Quang cảnh Bến xe Lương Yên - Ảnh: Công Trình |
Bến tạm phải dừng hoạt động
Thời gian qua, câu chuyện dừng hoạt động Bến xe Lương Yên được dư luận quan tâm không chỉ bởi đây là bến có lượng xe hoạt động tuyến cố định liên tỉnh khá lớn, kết nối với 42 tỉnh thành, mà còn do người dân Thủ đô và các tỉnh khác cũng đã quen với việc đi lại tại bến xe này. Tuy nhiên, theo Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện, đây thực chất chỉ là bến tạm. Theo quy hoạch vận tải hành khách liên tỉnh tuyến cố định cũng xác định đây là bến tạm. Theo lộ trình, cơ quan quản lý bến xe này đã có chủ trương dừng bến vào thời điểm 30/7 năm nay. Các hợp đồng đã ký giữa doanh nghiệp cũng kết thúc trước ngày 30/7. Các điều kiện dừng bến đã đủ. Phương án điều chuyển cũng đã được báo cáo thành phố và thống nhất chủ trương đình chỉ hoạt động bến xe này.
Sở GTVT Hà Nội cũng đã tổ chức nhiều cuộc họp với các doanh nghiệp vận tải, đơn vị quản lý khai thác bến xe. Đa số các đơn vị cũng thống nhất phương án di dời.
Vấn đề đặt ra sau khi Bến xe Lương Yên dừng hoạt động, xe khách của các doanh nghiệp sẽ hoạt động tại bến nào? Giám đốc Viện cho biết: “38 tuyến vận tải khách liên tỉnh của 52 doanh nghiệp sẽ được chuyển về 3 bến Gia Lâm, Nước Ngầm và Yên Nghĩa”. “Khi phải thay đổi luồng tuyến đã ổn định nhiều năm sẽ dẫn đến khó khăn cho doanh nghiệp và cả nhân dân. Tuy nhiên, Bến xe Lương Yên nằm trong quy hoạch phải ngừng hoạt động, nên phải ngừng. Chúng tôi đã chỉ đạo các bến tiếp nhận các doanh nghiệp này và có phương án hỗ trợ cụ thể”, ông Viện nói.
Xe khách không qua trung tâm thành phố
Một lý do nữa được đưa ra khi ngừng hoạt động Bến xe Lương Yên, quy hoạch lại luồng tuyến vận tải khách liên tỉnh trên địa bàn, theo ông Viện là để đảm bảo hoạt động cho người dân đi các luồng tuyến theo nguyên tắc bố trí sẽ lựa chọn bến gần, tăng kết nối xe buýt. Bên cạnh đó, một số tuyến từ Bến xe Mỹ Đình, Giáp Bát và cả Lương Yên cũng sẽ được điều chuyển về các bến xe còn mặt bằng và cho đúng hướng tuyến, hạn chế xe khách đi xuyên tâm thành phố gây ùn tắc và mất TTATGT. Hơn nữa, các nhóm cùng hướng tuyến cũng sẽ được gom về một nơi để hành khách dễ nhận biết. Ông Viện cho biết thêm, Sở GTVT Hà Nội đã có phương án phối hợp với lực lượng công an để hạn chế xe dù, đảm bảo ít xáo trộn nhất, đảm bảo ATGT và trật tự trong vận tải.
Việc điều chuyển các tuyến vận tải này được thực hiện theo nguyên tắc lựa chọn các tuyến vận tải theo hướng tuyến, phù hợp khả năng tiếp nhận của bến xe, lựa chọn tuyến theo địa giới hành chính, điều chuyển dần hạn chế xáo trộn đi lại của nhân dân. Trong giai đoạn 1, Hà Nội sẽ điều chuyển các tuyến từ Bến xe Mỹ Đình đi các bến tỉnh Nghệ An khoảng 66 lượt, Hà Tĩnh 5 lượt, Gia Lai 1 lượt, Đắk Lắk 4 lượt về bến xe Nước Ngầm; Giai đoạn 2, Hà Nội sẽ điều chuyển các tuyến từ Bến xe Mỹ Đình về Nước Ngầm đi các Bến xe Thanh Hóa khoảng 76 lượt xe. Sau đó sẽ tiếp tục rà soát, sắp xếp lại. Song song với việc này, sẽ điều chuyển 38 tuyến từ Bến xe Lương Yên về các bến xe đã được xác định.
Sẽ trình đề án hạn chế xe cá nhântrong năm 2016 Liên quan đến lộ trình giảm xe máy, tiến tới cấm xe máy đảm bảo đô thị văn minh, lãnh đạo Sở GTVT cho biết, để đạt được điều này, phải đảm bảo tăng cường vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn. Đến năm 2025, hạ tầng giao thông Hà Nội cơ bản xong hạ tầng khung, các tuyến vành đai 1, 2, 3, 4... các tuyến xuyên tâm được cải thiện. 8 tuyến đường sắt đô thị cơ bản hoạt động và các tuyến buýt nhanh. Theo tính toán đến năm 2020, vận tải công cộng đáp ứng được 25% nhu cầu đi lại và đến năm 2025 đáp ứng được khoảng 40%. Sở GTVT Hà Nội đang được giao nghiên cứu đề án hạn chế phương tiện giao thông cá nhân và sẽ trình thành phố trong năm nay. Về việc di dời bến thủy nội địa ở Hồ Tây, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện khẳng định là đúng quy định và không thể chần chừ nhằm chấm dứt tình trạng vi phạm hoạt động không phép tại đây. Theo ông Viện, trước mắt, đoàn kiểm tra liên ngành của thành phố sẽ thanh, kiểm tra điều kiện kinh doanh và điều kiện an toàn phương tiện của tất cả các đơn vị kinh doanh ở đây trong tháng 7 tới. Nếu đơn vị nào đủ điều kiện mới tiếp tục cho phép hoạt động, đơn vị không đủ điều kiện kiên quyết di dời ra khỏi khu vực Hồ Tây. Cùng với việc di dời nhà nổi, du thuyền đang hoạt động tại Hồ Tây, thành phố đã có chủ trương quy hoạch khu Hồ Tây thành sản sản phẩm du lịch văn hóa đặc biệt. Sở Du lịch đang xây dựng đề án để triển khai trong thời gian tới. |
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận