Có những trường hợp vi phạm 7 năm chưa đến giải quyết và nhận lại bằng lái xe |
Chiều 16/4, trao đổi với PV Báo Giao thông, Thượng tá Lê Văn Hoan, Đội trưởng Đội CSGT số 4 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) cho biết, chỉ tính trong năm 2016, có hơn 3.369 GPLX tại trụ sở đội chưa được người vi phạm đến giải quyết để nhận lại.
“Thường sau hơn 1 năm mà người vi phạm không đến nộp phạt hoặc lấy lại giấy tờ, đại đa số các trường hợp này đều xác định “bỏ”. Chúng tôi phải sắm những chiếc tủ riêng để lưu trữ số lượng biên bản xử phạt, hồ sơ của số lái xe hiện vẫn chưa đến thực hiện quyết định xử lý của CSGT, dù đã gửi thông báo nhiều lần”, Thượng tá Hoan cho biết.
Tại Đội CSGT số 2, Trung tá Hoàng Quang Chiến, cán bộ xử lý của đơn vị ngán ngẩm cho biết: “Những chồng hồ sơ tồn cứ dày thêm từng ngày. Chiếc tủ đựng tới cả nghìn bộ hồ sơ kẹp theo GPLX của người vi phạm, trong số những bộ hồ sơ này có những biên bản xử phạt VPHC của người vi phạm lập từ năm 2010, đến nay đã 7 năm nhưng người vi phạm vẫn không đến giải quyết”.
Trung tá Chiến cho biết, qua thống kê, hiện số GPLX mô tô, xe máy đang bị tạm giữ tại Đội CSGT số 2 mà người vi phạm chưa đến giải quyết là hơn 2.000 chiếc.
Trước thực trạng hàng nghìn GPLX đang “tồn kho” như hiện nay, Trung tá Lê Mạnh Hưng đề xuất tới đây, việc xác minh để cấp đổi lại GPLX cần siết chặt hơn, không để lọt các trường hợp kê khai không đúng sự thực trong quá trình làm thủ cấp lại GPLX. Các cơ quan chức năng cũng cần nghiên cứu và triển khai đồng bộ hệ thống dữ liệu về xử lý vi phạm TTATGT trên toàn quốc. Qua đó, những trường hợp vi phạm cố tình khai báo không trung thực - làm đơn xin cấp lại trong khi bị cơ quan chức năng tạm giữ GPLX sẽ bị phát hiện, xử lý kịp thời. |
Đại úy Trần Ngọc Trung, Đội phó Đội CSGT số 6 cho biết, do số GPLX đang bị “tồn kho” nhiều nên đơn vị đã bố trí các tủ, kệ hồ sơ để lưu trữ riêng. Đến nay, số GPLX bị tạm giữ, nhưng người vi phạm chưa đến giải quyết là hơn 1.000 chiếc. Trong số này, chủ yếu là GPLX mô tô, xe máy. Cũng giống như Đội CSGT số 2, trong tủ hồ sơ lưu trữ này, có những bộ hồ sơ, GPLX được lưu từ năm 2010.
Trao đổi với PV, Trung tá Nguyễn Đức Huấn, Đội phó Đội CSGT số 4 thông tin: “Có lẽ, chi phí để có được những GPLX này khá ít, lại được quảng cáo tràn lan trên mạng về nơi cấp phép, cấp bằng với thủ tục đơn giản nên người vi phạm sẵn sàng bỏ GPLX đã bị thu giữ để làm cái khác”. Trung tá Lê Mạnh Hưng, Đội phó Đội CSGT số 2 cũng cho hay, nhiều trường hợp vi phạm đã lợi dụng thủ tục cấp, đổi GPLX có phần “thoáng” như hiện nay để giả vờ… báo mất GPLX và làm thủ tục cấp lại thay vì đến cơ quan chức năng ký biên bản xử lý VPHC, nộp phạt với số tiền nhiều hơn lệ phí làm thủ tục cấp lại GPLX. “Đó là chưa kể đến tình trạng số lái xe sau khi bị tạm giữ GPLX tại địa phương này, đã làm thủ tục xin cấp lại GPLX tại tỉnh, thành khác”, Trung tá Hưng nói.
Để giải quyết tình trạng trên, Thiếu tá Vũ Văn Hoài, Đội trưởng Đội Tuyên truyền, Phòng CSGT Công an TP Hà Nội cho rằng, cần phải siết chặt khâu tổ chức thi, sát hạch, cấp GPLX tại tất cả các cơ sở. Còn theo Thiếu tá Trịnh Tiến Thành, Đội phó Đội CSGT số 6, cần đồng bộ hóa cơ sở dữ liệu trong việc quản lý các trường hợp vi phạm TTATGT, sớm nghiên cứu, đưa ra quy định cụ thể có tính răn đe đối với các trường hợp khai báo gian dối trong quá trình làm thủ tục xin cấp lại GPLX.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận