Theo tìm hiểu của PV Báo Giao thông, Dự án Khu đô thị mới Thịnh Liệt do Công ty TNHH MTV Nhà ở và Đô thị Licogi, thuộc Tổng công ty Xây dựng và Phát triển hạ tầng (Tổng công ty Licogi) làm chủ đầu tư.
Năm 2004, UBND TP Hà Nội có quyết định thu hồi khoảng 35ha đất tại các phường Tương Mai, Hoàng Văn Thụ, Thịnh Liệt thuộc quận Hoàng Mai, tạm giao cho Licogi tổ chức điều tra, lập phương án giải phóng mặt bằng, chuẩn bị triển khai dự án này.
Dự án Khu đô thị mới Thịnh Liệt
Theo kế hoạch, dự án sẽ kết thúc vào năm 2011, trong đó giai đoạn 1 dự kiến kết thúc vào cuối năm 2008 với các công việc: Giải phóng mặt bằng, xây dựng các hạng mục hạ tầng kỹ thuật, xây thô nhà vườn, cụm chung cư phục vụ tái định cư…; Giai đoạn 2 là tiến hành xây dựng nhà cao tầng, cụm nhà biệt thự. Đến nay đã 18 năm trôi qua, dự án vẫn chỉ là bãi đất trống hoang hóa, nhếch nhác…
Tương tự tại Dự án Trung tâm thương mại, chợ, siêu thị và văn phòng cho thuê Xuân La (gọi tắt là Dự án chợ Xuân La, nằm tại phường Xuân La, quận Tây Hồ) chậm tiến độ hơn 10 năm. Dự án này thuộc quy hoạch phân khu A6 của TP.Hà Nội, phía đông tiếp giáp ngõ 28 Xuân La, phía Tây Nam giáp mặt đường Xuân La. Dự án có diện tích 2.065m2, tổng mức đầu tư dự kiến ban đầu là 380 tỉ đồng.
Năm 2008, Công ty Cổ phần Xây dựng Sông Hồng trúng thầu để trở thành nhà đầu tư dự án này. Giá trúng thầu dự án là 16 triệu đồng/m2; tổng giá trị trúng thầu là 46,04 tỉ đồng. Trong đó, đơn vị trúng thầu phải nộp tiền sử dụng đất tạm tính theo diện tích 2.065m2 là 33,04 tỉ đồng; hoàn trả ngân sách đầu tư xây dựng chợ Xuân La là 2 tỉ đồng và cam kết hỗ trợ ngân sách địa phương là 11 tỉ đồng.
Đến nay, sau hàng chục năm, dự án vẫn chưa thực hiện. Đây chỉ là hai trong số nhiều dự án chậm triển khai, gây bức xúc dư luận.
Theo thống kê mới đây, trên địa bàn Hà Nội có hơn 700 dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai, với tổng diện tích đất trên 5.000 ha.
Trước những bất cập này, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đã trực tiếp làm việc với các ngành chức năng và chỉ đạo đến hết tháng 10/2022 có những kết quả cụ thể, đồng thời, thành phố kiên quyết xử lý trách nhiệm của tổ chức, cá nhân chậm thực hiện nhiệm vụ được giao.
Cùng đó, giao Sở Kế hoạch và Đầu tư là đơn vị đầu mối đối với các dự án đã được Nhà nước giao đất; Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì đối với dự án chưa được Nhà nước giao đất. Việc xử lý dự án chậm triển khai thực hiện theo nguyên tắc "dự án lớn làm trước, nhỏ làm sau", tuân thủ đúng các quy định về gia hạn của Luật Đất đai và Luật Đầu tư. "Thành phố sẽ xử lý một số dự án, đặc biệt là dự án lớn, tạo đà xử lý các dự án khác", Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội nhấn mạnh.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận