Đô thị

Hà Nội huy động gần 30.000 tỷ đầu tư bãi xe ngầm thế nào?

28/04/2021, 06:52

Hà Nội có 6,9 triệu ô tô, xe máy, tạo sức ép rất lớn lên hạ tầng giao thông Thủ đô vì quỹ đất dành cho giao thông tĩnh chỉ đáp ứng 10% nhu cầu.

img

Bãi xe ngầm Mễ Trì Hạ được đầu tư hiện đại nhưng hiện mới chỉ khai thác được 50% công suất

Theo quy hoạch vừa được HĐND TP Hà Nội thông qua, đến năm 2025, Hà Nội sẽ xây dựng 204 dự án bãi đỗ xe công cộng, tập trung tại khu vực nội đô với tổng mức đầu tư khoảng 29.872 tỷ đồng, chủ yếu bằng nguồn vốn xã hội hóa. Vậy cách nào để Hà Nội hút được số vốn này, trong khi hầu hết các dự án trước đó vẫn nằm trên giấy?

Dự án nằm trên giấy vì thiếu cơ chế hỗ trợ

Hà Nội hiện có 6,9 triệu ô tô, xe máy, chưa tính xe của các lực lượng vũ trang và các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn; xe ngoại tỉnh thường xuyên ra vào thành phố. Tất cả đang tạo sức ép rất lớn lên hạ tầng giao thông Thủ đô do quỹ đất dành cho giao thông tĩnh chỉ đáp ứng khoảng 8 - 10% nhu cầu.

Nhu cầu lớn, trong khi đó hầu hết các dự án bãi đỗ xe ngầm đều đang nằm… trên giấy. 7 dự án bãi đỗ xe ngầm tại Công viên Thống Nhất, Khu thể thao Quần Ngựa, Công viên Thủ Lệ, Cung văn hóa Hữu nghị, Quảng trường Nhà hát Lớn, Quảng trường Ngân hàng Nhà nước, Công viên Tuổi Trẻ sau nhiều năm chuẩn bị vẫn chưa thể khởi công.

Ông Lê Hải Phương, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư phát triển đô thị Tây Hồ (chủ đầu tư bãi đỗ xe ngầm Mễ Trì Hạ) cho biết, đã nộp đủ tiền thuê đất trong 50 năm cho thành phố và đề nghị hỗ trợ cấp lại 10 năm tiền thuê ban đầu nhưng đến nay vẫn chưa được thành phố phản hồi. Việc sử dụng một phần đất dự án vào mục đích dịch vụ, thương mại cũng chưa được chấp thuận.

“Chúng tôi đã đầu tư 200 tỷ đồng để xây dựng bãi đỗ xe ngầm Mễ Trì Hạ và đang đề xuất thực hiện tiếp một số dự án bãi đỗ xe ngầm khác, tuy nhiên thủ tục còn rất phức tạp. Phương án thu hồi vốn cũng như khoản hỗ trợ của thành phố chưa được cụ thể”, ông Phương nói.

Theo tìm hiểu, thời gian qua, nhiều DN muốn đầu tư xây dựng bãi đỗ xe ngầm nhưng vướng thủ tục. Có vị trí, khi nhà đầu tư vào lập dự án lại vướng các quy hoạch khác, thiếu đồng bộ với hạ tầng giao thông. Nhất là công tác GPMB đang là thách thức lớn đối với các nhà đầu tư.

“Có vị trí đất công như Công viên Thủ Lệ, muốn giao phải qua đấu thầu. DN sẵn sàng đấu thầu công khai nhưng lại tắc ở chủ trương, dẫn đến đất thừa mà chỗ đỗ xe lại thiếu”, chủ một DN bày tỏ.

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Vũ Hoàng Chung, chuyên gia giao thông đô thị cho rằng, việc để các khu đất bỏ không, trong khi nhu cầu về bãi đỗ xe vô cùng lớn là lãng phí. Đơn cử, lô đất tại số 295 Lê Duẩn, nằm trong khuôn viên Công viên Thống Nhất từng là dự án khách sạn bị dừng triển khai nhưng đã có sẵn 3 tầng ngầm với tổng diện tích gần 17.000m2, đáp ứng khoảng 400 chỗ đỗ xe.

“Nhiều năm nay, lô đất vẫn đóng cửa im lìm, trong khi người dân đến công viên và các vùng phụ cận thiếu chỗ gửi xe. Điều đó cho thấy Hà Nội đang lãng phí rất lớn nguồn lực đất đai”, ông Chung nói.

Một nỗi lo khác của các nhà đầu tư là nguồn thu của dự án không đảm bảo, bấp bênh do sự buông lỏng quản lý đô thị. Như tại bãi đỗ xe ngầm Mễ Trì Hạ, khu vực xung quanh với đường sá nhỏ hẹp đã được cắm biển cấm nhưng vẫn nhan nhản ô tô dừng đỗ. Thậm chí, có cả các bãi xe lậu xung quanh với giá gửi rẻ hơn.

Hệ quả là dù được thiết kế với 650 chỗ đỗ nhưng bãi đỗ xe ngầm Mễ Trì Hạ chỉ đạt khoảng 50% công suất, doanh thu chỉ đủ bù cho chi phí vận hành, duy tu, duy trì, còn chưa đủ cân đối nếu tính cả khấu hao thiết bị và tiền thuê đất.

“Mở” cơ chế thế nào?

Ông Trần Hữu Bảo, Phó giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho rằng, việc kêu gọi các thành phần kinh tế tham gia đầu tư bãi đỗ xe là hướng đi tất yếu nhưng để thu hút được nhà đầu tư đòi hỏi phải tháo gỡ nhiều rào cản.

“Hiện thành phố đang hoàn chỉnh quy hoạch mạng lưới điểm đỗ xe trên địa bàn đến năm 2030, tầm nhìn 2050 để công bố rộng rãi danh mục các dự án kêu gọi đầu tư”, ông Bảo nói.

Cũng theo ông Bảo, nguyên nhân khiến nhiều dự án bãi xe ở Hà Nội nằm trên giấy do quy hoạch trước đây mang tính định hướng, chưa có quy hoạch chi tiết. Khi nhà đầu tư khi triển khai phải lập quy hoạch và thỏa thuận quy hoạch tổng mặt bằng hoặc quy hoạch chi tiết nên mất nhiều thời gian. Cùng đó, năng lực tài chính của một số nhà đầu tư còn hạn chế; nhiều nhà đầu tư đề xuất nghiên cứu chỉ mang tính chất định hướng giữ đất không thực sự đầu tư.

Nói về các cơ chế, chính sách để thu hút các nhà đầu tư tới đây, Phó giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, thành phố sẽ hỗ trợ 100% tiền thuê đất trong 10 năm đầu (không bao gồm phần diện tích đất phục vụ kinh doanh dịch vụ, thương mại).

Riêng dự án đầu tư bến xe, sau 10 năm đầu sẽ được xem xét miễn hoặc hỗ trợ một phần tiền thuê đất đối với phần diện tích bắt buộc của các hạng mục công trình thuộc dự án đầu tư bến xe.

“Thành phố cũng hỗ trợ vay vốn khi đầu tư xây dựng bãi đỗ xe, bến xe. Các dự án bãi đỗ xe ngầm đầu tư theo hình thức xã hội hóa được phép sử dụng tối đa 30% tổng diện tích sàn xây dựng thuộc khu vực ngầm để đầu tư khai thác dịch vụ thương mại, dịch vụ khác hỗ trợ cho bãi đỗ xe ngầm”, ông Bảo thông tin.

Ngoài ra, Hà Nội còn được hỗ trợ các khoản thuế, phí khác khi thực hiện đầu tư và khai thác bãi đỗ xe. Hà Nội cũng đang cải cách và đơn giản hóa thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian giải quyết từ khâu quy hoạch, chuẩn bị dự án, thiết kế thẩm định, phê duyệt và GPMB để hút các nhà đầu tư.

Ông Đào Ngọc Nghiêm, Phó chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Hà Nội cho rằng, các cơ quan chức năng của Hà Nội, nhất là Sở Quy hoạch và Kiến trúc, Sở KH&ĐT và Sở GTVT cần ngồi lại để xây dựng cơ chế triển khai bãi đỗ xe ngầm theo quy hoạch. Nếu cứ vẽ quy hoạch, kêu gọi đầu tư rồi để DN thu hồi vốn thông qua thu phí phương tiện thì nhiều năm nữa Hà Nội sẽ khó có bãi xe ngầm đúng nghĩa.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.