Giao thông trên đường Tôn Đức Thắng luôn bị ùn tắc kéo dài do các phương tiện rẽ ngang sang phố Đoàn Thị Điểm tại điểm quay đầu |
Điểm quay đầu “làm khó” người tham gia giao thông
Sáng 16/11, trực tiếp lưu thông trên đường Nguyễn Trãi (đoạn từ hầm chui Thanh Xuân đến ngã ba Nguyễn Trãi - Nguyễn Văn Lộc), ghi nhận của PV Báo Giao thông, tình trạng ùn tắc diễn ra rất phức tạp.
Cụ thể, lúc 7h30, tại điểm mở đối diện ngõ 497, khi một lượng lớn phương tiện đang di chuyển hướng Trần Phú - Nguyễn Trãi, liên tiếp các xe ô tô BKS: 30A-262.16; 30A-380.72; 30A-516.93,… chiều ngược lại quay đầu, rẽ sang ngõ 497 đối diện. Cùng đó là hàng loạt xe máy tại ngõ 495 Nguyễn Trãi BKS: 88B1-099.44; 33M5-7509; 29H1-761.60; 29T1-9959; 30K9 -7034 đi về phía Hà Đông, vì không muốn đi một đoạn đường dài khu vực ngã tư Khuất Duy Tiến để quay lại, bất chấp nguy hiểm đi ngược chiều đến showroom Mazda, rẽ ngang qua điểm quay đầu, loạng choạng lạng lách giữa dòng người ken đặc để sang đường, khiến giao thông thêm hỗn loạn.
"Hiện nay, khi mật độ phương tiện trên các tuyến đường, nhất là tại các ngã tư lớn rất cao, việc giảm bớt các điểm quay đầu là cần thiết. Những điểm đã tồn tại, lực lượng chức năng cũng cần bố trí dải phân cách mềm, phòng trường hợp nếu ùn tắc sẽ ngăn không cho các phương tiện rẽ”. TS. Nguyễn Xuân Thủy |
Ở một khu vực khác, trên tuyến phố Tôn Đức Thắng (Đống Đa, Hà Nội) chiều 13/11, ghi nhận của PV, tại điểm quay đầu đối diện với phố Đoàn Thị Điểm, khi dòng xe dày đặc đang đi theo hướng Tôn Đức Thắng - Ô Chợ Dừa, một ô tô con BKS 30E-954.74 hướng đi ngược lại bất chợt rẽ vào con phố này, “chặn đứng” dòng xe đang lưu thông, kéo theo sau đó là hàng loạt xe máy từ ngoài rẽ vào, chen chúc nhau sang đường, khiến giao thông tại đây ùn tắc nghiêm trọng.
Trên đường Đại Cồ Việt, các điểm quay đầu được bố trí rất gần nhau. Đơn cử, lúc 17h30 ngày 14/11, giao thông khu vực này bắt đầu xuất hiện ùn ứ, liên tiếp các xe ô tô BKS: 29B-604.88; 30E-393.05; 30E-624.79 từ phố Hoa Lư đi ra nối đuôi quay đầu khiến dòng phương tiện ở cả hai làn đường bị ùn, đến khi chiếc xe buýt số 23 BKS 29B-047.60 quay ngang rẽ vào phố Tạ Quang Bửu, cả đoạn đường lập tức bị tắc cục bộ.
Tình trạng này cũng diễn ra tương tự tại hàng loạt tuyến phố khác như: Điểm quay đầu đối diện gò Đống Đa trên đường Tây Sơn, điểm đối diện số 77 Giải Phóng, số 54A Nguyễn Chí Thanh, 46 Láng Hạ (ngay gần nhà chờ buýt BRT Vũ Ngọc Phan),…
Điểm chung của các điểm quay đầu này là đối diện với những tuyến phố nhánh. Điều này tạo điều kiện cho phương tiện “đi cắt đường”, quay đầu đi ngược chiều sang làn đường kế bên để tiết kiệm khoảng cách.
Giảm điểm mở quay đầu để tránh xung đột
Trao đổi với Báo Giao thông, Trung tá Nguyễn Đức Thắng, Đội phó Đội CSGT số 7 (Công an TP Hà Nội) cho biết, điểm quay đầu đối diện 497 Nguyễn Trãi là điểm gần nhiều cơ quan, xí nghiệp nên lượng ô tô qua lại giao cắt, đi vào các cơ quan này khá đông. Trước đó, Đội CSGT số 7 đã bố trí lực lượng cắm chốt vào các ngày đầu tuần, cuối tuần. Đội CSGT số 7 đã đề xuất bịt lại điểm mở này, đẩy xuống điểm mở dưới (đối diện 565 Nguyễn Trãi), đồng thời di chuyển điểm dừng xe buýt ở điểm mở dưới sang vị trí khác để giãn mật độ phương tiện. Ngoài ra, điểm mở đối diện tòa nhà Hồ Gươm Plaza cũng được đề xuất đóng lại.
“Đối với điểm 522 Nguyễn Trãi, buổi chiều hàng ngày đã có lực lượng chốt trực và cấm ô tô quay đầu. Nhưng do lực lượng mỏng, thường chỉ có 1 CSGT chốt trực nên nhiều phương tiện vẫn cố tình đi trái đường để sang điểm mở”, Trung tá Thắng thông tin.
Ông Trần Đăng Hải, Chánh Thanh tra Sở GTVT cũng thừa nhận bất cập tại nhiều điểm quay đầu trên địa bàn. Trong đó có tình trạng phương tiện thường xuyên đi ngược chiều sang đường; lưu lượng phương tiện quá đông nên mỗi khi có xe quay đầu khiến dòng lưu thông bị chặn lại. “Tới đây, chúng tôi sẽ nghiên cứu và đề xuất những phương án hợp lý với Sở GTVT Hà Nội để giảm thiểu bất cập tại các điểm quay đầu”, ông Hải nói.
Chuyên gia giao thông, TS. Nguyễn Xuân Thủy cho hay, điểm quay đầu được hình thành trên các tuyến đường từ những năm 2009, 2010. Khi đó, Hà Nội chưa có hệ thống cầu vượt nhằm giải tỏa áp lực giao thông, mật độ phương tiện quá cao tại các ngã tư. Tuy nhiên, theo TS. Thủy, đó chỉ là giải pháp tình thế, nếu lạm dụng quá nhiều sẽ phản tác dụng. Một tuyến đường, đặc biệt là tuyến đường nhỏ không nên bố trí quá dày điểm quay đầu vì sẽ tạo ra nhiều điểm cắt, giảm tốc độ của các dòng xe, gây xung đột giao thông.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận