Nhà chờ xe buýt nằm ngay chân ga
Ghi nhận của PV Báo Giao thông, dọc tuyến đường Nhổn - Cầu Giấy, số lượng xe buýt đang hoạt động trên trục đường tương đối lớn, chiếm gần 22% toàn mạng lưới buýt. Ở khu vực chân ga tàu cả hai chiều đều được bố trí điểm dừng xe buýt theo hướng liên thông (đi từ tàu xuống chân ga có thể đón ngay xe buýt).
Ga Đại học Quốc gia đã được thiết lập thêm điểm chờ xe buýt tạo thuận tiện cho hành khách.
Đoạn Nhổn - Cầu Giấy hiện có 8 ga, trong khi trước đó chỉ có 3 ga Cầu Giấy, Nhổn, Phú Diễn kết nối với điểm dừng xe buýt với khoảng cách 100m. Các ga Chùa Hà, Đại học Quốc gia, Cầu Diễn được bố trí ngay dưới chân ga thay vì với khoảng cách 200-500m như trước.
Tương tự, các ga nằm trên trục quốc lộ 32 như: Minh Khai, Phú Diễn, Cầu Diễn, Lê Đức Thọ cũng được bố trí kết nối với nhiều tuyến buýt, tần suất dày đặc.
Đáng chú ý, trên đoạn tuyến từ Nhổn tới Cầu Giấy hiện có 2 tuyến buýt (tuyến số 32 và 20A) trùng với tuyến metro qua 8 nhà ga; 1 tuyến buýt số 29 trùng với tuyến metro qua 5 nhà ga. Hai tuyến số 26, 49 trùng với tuyến metro qua 4 nhà ga liên tiếp.
Tại ga đầu cuối Nhổn và ga trung chuyển Cầu Giấy, số lượng tuyến buýt kết nối với tuyến metro cũng có sự khác nhau, số lượng tuyến tập trung nhiều tại ga Cầu Giấy với năng lực giải tỏa lớn so với năng lực của tuyến metro Nhổn – ga Hà Nội, hướng tuyến đa dạng.
Riêng ga Nhổn có các tuyến buýt kết nối, trung chuyển hành khách, có 2 tuyến buýt trợ giá kết nối với bến xe Sơn Tây - tuyến 20A, 20B; Một tuyến buýt trợ giá kết nối với huyện Ba Vì - tuyến 92; 3 tuyến buýt trợ giá kết nối với huyện Đan Phượng (tuyến số 29, 20B, 162) và 2 tuyến buýt trợ giá kết nối huyện Phúc Thọ (tuyến số 20B, 117), 1 tuyến buýt kết nối huyện Hoài Đức (tuyến số 163), 3 tuyến buýt kết nối với trung tâm thành phố (tuyến số 57, 32, 49).
Thêm nhiều tuyến buýt kết nối
Theo ông Thái Hồ Phương, Giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng Hà Nội, hiện mạng lưới xe buýt kết nối với tuyến đường sắt đô thị số 3 đoạn trên cao Nhổn - Cầu Giấy có 36 tuyến đang hoạt động.
Trong số này, có 33 tuyến trợ giá và 3 tuyến không trợ giá với nhu cầu đi lại bằng xe buýt trung bình 1 ngày khoảng hơn 135.000 lượt hành khách. "Mạng lưới xe buýt trên tuyến đã được điều chỉnh theo hướng kết nối với các ga đi tàu", ông Phương cho hay.
Theo Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội (MRB), tiến độ tổng thể tuyến đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội đến nay đạt 77,76% (đoạn trên cao đạt 99,65%, đoạn ngầm đạt 37,25%).
Ông Nguyễn Cao Minh, Trưởng ban MRB cho biết, công tác vận hành chạy thử đoạn trên cao tuyến Nhổn - ga Hà Nội sẽ hoàn thành cuối tháng 4/2024.
Đến cuối tháng 6/2024 hoàn thành chứng nhận an toàn hệ thống, kiểm tra nghiệm thu bàn giao của chủ đầu tư và các cơ quan quản lý nhà nước để bàn giao cho Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội vận hành thương mại.
Được biết, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng cũng đã hoàn thành dự thảo phương án tăng cường kết nối, trung chuyển xe buýt với tuyến đường sắt đô thị số 3.
Theo đó, trong thời gian đầu, tiếp tục hợp lý hóa đối với lộ trình 1 tuyến buýt để giảm trùng lắp tuyến. Sau khi tuyến đi vào hoạt động ổn định, nhu cầu tăng sẽ đề xuất mở mới thêm một số tuyến buýt để phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân.
Trong 2 tuyến buýt kết nối dọc, tuyến buýt số 32 có lộ trình trùng hoàn toàn với đoạn tuyến trên cao (Nhổn - Cầu Giấy); Tuyến buýt số 29 có lộ trình trùng một phần (từ Nhổn đến cầu vượt Dịch Vọng) đảm bảo nguyên tắc giữ lại một số tuyến buýt có thể kết nối trực tiếp từ Nhổn tới khu vực trung tâm thành phố.
Ngoài ra, có 3 tuyến buýt kết nối dọc không trợ giá có lộ trình trùng một phần với tuyến đường sắt đô thị số 3 đoạn trên cao đảm bảo có tuyến buýt kết nối trực tiếp từ Bến xe Mỹ Đình đi thị xã Sơn Tây và huyện Ba Vì…
Sau khi hoàn thiện phương án kết nối xe buýt với tuyến đường sắt đô thị số 3, Sở GTVT Hà Nội khẳng định năng lực trung chuyển giải tỏa của xe buýt tại các điểm đầu cuối, ga dọc tuyến tăng lên, mạng lưới vận tải hành khách công cộng dọc hành lang được cải thiện.
Trong đó trục hoạt động chính của tuyến (từ Cầu Giấy - Nhổn) năng lực vận chuyển tăng từ 3-4 lần so với hiện nay, đáp ứng khoảng 30-50% tổng nhu cầu đi lại của người dân trên tuyến.
Theo Trung tâm Quản lý giao thông công cộng Hà Nội, trong thời gian đầu, dự báo khoảng 15-20% người dân sẽ chuyển từ phương tiện cá nhân sang sử dụng đường sắt đô thị số 3, chủ yếu là người dân sinh sống dọc hành lang tuyến.
Lưu lượng xe taxi, Grab... hoạt động dọc lộ trình tuyến đường sắt đô thị số 3 cũng sẽ giảm do khi đó, người dân sẽ có xu hướng chuyển từ sử dụng xe buýt sang sử dụng đường sắt đô thị số 3 do có chi phí thấp, giảm thời gian đi lại và không bị ảnh hưởng bởi ùn tắc.
Thiết kế kỹ thuật tuyến đường sắt đô thị số 3, mỗi đoàn tàu cấu tạo gồm 4 toa, mỗi toa chở được 236 hành khách, mỗi chuyến chở được 944 hành khách.
Tần suất giờ cao điểm 7,5 phút/chuyến (bình quân vào giờ cao điểm có 8 chuyến/giờ/hướng vào ga đón trả khách). Như vậy, năng lực vận chuyển của tuyến đường sắt đô thị số 3 tối đa đạt mức 7.552 hành khách/giờ/hướng.
Theo một chuyên gia giao thông, để khai thác hiệu quả tuyến metro Nhổn - ga Hà Nội, cũng như tuyến metro Cát Linh – Hà Đông, vai trò của xe buýt rất quan trọng. "Nếu không có xe buýt gom khách, metro sẽ khó hoạt động hiệu quả. Lượng khách ít, dẫn tới ngân sách Nhà nước phải bù lỗ nhiều. Vì vậy, việc tăng kết nối xe buýt vào metro Nhổn - ga Hà Nội là rất cần thiết, cấp bách", vị này khẳng định.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận