Lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội cho biết, 6 tháng cuối năm sẽ nỗ lực giảm thêm 6 điểm ùn tắc nữa |
Chiều nay (16/6), nhân buổi gặp gỡ báo chí dịp kỷ niệm 92 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, trong 6 tháng đầu năm thành phố đã giải quyết được 5/41 điểm ùn tắc giao thông. Các điểm này gồm: Lò Đúc - Trần Khát Chân - Kim Ngưu; Trung Văn - Tố Hữu; Bắc Cầu Chương Dương, Trâu Quỳ - QL5 và điểm nhà máy sữa Vinamilk - QL5.
Cũng theo ông Viện, hiện Sở GTVT đang tập trung xử lý dứt điểm 6 điểm ùn tắc khác trong năm 2017 gồm: La Thành - Hoàng Cầu, Hoàng Cầu - Xã Đàn, Nguyễn Khang - Cầu Giấy, Láng - Nguyễn Chí Thanh, Cầu Mọc, Tam Trinh - Đền Lừ.
Ngoài ra, theo lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội, trong 6 tháng đầu năm, đơn vị này đã thi công 69 công trình đảm bảo ATGT và chương trình mục tiêu giảm thiểu ùn tắc giao thông. Trong đó, lắp đặt 35 nút đèn tín hiệu; cải tạo sửa chữa hạ tầng giao thông 34 tuyến đường, cầu và nút.
Được biết, tới đây, Sở GTVT sẽ trình đề án tăng cường hạn chế xe cá nhân, trong đó có đề ra lộ trình tới năm 2030 hạn chế xe máy lưu thông để kéo giảm ùn tắc. Trước đó, trao đổi với Báo Giao thông, lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội cho biết, hện thành phố có nhiều chính sách quản lý phương tiện giao thông. Tuy nhiên, đối với tốc độ tăng phương tiện giao thông hiện nay rất lớn, khoảng trên 10%. Trong khi đó, tốc độ phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ chỉ tăng khoảng 3 - 4%, quỹ đất dành cho giao thông hàng năm tăng chưa đến 1%. Điều này dẫn đến ùn tắc ngày càng gia tăng.
Bên cạnh đó, tình trạng ô nhiễm môi trường cũng đang ở mức báo động. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, phương tiện giao thông và khí thải giao thông đóng góp vào ô nhiễm môi trường chiếm khoảng 70%. Vì vậy, thành phố cần quản lý phương tiện giao thông cá nhân để góp phần giảm ùn tắc giao thông, giảm ô nhiễm môi trường là một giải pháp quan trọng và chủ yếu. Để thực hiện nội dung giảm dần và từng bước dừng xe máy, với khoảng thời gian từ nay đến năm 2030, TP Hà Nội tin rằng, với việc đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, đầu tư các hệ thống vận tải giao thông công cộng khối lượng lớn, các tuyến đường BRT và đặc biệt là mở rộng nâng cao dịch vụ vận tải hành khách công cộng sẽ đáp ứng cơ bản nhu cầu đi lại của nhân dân cũng như đảm bảo kết nối giữa TP Hà Nội với các tỉnh, thành khác, qua đó sẽ hạn chế được phương tiện giao thông cá nhân.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận