điển hình là việc làm ồ ạt đợt cuối năm và làm với chất lượng rất thấp. “Trực tiếp cá nhân tôi và Phó chủ tịch Nguyễn Thế Hùng vào một số buổi tối đã đi kiểm tra và thấy, trước hết là việc chọn đá không đúng, không đúng cả kích cỡ và độ dày. Thứ hai là làm rất bừa bãi”, ông Chung chia sẻ.

Về hướng khắc phục thời gian tới, ông Chung cho biết, vừa qua đã thí điểm việc lát đá vỉa hè ở đường Lê Trọng Tấn. Thành phố đã đưa ra quy định rất chặt chẽ đối với việc lát lại vỉa hè từ năm 2014. Theo đó, việc lát lại đá vỉa hè phải dựa vào các tiêu chuẩn cụ thể như: Chỉ làm lại khi vỉa hè quá cũ nát không thể sửa chữa, khắc phục; chỉ lát lại khi các vỉa hè đó đã hạ ngầm xong hệ thống cáp viễn thông; khi đã được tu sửa, trồng mới toàn bộ cây xanh và đã chỉnh trang xong toàn bộ hệ thống ánh sáng… “Khi đảm bảo một trong các tiêu chuẩn đó mới có kế hoạch lát lại chứ không lát một cách tràn lan. Không để tình trạng đào lên, lát xuống rồi lại đào lên. Điều này rất nhức nhối”, ông Chung nói.

H.V

Vòng đời vỉa hè ngắn không tưởng

Theo các tiêu chuẩn kỹ thuật về xây dựng, tuổi thọ của một công trình nhà cửa hoặc cầu đường từ 20 - 25 năm. Tuy nhiên, vòng đời vỉa hè tại Hà Nội đang ngắn không tưởng. Cụ thể, từ năm 2010 đến nay, vỉa hè Hà Nội có ít nhất 3 lần “đại tu” lớn đào lên lát mới. Đó là các mốc thời gian, năm 2010 hầu hết nền gạch đỏ trên vỉa hè tại các quận trung tâm được thay thế bằng gạch block tự chèn với các loại gạch Terrazzo, lục giác… Tiếp đến năm 2013 - 2014, vỉa hè nhiều tuyến phố lại được giao cho các quận chuyển sang lát gạch giả đá, riêng bó vỉa hè là đá xanh tự nhiên. Đến đầu năm 2017, chỉ sau hơn 2 năm sử dụng, loại gạch giả đá trên vỉa hè nhiều tuyến phố bị nứt, vỡ vụn. Thời điểm này, TP Hà Nội cũng đưa ra kế hoạch giao cho các quận làm chủ đầu tư lát đá tự nhiên trên vỉa hè nhiều tuyến phố và đá tự nhiên này sau vài tháng được lát cũng bị nứt, vỡ.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.