Quản lý

Hà Nội: Nhiều nút giao công an không còn phải "ngụp lặn" giữa "biển" xe

14/12/2019, 06:37

Năm 2019, Hà Nội xóa được 10/33 điểm thường xuyên ùn tắc, bớt đi hình ảnh công an, tự quản phường ngụp lặn, bất lực giữa "biển" xe.

img
Tình trạng ùn tắc nút giao Hồ Tùng Mậu - Lê Đức Thọ cải thiện rõ rệt sau khi Hà Nội tổ chức lại giao thông bằng đèn tín hiệu

Xóa bỏ hình ảnh chiến sĩ công an… “ngụp lặn giữa biển xe”

Khoảng một năm trước, nút giao cầu Cống Mọc - Quan Nhân (quận Thanh Xuân) được coi là một trong những “điểm đen” ùn tắc nghiêm trọng nhất tại Thủ đô. Vào khung giờ cao điểm, phương tiện “chôn chân” hàng giờ tại đây. Tất cả các hướng: Láng - Quan Nhân; Giáp Nhất - Láng, Giáp Nhất - Nguyễn Ngọc Vũ đều ùn tắc nghiêm trọng, người tham gia giao thông gần như không có lối thoát.

Tuy nhiên, có mặt tại đây chiều 11/12, PV Báo Giao thông ghi nhận, giao thông tại đây khá thông thoáng, không có dấu hiệu ùn tắc. Theo quan sát, cầu Cống Mọc đã được TP Hà Nội đầu tư nâng cấp. Cây cầu cũ vốn chỉ đủ diện tích cho xe ô tô lưu thông một chiều giờ đây đã được mở rộng bề mặt gấp 4 lần, giúp lưu lượng phương tiện tại điểm giao cắt được nhanh hơn. Không gian giao thông thông thoáng cũng giúp công tác điều tiết của lực lượng chức năng được hiệu quả. Hình ảnh những chiến sĩ công an, đội tự quản của phường sở tại phải ngụp lặn, bất lực giữa “biển” xe gần như được xóa bỏ.

Cách đó không xa, nút giao Nguyễn Khang - Cầu 361 cũng từng là một “nút thắt” giao thông khiến người tham gia giao thông ngán ngẩm bởi tình trạng mạnh ai người nấy đi. Tuy nhiên, ghi nhận của PV vào chiều 10/12 cho thấy, cầu 361 hiện đã được nâng cấp, mở rộng diện tích mặt cắt lên gấp đôi và được phân tách làn bởi dải phân cách cứng. Đèn tín hiệu được lắp đặt ở tất cả các hướng lưu thông trên cầu, thực hiện chức năng giãn dòng phương tiện, giúp áp lực giao thông khu vực được giải tỏa, thông suốt.

Tại nút giao Hồ Tùng Mậu - Lê Đức Thọ từ khi rào chắn công trường phục vụ thi công tuyến đường sắt trên cao Nhổn - ga Hà Nội được dỡ bỏ, đèn tín hiệu cũng đã được thiết lập để phục vụ công tác điều tiết, các hướng giao thông có mật độ phương tiện lớn như: Hồ Tùng Mậu - Cầu Giấy và ngược lại, Lê Đức Thọ - Trần Vỹ, Lê Đức Thọ - Hồ Tùng Mậu đều không xảy ra xung đột, va chạm ngay cả trong giờ cao điểm.

Một số “điểm đen” khác như: Ngã ba Phạm Văn Đồng - Hoàng Quốc Việt, nút giao Chùa Hà - Cầu Giấy hiện tình trạng ùn tắc cũng đã “giảm nhiệt” do việc thi công các dự án đường trên cao Nhổn - ga Hà Nội, Mai Dịch - Nam Thăng Long dần thu gọn. Tuy nhiên, vào giờ tan tầm, những khu vực này vẫn xuất hiện tình trạng ùn ứ do một phần mặt đường vẫn phải dành cho những hàng rào chắn phục vụ thi công.

Giải tỏa 10/33 “điểm đen” ùn tắc

Sở GTVT Hà Nội đang thực hiện hàng loạt giải pháp như: Tăng cường tuyên truyền pháp luật về ATGT, xây dựng văn hóa giao thông; Kết hợp với đẩy mạnh tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các vi phạm; Tổ chức giao thông kết hợp với quản lý, duy trì hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông khoa học, hợp lý; Phát triển vận tải hành khách công cộng, tập trung hoàn thành hệ thống vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn - đường sắt đô thị, đồng thời có biện pháp phù hợp để quản lý sự gia tăng của phương tiện cá nhân.
Ông Ngô Mạnh Tuấn

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Ngô Mạnh Tuấn, Phó giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, trong thời gian qua Sở GTVT Hà Nội đã chủ động, phối hợp với Công an TP, các đơn vị liên quan tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp để xử lý các điểm, các khu vực ùn tắc giao thông thuộc danh mục 33 điểm thường xuyên ùn tắc giao thông trong giờ cao điểm.

Cụ thể, theo ông Tuấn, tính đến hết tháng 11/2019, Sở GTVT đã xử lý được 10/33 điểm thường xuyên ùn tắc trong giờ cao điểm như: Láng - Nguyễn Chí Thanh; Nguyễn Khang - Cầu 361; Cầu Mọc; Khu vực Vành đai 3 trên cao - Pháp Vân - Giải Phóng; Hồ Tùng Mậu - Lê Đức Thọ; Ngõ 08, 82, 84 Chùa Láng; Số 10 Tôn Thất Tùng; Cổng trường Đại học Quốc gia - Đường Xuân Thủy - Ga số 6 dự án đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội; Hoàng Quốc Việt - Phạm Văn Đồng.

Ông Tuấn thông tin thêm, vừa qua Sở GTVT đã triển khai lắp đặt thiết bị radar tại 2 nút giao thông Trung Kính - Mạc Thái Tổ và Phạm Văn Bạch - Dương Đình Nghệ phục vụ công tác thu thập thông tin tín hiệu tại các nút giao thông điển hình. Đáng lưu ý, thời gian qua Hà Nội đã hoàn thành 23/30 công trình giao thông, góp phần giảm tải cho nhiều khu vực.

Cùng đó, Sở GTVT Hà Nội cũng phối hợp với Sở Xây dựng, UBND các quận tổ chức rà soát, đề xuất danh mục xén dải phân cách, cải tạo đảo giao thông, di chuyển cây xanh trên địa bàn 12 quận với tổng số 15 tuyến đường, 5 đảo giao thông, 7 hầm chui dân sinh, 3 nút giao thông để tổ chức giao thông.

“Từ nay đến cuối năm, Sở GTVT Hà Nội tiếp tục phối hợp với liên ngành tăng cường thực hiện các giải pháp để khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông, đảm bảo ATGT phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán. Tập trung thực hiện các danh mục thuộc chương trình mục tiêu nhằm giảm thiểu ùn tắc và đảm bảo ATGT trên địa bàn TP Hà Nội”, ông Tuấn nói.

Ông Tạ Đức Giang, Phó chánh văn phòng Ban ATGT TP Hà Nội cho biết, tới đây để kéo giảm ùn tắc, sẽ đề xuất thành phố chỉ đạo Sở GD&ĐT yêu cầu Ban Giám hiệu các trường chủ động nghiên cứu có phương án tổ chức đưa đón học sinh bằng phương tiện giao thông công cộng, xe đưa đón hoặc chính quyền các cấp phối hợp với nhà trường tổ chức các điểm để giáo viên tiếp nhận và đưa học sinh vào trường, tránh tập trung tại cổng trường gây phức tạp về trật tự, gây ùn tắc giao thông.

“Hiện, các cổng trường học đang trở thành điểm đen ùn tắc nên Hà Nội cần có giải pháp để khắc phục các điểm đen này”, ông Giang bày tỏ.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.