Một công nhân thi công vỉa hè đường Nguyễn Chí Thanh chia sẻ, để cốt vỉa hè không bị cập kênh, đơn vị thi công được giao phủ lớp bê tông dày khoảng 8cm trước khi lát đá lên trên
Dù rất nhiều chuyên gia đô thị, thủy văn có ý kiến về việc vỉa hè được lát bằng đá tự nhiên sẽ triệt tiêu khả năng thấm hút nước, tăng nguy cơ úng ngập, tuy nhiên Hà Nội vẫn cho triển khai đồng loạt, vừa gây lãng phí hàng nghìn tỷ, vừa khiến sinh hoạt của người dân đảo lộn vì cứ hễ mưa là ngập…
Cần dừng ngay lát vỉa hè bằng đá tự nhiên
TS. Nguyễn Ngọc Lân, Trưởng Bộ môn Vật liệu xây dựng - khoa học kỹ thuật xây dựng (Trường Đại học GTVT) cho biết, trước đây Hà Nội chủ yếu dùng gạch block có độ cứng không cao. Quy trình thi công đơn giản, chỉ cần lớp cát san phẳng đầm chặt là xong. Vì vậy, việc thấm và thoát nước rất tốt.
Nhưng khi lát đá tự nhiên giòn hơn, quá trình thi công phải đầm chặt nền, sau đó sử dụng lớp bê tông dày, khi mưa xuống nước không thấm được, phải chảy từ vỉa hè xuống mặt đường.
PGS. TS. Nguyễn Thị Thu Thủy (Giảng viên Trường Đại học GTVT) thẳng thắn đặt câu hỏi, không hiểu Hà Nội có đang bị áp lực giải ngân không mà sau rất nhiều bất cập, nhiều chuyên gia lên tiếng nhưng vẫn đang thi công lát đá tự nhiên đồng loạt. “Hà Nội cần dừng ngay dự án lát đá tự nhiên để bớt lãng phí và giảm úng ngập”, bà Thủy nói.
Quy trách nhiệm cá nhân, tập thể liên quan
Trao đổi với Báo Giao thông, bà Bùi Thị An, nguyên ĐBQH thuộc đoàn Hà Nội cho rằng, từ cuối năm 2016, nhiều quận nội thành của Hà Nội đã cải tạo vỉa hè bằng đá tự nhiên với tuổi thọ đến 70 năm. Tuy nhiên, mặt đá lát sau vài tháng đã bong tróc, gãy nát nhiều vị trí.
“Đến đầu tháng 12/2017, khi báo chí phản ánh về tình trạng ồ ạt thay đá lát vỉa hè và việc đá bị hư hỏng, xuống cấp nhanh, Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo dừng ngay việc thay thế đá lát vỉa hè, yêu cầu Thanh tra TP Hà Nội vào cuộc, làm rõ trách nhiệm. Nhưng không hiểu sao, với những bất cập trên, đá tự nhiên vẫn đang được lát đồng loạt trên nhiều tuyến phố”, bà An nói.
“Hà Nội cần đánh giá lại dự án, tại sao sai phạm không chỉ ở một tuyến phố mà nhiều tuyến đến vậy. Cùng đó, cần lấy ý kiến nhà khoa học xem nguyên nhân chính là gì?
Đây là dự án lớn, tiêu tốn quá nhiều tiền ngân sách do người dân đóng thuế nên cần làm rõ nguyên nhân để tránh lặp lại và bớt lãng phí”, bà An nói và cho rằng, đây là chủ trương của thành phố nên TP Hà Nội cũng phải có trách nhiệm, không chỉ riêng các quận.
Khẳng định vi phạm về lát đá vỉa hè thời gian qua cần xử lý nghiêm, TS. Hoàng Minh Sơn, chuyên gia giao thông đô thị cho rằng, phải quy rõ trách nhiệm từng cấp lãnh đạo, người đứng đầu. Dự án kém hiệu quả, lãng phí, gây úng ngập hơn không thể coi như không có gì xảy ra.
“Dự án nghìn tỷ không thể muốn làm thế nào cũng được, người dân, chuyên gia giao thông rất bất bình nhưng thành phố vẫn cho triển khai đồng loạt”, TS. Sơn nói.
Giải pháp bãi thấm ngầm khi vỉa hè bị bê tông hóa
Tháng 5/2017, trong bài viết với tiêu đề “Cần xây bãi thấm ngầm chống ngập và ùn tắc đô thị” đăng trên Báo Giao thông, hai tác giả Nguyễn Thạch Lam - Nguyễn Tấn Dương cho rằng, cấu tạo của bãi thấm ngầm gồm hệ thống các đường ống nhựa (PVC) đường kính khoảng 50mm được đặt ngầm dưới lớp bê tông vỉa hè.
Những ống này được đục các lỗ nhỏ đường kính vài mm dọc thân ống để thấm nước mưa từ trong ống ra lòng đất, do cấu tạo các loại vỉa hè đều có lớp lót là vật liệu thấm nước tốt như cát, sỏi được bố trí ngay dưới lớp bê tông bề mặt, các lớp này dày khoảng 30cm/lớp và được đầm chặt nên rất thuận lợi để bố trí ống đục lỗ nằm giữa lớp vật liệu thấm nước này.
Ưu điểm của giải pháp này là nước mưa sẽ được thu gom và giữ lại dưới vỉa hè, thấm vào lòng đất, từ đó giảm tải cho hệ thống cống ngầm và giảm được ngập lụt, góp phần giảm ùn tắc.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận