Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội cho biết, ngoài lưu lượng mưa lớn, nguyên nhân gây ngập kéo dài trên một số tuyến phố còn do các công trình thi công dở dang, gây cản trở thoát nước.
Ghi nhận thực tế trên địa bàn thành phố đơn vị này thống kê có 29 công trình thi công gây ảnh hưởng đến dòng chảy thoát nước.
Trong đó có một số cơ quan, đơn vị có nhiều dự án và công trình lớn như: Ban Quản lý dự án (QLDA) đầu tư xây dựng công trình cấp thoát nước và môi trường Hà Nội 3 công trình; Ban QLDA đầu tư xây dựng công trình giao thông Hà Nội 3 công trình; Ban QLDA đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp Hà Nội 2 công trình; Ban QLDA đầu tư xây dựng quận Hoàng Mai 2 công trình; Ban QLDA đầu tư xây dựng quận Long Biên 2 công trình; Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội 1 công trình; Ban QLDA đầu tư xây dựng quận Tây Hồ 1 công trình; Ban QLDA đầu tư xây dựng quận Đống Đa 1 công trình; Ban QLDA đầu tư xây dựng quận Bắc Từ Liêm 1 công trình.
Việc rào chắn để thi công dự án ngăn chặn dòng thoát nước gây úng ngập - Ảnh minh hoạ
Dẫn chứng cụ thể, Công ty Thoát nước Hà Nội cho biết: Tại ngã tư Phan Bội Châu - Lý Thường Kiệt là “điểm đen” ngập úng trên địa bàn thành phố nhiều năm qua, bình thường khi mưa xuất hiện, đơn vị túc trực thoát nước tại đây là Xí nghiệp thoát nước số 1 đã vận hành máy bơm tiêu úng tại vị trí số 47 phố Phan Bội Châu để bơm nước ngập chảy ra phía cống thoát nước trên phố Trần Hưng Đạo.
Tuy nhiên, hiện nay việc tiêu thoát nước ngập tại đây bị ảnh hưởng bởi công trường thi công nhà ga S12 thuộc Dự án đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội. Nguyên nhân do hàng rào công trường nằm chắn trên đường dẫn đến máy bơm tại đây không thể hoạt động vì đường xả nước ra cống bị chặn.
Cũng theo phía Công ty Thoát Nước Hà Nội, ngoài khu vực trên, Dự án đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội còn có 2 công trường thi công nhà ga đang gây ảnh hưởng đến việc tiêu thoát nước mưa. Đó là công trường nhà ga S10 (phố Cát Linh), làm trầm trọng hơn tình trạng úng ngập tại phố Giang Văn Minh; công trường ga S11 (phố Quốc Tử Giám), gây ảnh hưởng việc tiêu nước ở điểm ngập phố Nguyễn Khuyến.
“Trên đường Vành đai 3 đoạn qua Cầu Dậu và đường Kim Giang, Bằng Liệt, do có sông Tô Lịch chạy qua, nên bình thường các tuyến đường này rất ít xảy ra ngập úng. Thế nhưng 3 trận mưa vừa qua, nhiều đoạn tại các tuyến đường này đã bị ngập nặng. Ở trận mưa chiều 29/5, nước ứ đọng đến mức ngập bánh xe tại nhiều vị trí khiến la liệt mô tô, ô tô bị chết máy, đứng yên trên đường.
Tìm hiểu của PV, cả Dự án đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội (MRB) và Dự án xử lý nước thải Yên Xá đều là những dự án trọng điểm của thành phố Hà Nội.
Theo tiến độ được phê duyệt ban đầu, Dự án đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội hoàn thành năm 2015, Dự án xử lý nước thải Yên Xá hoàn thành năm 2018, tuy nhiên đến nay công trường cả hai dự án này vẫn quây rào trên đường và chưa biết ngày nào thi công xong.
Trước đó, cuối tháng 5/2022, MRB tiếp tục đệ trình văn bản đề xuất UBND TP Hà Nội lùi thời gian dự án hoàn thành từ năm 2022 sang năm 2029.
Lộ trình được MRB đặt ra là vận hành thương mại đoạn trên cao trong năm 2022, vận hành toàn tuyến vào năm 2027; hoàn thành bảo hành và quyết toán năm 2029. MRB cũng kiến nghị tăng tổng mức đầu tư thêm khoảng hơn 4.905 tỷ đồng, lên 34.532 tỷ đồng.Nguyên nhân chính được MRB chỉ ra là do việc chậm trễ GPMB. Có những gói thầu chậm bàn giao mặt bằng đến 5 - 6 năm so với kế hoạch.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận