GRDP 6 tháng đầu năm tăng 6%
Tại phiên họp HĐND TP Hà Nội sáng nay (1/7), Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải đã báo cáo về công tác chỉ đạo điều hành của UBND thành phố và tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2024, nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2024.
Theo đó, trong bối cảnh nhiều khó khăn, với nhiều biện pháp được triển khai quyết liệt và phù hợp với thực tiễn của thành phố, tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2024 của Hà Nội đạt được nhiều kết quả tích cực.
Cụ thể, GRDP 6 tháng đầu năm của Hà Nội tăng 6%, cao hơn so với cùng kỳ (5,97%); tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 408,4 nghìn tỷ đồng, tăng 10,7%; Doanh thu vận tải, kho bãi và chuyển phát đạt 107 nghìn tỷ đồng, tăng 13,1%.
Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 5,0% (cùng kỳ tăng 2,1%) cho thấy tín hiệu tích cực về sự phục hồi của sản xuất công nghiệp cũng như xuất khẩu đối với các sản phẩm của ngành.
Thu hút vốn FDI đạt 1,12 tỷ USD; Du lịch tiếp tục tăng trưởng mạnh; Khách du lịch quốc tế tăng 48,4% so với cùng kỳ (gần 2,2 triệu lượt khách); Khách du lịch trong nước tăng 15,4%.
Chỉ số giá tiêu dùng tăng 5,32% do chỉ số giá nhóm giáo dục tăng 31,53% làm CPI chung tăng 2,49% do mức thu học phí mới bằng mức cũ nhưng không còn hỗ trợ 50% giai đoạn dịch Covid-19 theo Nghị quyết của HĐND thành phố.
An sinh xã hội được đảm bảo toàn diện. Các chính sách xã hội được thực hiện kịp thời, đầy đủ, đúng đối tượng. Tạo việc làm mới cho 125 nghìn lao động, đạt 75,7% kế hoạch, tăng 10% cùng kỳ.
Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS) của Hà Nội năm 2023 đạt 83,57%, là năm thứ 6 liên tiếp đạt trên 80%, tăng 9 bậc so với năm 2022, xếp thứ 21/63 tỉnh, thành phố. Chỉ số Cải cách hành chính - PAR INDEX năm 2023 đạt 91,43 điểm (tăng 1,85 điểm), xếp thứ 03/63 tỉnh, thành phố, giữ nguyên thứ bậc so với năm 2022.
Bên cạnh kết quả cải thiện xếp hạng của các chỉ số PAR INDEX, SIPAS, Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) của Hà Nội năm 2023 tăng 0,06 điểm, đạt 43,96/80 điểm, xếp thứ 15/63 tỉnh, thành phố.
Thí điểm một số mô hình tổ chức bộ máy mới
Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội cũng thẳng thắn chỉ ra một số khó khăn, hạn chế như, công tác giải ngân mặc dù cao hơn cùng kỳ nhưng thấp hơn bình quân toàn quốc và chưa đạt yêu cầu đề ra đặc biệt với các dự án trọng điểm.
Doanh nghiệp vẫn còn khó khăn; Công tác phát triển nhà ở thương mại, nhà ở xã hội, nhà ở tái định cư còn chậm so với yêu cầu; Vệ sinh môi trường còn hạn chế, môi trường không khí và môi trường các dòng sông chậm được xử lý.
Về những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm 6 tháng cuối năm 2024, ông Hải cho biết, thành phố sẽ quyết liệt, tập trung thực hiện 11 nội dung nhiệm vụ trọng tâm.
Trong đó, Hà Nội sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế để đạt các chỉ tiêu kế hoạch năm 2024 với các động lực tăng trưởng mới, kiểm soát lạm phát; cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng hiệu quả, thực chất, gắn với nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh.
Thành phố cũng sẽ tập trung chỉ đạo chuẩn bị triển khai tổ chức thi hành Luật Thủ đô (sửa đổi) để sớm đưa Luật đi vào cuộc sống; Thực hiện tổ chức công bố Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050 và Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065.
Phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về quy hoạch, đất đai, đô thị và bảo vệ môi trường; Đẩy nhanh tiến độ các công trình hạ tầng giao thông khung quan trọng, đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô; đưa vào vận hành khai thác đường sắt đô thị trên cao Nhổn - Ga Hà Nội và thiết lập đề án tổng thể đầu tư xây dựng đường sắt đô thị Thủ đô.
Thành phố cũng đẩy mạnh cải cách hành chính, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; thực hiện tốt công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.
Rà soát chức năng, nhiệm vụ, kiện toàn tổ chức bộ máy một số cơ quan, đơn vị ở quận, huyện, thị xã và các đơn vị sự nghiệp công lập; thực hiện thí điểm một số mô hình tổ chức bộ máy mới.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận