Phản ánh tới Báo Giao thông, chiều 29/1, hàng loạt cửa hàng xăng dầu dọc tuyến Đại lộ Thăng Long xảy ra tình trạng “hết xăng, còn dầu”, khiến cho một bộ phận người dân khổ sở dắt bộ hàng km tìm nơi mua xăng.
Đơn cử, trạm xăng dầu SICO (xã Yên Sơn, huyện Quốc Oai) thuộc Công ty Cổ phần xăng dầu dầu khí Hà Nội hiện đã treo biển "hết xăng dầu, mong quý khách thông cảm".
Cũng trên địa bàn này, tại cây xăng Yên Sơn, người dân cho biết, khi vào đổ được nhân viên thông báo “đã hết sạch xăng, chưa nhập được hàng”.
Một người dân phản ánh, đã dắt bộ 4 km dọc tuyến đường Đại lộ Thăng Long những các cửa hàng 2 bên đường đều hết xăng.
Hàng loạt cây xăng dọc tuyến đường Đại lộ Thăng Long (Hà Nội) không còn hàng
Được biết, hiện lực lượng quản lý thị trường chỉ đạo xuống địa bàn kiểm tra thực tế.
Những ngày qua, tình trạng hết xăng, hay nghỉ bán hàng cũng đã dần làm “nóng” thị trường xăng dầu. Các địa phương được Bộ Công thương nêu tên gồm: Hà Giang, Hà Tĩnh, Bình Phước, Thừa Thiên Huế, Thái Bình, Hưng Yên, TPHCM, Trà Vinh và Ninh Bình.
Nguyên nhân được các doanh nghiệp phản ánh là do lùi kỳ điều hành về ngày 1/2, thay vì ngày 21/1 theo duy định vì trùng dịp lễ Tết.
Việc lùi kỳ điều hành, trong khi giá xăng dầu thế giới liên tiếp tăng, biến động theo ngày, khiến cho giá nhập hàng của các doanh nghiệp khi về đến kho đã cao hơn giá bán lẻ hiện hành.
Điều này dẫn đến việc, các cửa hàng bán lẻ xăng dầu bị giảm, hoặc cắt chiết khấu (chiết khấu 0 đồng), thậm chí âm nặng khi doanh nghiệp bán lẻ phải gánh một loạt các chi phí như chi phí vận chuyển, chi tiền lương, bảo hiểm...
Tức là, kịch bản “càng bán càng lỗ” lại tái diễn. Trong khi, cửa hàng bán lẻ xăng dầu không có quyền dừng bán hàng và họ cũng không chủ động được nguồn hàng khi chỉ được nhập hàng từ một thương nhân phân phối hoặc đầu mối duy nhất.
Theo quy định của Nghị định 95 về kinh doanh xăng dầu, thương nhân kinh doanh xăng dầu đối với cửa hàng bán lẻ xăng dầu chỉ ngừng bán hàng sau khi được Sở Công thương chấp thuận bằng văn bản, trừ trường hợp vì lý do bất khả kháng (cháy nổ, lũ lụt hoặc đã nỗ lực áp dụng các biện pháp khắc phục nhưng không thể duy trì việc bán hàng).
Như vậy, các cửa hàng kinh doanh xăng dầu không được phép tự ý đóng cửa, ngừng bán hàng khi chưa được Sở Công thương chấp thuận bằng văn bản.
Dù vậy, diễn biến "nóng" của năm qua diễn ra xẩy ra khi nhiều cây xăng không chịu nổi thua lỗ đã phải tạm đóng cửa. Chi phí trong công thức tính giá cơ sở xăng dầu không theo kịp thực tế khiến doanh nghiệp xăng dầu lâm cảnh khó khăn… Trong khi đó, hai Bộ Công thương – Tài chính thường xuyên có những tranh cãi về lý do nguồn cung đứt đoạn.
Mấu chốt vấn đề là sửa Nghi định về kinh doanh xăng dầu. Hiện Dự thảo sửa đổi Nghị định đã được đưa ra lấy ý kiến. Tuy nhiên, theo một số đánh giá, đề xuất của Bộ Công thương gần như không giải quyết được các vấn đề tồn tại, gồm: Chiết khấu, nguồn hàng, kỳ điều hành, giá bán lẻ,...
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận