Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải phát biểu tại phiên khai mạc - Ảnh: TTXVN |
Nâng cao văn hóa ứng xử của công chức
Bí thư Hoàng Trung Hải nhấn mạnh, năm 2017, thành phố lựa chọn chủ đề trên với quyết tâm tăng cường trật tự, kỷ cương hành chính; Nâng cao vai trò nêu gương, đạo đức công vụ, tinh thần, thái độ, ý thức, văn hóa ứng xử của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức các cấp; Lấy đó là cốt lõi để lan tỏa, nhân rộng ra các tầng lớp nhân dân, từng bước xây dựng trật tự, kỷ cương trong xã hội. Bên cạnh đó, Bí thư Hoàng Trung Hải cũng quán triệt việc đẩy mạnh thực hiện các chỉ tiêu chưa đạt kế hoạch, các lĩnh vực công tác còn yếu kém.
Báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội năm 2016, Phó chủ tịch UBND TP Nguyễn Doãn Toản cho biết, năm 2016, tuy kinh tế tăng trưởng không đạt mục tiêu nhưng cao hơn năm trước và cao nhất trong 6 năm trở lại đây, đạt 8,03%. Tuy nhiên, bên cạnh đó còn bộc lộ nhiều hạn chế, yếu kém như: Sản xuất kinh doanh còn gặp khó khăn, số doanh nghiệp phải tạm ngừng, nghỉ hoạt động chưa giảm so với năm trước; Chỉ số cải cách hành chính giảm; Công tác kiểm soát, xử lý ô nhiễm môi trường còn hạn chế; Cháy, nổ, TNGT vẫn diễn biến phức tạp và đã xảy ra một số vụ việc gây thiệt hại lớn về người và tài sản...
Những hạn chế này ngoài nguyên nhân khách quan còn có nguyên nhân chủ quan do một số cấp, ngành, lĩnh vực chưa làm tốt công tác dự báo và chủ động ứng phó, việc giải quyết công việc thiếu tập trung, sáng tạo, ý thức chấp hành pháp luật của người dân trong việc tuân thủ trật tự giao thông, trật tự đô thị, phòng chống cháy nổ còn hạn chế, chế tài xử phạt chưa đủ mạnh...
“Hơn trăm tỷ nạo vét hồ Tây, chưa thấy khối bùn nào”
Trong phiên thảo luận chiều cùng ngày về quy định phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi, tỉ lệ phân chia nguồn thu giữa các cấp ngân sách và định mức phân bổ dự toán chi ngân sách 2017- 2020, đại biểu HĐND Nguyễn Văn Thắng, Bí thư kiêm Chủ tịch HĐND quận Tây Hồ đề cập đến việc xây dựng quận Hồ Tây thành điểm đến của Thủ đô và để phát triển du lịch trong những năm tới. Tuy nhiên, đến nay vẫn còn những gói thầu về hạ tầng kỹ thuật xung quanh Hồ Tây chưa thực hiện được. Theo ông Thắng, tháng 7/2016, Hà Nội đã thông báo dừng dự án này. Hai tháng sau, quận Tây Hồ có ý kiến và Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung đã đồng ý Tây Hồ thực hiện gói thầu này. “Nhưng vừa rồi phân bổ không thấy đâu, mà cứ để thế thì không khai thác được. Đã đầu tư rồi, chỉ cần hơn 100 tỷ đồng thôi là xong, phương án các hộ dân đã đồng ý, còn cần tiền giải phóng mặt bằng. Vậy mà dừng suốt từ năm 2014 và nếu năm 2017 không làm thì để năm 2018 là quá chậm”, ông Thắng kiến nghị.
Đề cập đến công tác phòng chống tham nhũng năm 2016, Phó chủ tịch UBND TP Nguyễn Doãn Toản cho biết, năm 2016 thanh tra thành phố và các sở, ngành, quận, huyện, thị xã triển khai 330 cuộc thanh tra, sau thanh tra đã có kết luận 268 cuộc, qua thanh tra phát hiện sai phạm và kiến nghị thu hồi 1.141 tỷ đồng và 14,8ha đất. Năm 2016, Hà Nội đã kiểm điểm trách nhiệm và rút kinh nghiệm đối với 70 tập thể và 129 cá nhân thiếu trách nhiệm, buông lỏng công tác quản lý dẫn tới sai phạm; Xử phạt hành chính 53,3 tỷ đồng, chuyển cơ quan điều tra 9 vụ. |
Giải đáp ý kiến này, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, sau sự cố liên quan đến cá chết ở Hồ Tây, thực hiện chỉ đạo của Bí thư Thành ủy, Ban cán sự UBND TP Hà Nội đã mời một số công ty tư vấn trong và ngoài nước khảo sát lại. Ông Chung cũng cho biết đích thân đã trực tiếp kiểm tra lại và thấy từ năm 2011 đến nay, quận Tây Hồ đã thực hiện bốn dự án nạo vét Hồ Tây với tổng vốn đầu tư khoảng 128 tỉ đồng. Nhưng theo con số khảo sát của ba công ty độc lập, nếu muốn làm sạch Hồ Tây, phải nạo vét khoảng 1,2 triệu khối bùn, muốn biến Hồ Tây thành khu du lịch trong tương lai thì phải có kế hoạch tổng thể.
Thông tin kế hoạch chi tiết, ông Chung cho rằng cần phải làm bốn việc. Thứ nhất, phải nạo vét Hồ Tây. Thứ hai, làm sạch nước môi trường Hồ Tây. Thứ ba, làm nốt hệ thống để thu gom 8 cửa xả nước thải Hồ Tây vào hệ thống xử lý thì nước Hồ Tây mới sạch được. Cuối cùng sẽ là cột nước phun ở Hồ Tây cao từ 180 - 200m tạo điểm nhấn. “Với những lý do như vậy mà thành phố không thể bố trí vốn cho Ban quản lý Hồ Tây được. Nếu hút 1,2 triệu khối bùn, các nhà khảo sát đưa ra số tiền từ 170 -180 tỷ đồng, nhưng trong 4 năm vừa qua, Ban quản lý Hồ Tây đã dùng hết 128 tỷ mà tôi không thấy một khối bùn nào cả”, ông Chung nói và đề nghị đại biểu giải thích cho cử tri rằng tới đây sẽ có kế hoạch tổng thể việc này.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận