Cầu vượt An Dương khánh thành hồi tháng 10/2018 đảm bảo cho phương tiện lưu thông nhanh chóng theo hướng Yên Phụ - Nghi Tàm - Ảnh: Khánh Linh |
Ngay đầu năm 2019, thành phố đã lên kế hoạch xóa sổ hàng loạt điểm ùn tắc, đồng thời nỗ lực không để ùn tắc kéo dài quá 30 phút.
Đầu tư mạnh hạ tầng và giao thông công cộng
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Ngô Mạnh Tuấn, Phó giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, đến nay, ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố dù đã được kéo giảm đáng kể, tuy nhiên vẫn còn 31 điểm thường xuyên ùn tắc.
“Để kéo giảm ùn tắc, trong năm 2018 Hà Nội đã tập trung đầu tư phát triển mạnh và nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải hành khách công cộng. Trong đó, thành phố đã mở mới được 15 tuyến buýt, nâng tổng số tuyến buýt lên 124 tuyến. Với việc vận tải công cộng phát triển nhanh, tình trạng ùn tắc cũng bớt nhức nhối hơn”, ông Tuấn nói.
Năm 2019, TP Hà Nội sẽ tập trung triển khai lập Đề án thu phí phương tiện cơ giới vào một số khu vực có nguy cơ ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường để hạn chế số lượng xe cơ giới đi vào; Hoàn thành việc rà soát, bố trí hợp lý các điểm dừng đỗ, điểm trung chuyển phục vụ kết nối giữa các loại hình vận tải hành khách công cộng, các điểm giao thông tĩnh với phương tiện giao thông cá nhân. |
Cũng theo ông Tuấn, thời gian qua, hạ tầng giao thông Thủ đô từng bước đầu tư có hiệu quả. Trong đó, giai đoạn 2017 - 2018 Hà Nội hoàn thành, đưa vào khai thác gần 300 công trình giao thông, với 11 công trình cầu; 280 công trình đường/512km. Hàng loạt công trình lớn như: Cầu vượt An Dương, cầu Văn Lang, cầu Mỹ Hòa, đường Hòa Lạc - Hòa Bình và một số đường trục trong các khu đô thị mới đưa vào khai thác khiến việc lưu thông của người dân thuận lợi hơn.
“Tỷ lệ đất dành cho giao thông của Hà Nội hiện đạt 9,38%, tăng hơn so với năm 2017 là 9,2%”, ông Tuấn nói và cho biết, thời gian qua, Hà Nội cũng tổ chức lại giao thông trên 62 nút giao; việc quản lý duy tu duy trì kết cấu hạ tầng giao thông được thực hiện thường xuyên và ứng dụng công nghệ hiện đại thông qua phần mềm thông minh GOVONE giúp đảm bảo ATGT trong mọi tình huống.
Nêu cụ thể hơn về mạng lưới xe buýt hiện nay, ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông đô thị Hà Nội cho biết, hiện tại mạng lưới xe buýt đã phủ khắp và phục vụ đến 453/584 số xã, phường, thị trấn (đạt 78%); 66/71 bệnh viện (đạt 93%); 296/708 các trường THCS, THPT (đạt 42%); 32/37 các khu công nghiệp (đạt 86%); 82/85 các khu đô thị mới (đạt 96%). Trong năm, đã thay thế và đổi mới hơn 200 phương tiện. Năm 2018, sản lượng vận tải hành khách công cộng dự kiến đạt 805 triệu lượt hành khách; Tỷ lệ đáp ứng nhu cầu đi lại là 14,19%.
Ông Hải khẳng định, việc áp dụng công nghệ hiện đại trong quản lý, điều hành vận tải hành khách công cộng đã được triển khai đồng bộ, 100% xe buýt được lắp thiết bị giám sát hành trình, kết nối về trung tâm điều hành giao thông, hiện nay đã thí điểm thực hiện thẻ vé thông minh cho tuyến BRT 01.
Đối với buýt nhanh BRT 01, sau hai năm đi vào vận hành, sản lượng trung bình đạt hơn 40 hành khách/lượt; tỷ lệ khách sử dụng vé tháng 1 tuyến cao nhất toàn mạng (chiếm 6,8% lượng vé tháng 1 tuyến của toàn mạng và cao gấp 3 lần tuyến đứng thứ 2). Tỷ lệ hành khách chuyển từ phương tiện cá nhân sang sử dụng tuyến buýt BRT đạt 58,6%.
Nỗ lực xóa sổ hàng loạt điểm đen ùn tắc
Ông Ngô Mạnh Tuấn cho biết, UBND TP Hà Nội vừa ban hành kế hoạch thực hiện công tác bảo đảm ATGT, kéo giảm ùn tắc giao thông năm 2019. “Kế hoạch đặt ra là phải giải quyết từ 8 - 10 điểm ùn tắc giao thông năm 2018 chuyển sang; Đồng thời, hạn chế và giải quyết kịp thời các điểm phát sinh ùn tắc mới, không để xảy ra ùn tắc giao thông kéo dài trên 30 phút”, ông Tuấn nói.
Cũng theo ông Tuấn, năm 2019 Sở GTVT Hà Nội sẽ tiếp tục áp dụng các giải pháp để giảm thiểu tình trạng ùn tắc giao thông và TNGT như: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; phối hợp tập trung giáo dục các kiến thức và kỹ năng tham gia giao thông an toàn cho học sinh, sinh viên các trường đại học, cao đẳng; Hoàn thành quy hoạch bến xe, bãi đỗ xe, trung tâm tiếp vận và trạm dừng nghỉ trên địa bàn thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; hoàn thành đề án thành lập Trung tâm Quản lý điều hành giao thông công cộng (PTA) và triển khai thực hiện…
Đối với vận tải hành khách công cộng, Hà Nội phấn đấu tăng trưởng bình quân từ 6-8%; tiếp tục kiềm chế giảm từ 5-10% TNGT đường bộ, đường sắt (cả 3 tiêu chí).
Theo UBND TP Hà Nội, năm 2019 sẽ tiếp tục xây dựng Đề án Giao thông thông minh trong tổng thể Đề án Thành phố thông minh tập trung vào những nội dung cụ thể: Xây dựng cơ sở dữ liệu (số hóa) về hạ tầng giao thông, phương tiện giao thông, các phần mềm phục vụ công tác quản lý điều hành hệ thống giao thông thông minh, điều hành tổ chức giao thông và xử lý vi phạm giao thông; Hoàn thành bản đồ giao thông số trực tuyến để phục vụ công tác quản lý, điều hành và điều tiết giao thông, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, sử dụng điểm đỗ xe nhằm tối ưu nhu cầu đỗ xe; Nghiên cứu ứng dụng các thiết bị đầu cuối đảm bảo việc thực hiện kết nối giao thông thông minh giữa các cơ quan quản lý, doanh nghiệp và người dân một cách hiệu quả.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận