Điểm buýt trên đường Cầu Giấy (đối diện Trường Đại học GTVT) không có nhà chờ xe buýt, hành khách phải sử dụng ô để che nắng |
Dân “đội mưa” chờ xe buýt
Sáng 16/1, ghi nhận của PV Báo Giao thông tại trạm xe buýt đối diện số nhà 40 trên đường Lê Văn Lương, do không có mái che, hàng chục người dân đứng chờ xe buýt dưới trời mưa tầm tã. Một số người dùng ba lô, áo khoác che đầu nhưng người vẫn bị ướt sũng. Mặc dù vỉa hè tại đây khá rộng nhưng cơ quan chức năng vẫn không thiết kế nhà chờ. Cách đó khoảng 50m là nhà chờ cầu La Khê (trạm dừng của xe buýt nhanh BRT) được trang bị khá hiện đại, có mái che chắc chắn, có các dịch vụ tiện ích. Mưa càng nặng hạt, một số người không thể tiếp tục đứng chờ xe buýt đành phải đi lên đứng nhờ nhà chờ xe buýt nhanh BRT. Đến khi có xe buýt lại ào ào chạy tới để lên xe buýt.
"Trong xu thế tiếp tục phát triển mạng lưới xe buýt, số điểm dừng sẽ tiếp tục gia tăng, nhất là khu vực ngoại thành. Trung tâm tiếp tục rà soát, đề xuất với Sở GTVT và UBND thành phố chỉ đạo TCT Vận tải Hà Nội tích cực hơn nữa trong việc phát triển hệ thống nhà chờ. Trong trường hợp nhiều vị trí không thu hút nhà đầu tư, chúng tôi sẽ báo cáo Sở GTVT và UBND thành phố để có cơ chế đầu tư phát triển nhà chờ mạnh mẽ hơn trong thời gian tới”. Ông Nguyễn Hoàng Hải |
Chị Nguyễn Thị Lan, một tay bế con nhỏ, tay kia lau vội những giọt nước mưa đang còn đọng trên mặt bức xúc: “Điểm chờ xe buýt còn tạm bợ quá. Mình thường xuyên đi xe buýt. Nhiều lần phải chờ cả nửa tiếng mới có xe. Không có nhà chờ, ghế ngồi nên phải ngồi xuống đường. Trúng ngày mưa như hôm nay thì ướt hết”.
Tương tự, tại trạm xe buýt trên đường Cầu Giấy đối diện trường Đại học GTVT là khu vực rất đông học sinh, sinh viên, trước đây là điểm trung chuyển nhưng hiện giờ cũng là nhà chờ “lộ thiên”. Cả hai điểm buýt ngay sát nhau đông nghẹt khách. Một số người không có ô và áo mưa đành phải vào quán mua chai nước hay ăn gì đó để trú tạm.
Quần áo ướt sũng vì chờ xe buýt, em Nguyễn Xuân Nam bộc bạch: “Mật độ đi lại tại điểm dừng xe buýt trên tuyến đường này rất đông, ấy vậy trên đường vẫn còn nhiều trạm buýt chưa có mái che. Cứ hôm nào mưa, em lại lỉnh kỉnh đồ đạc nào ô, nào áo mưa. Cũng chỉ vì phải cởi áo mưa mà em lỡ mất chuyến xe, giờ lại phải chờ thêm 15 - 20 phút nữa”.
Bác Nguyễn Thị Thơ (50 tuổi ở Hà Đông) bức xúc: “Tôi không đi được xe máy nên thường chọn xe buýt là phương tiện chính để đi lại. Thế nhưng mỗi ngày ra đây đợi xe buýt tôi cảm thấy mệt mỏi vì điểm chờ không có mái che, nhiều hôm trời mưa bất chợt mà quên mang ô nên bị ướt hết”.
Theo tìm hiểu của PV, những điểm dừng xe buýt trên đường Lê Văn Lương, Láng Hạ, Nguyễn Trãi, Nguyễn Chí Thanh, Xuân Thủy, Cầu Giấy, Hồ Tùng Mậu, Đê La Thành... hầu hết đều không có mái che.
Chờ cơ chế để xây nhà chờ
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị (Sở GTVT Hà Nội) cho biết, hiện toàn thành phố có 2.900 điểm dừng. Trong số này, chỉ có 370 điểm dừng có nhà chờ (tương đương 12,8%). Còn lại hơn 2.500 điểm chưa có nhà chờ xe buýt.
“Có hai nguồn vốn để lắp đặt nhà chờ xe buýt, một là, sử dụng nguồn vốn của Nhà nước. Hai là, phải kêu gọi đầu tư. Tuy nhiên, nhà đầu tư cũng phải tính toán nếu khai thác thu hồi vốn được họ mới làm vì đầu tư nhà chờ xe buýt có mái che chi phí tốn kém lên đến hàng trăm triệu đồng”, ông Hải nói và cho biết thêm: Hiện, thành phố đang giao TCT Vận tải Hà Nội quản lý và phát triển hệ thống nhà chờ xe buýt. Việc phát triển nhà chờ phụ thuộc vào khả năng thu hút nhà đầu tư chủ yếu là các doanh nghiệp quảng cáo. Thời gian qua, do vẫn còn rất nhiều khó khăn trong thu hút nhà đầu tư nên tỉ lệ phát triển nhà chờ khá chậm. Cả năm 2017 chỉ xây thêm được 8 nhà chờ.
Cũng theo ông Hải, không phải điểm dừng xe buýt nào cũng xây dựng được nhà chờ. “Muốn xây nhà chờ phải có diện tích, không gian đủ, tối thiểu các vỉa hè phải từ 2,5m trở lên. Tất nhiên, vẫn còn nhiều điểm đủ không gian để lắp đặt nhưng như tôi đã nói ở trên, do chưa có kinh phí đầu tư nên phía trung tâm chưa lắp được nhà chờ. Đó là chưa kể đến việc trong quá trình chọn địa điểm để xây nhà chờ, lực lượng chức năng gặp rất nhiều khó khăn. Dù vỉa hè là của Nhà nước nhưng nếu xây dựng nhà chờ trước cửa hàng kinh doanh là họ không đồng ý và làm đủ mọi cách để cản trở”, ông Hải nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận