Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia trực tiếp đi kiểm tra cầu Thanh Trì (Chụp chiều 26/3)
Trước thực tế lưu lượng phương tiện quá lớn, nhiều ý kiến cho rằng tới đây cần thí điểm tốc độ linh hoạt trên cầu Thanh Trì thay vì quy định tốc độ “cứng” 80km/h hoặc 60km/h như hiện nay.
Điểm “nóng” ùn tắc và TNGT chưa hạ nhiệt
Theo thống kê của Cục CSGT (Bộ Công an), cầu Thanh Trì là một trong những điểm “nóng” ùn tắc và TNGT trên địa bàn Thủ đô. Chỉ từ năm 2018 đến năm 2020, số vụ tai nạn có thiệt hại về người trên cầu Thanh Trì tăng đến hơn 60%.
Ghi nhận của PV Báo Giao thông trong ngày 26/3, khoảng 15h30, dù chưa đến giờ cao điểm, nhưng cầu Thanh Trì đã xuất hiện tình trạng ùn tắc ở cả hai chiều. Biển báo tốc độ ô tô treo ở hai đầu cầu quy định phương tiện được lưu thông 60km/h.
Tuy nhiên, không phương tiện nào lưu thông đạt được tốc độ này, mà phải xếp hàng, nối đuôi nhau di chuyển qua cầu với tốc độ “rùa bò” chỉ từ 5 - 10km/h.
Thiếu tá Phùng Quang Hưng, Phó Đội trưởng Đội CSGT số 14, Phòng CSGT Hà Nội cho biết, tuyến đường Vành đai 3 trên cao - cầu Thanh Trì có lưu lượng phương tiện giao thông cao, thường xuyên xảy ra ùn tắc khi có va chạm, TNGT, đặc biệt khi thời tiết xấu, xe gặp sự cố. “Khi xảy ra va chạm, TNGT việc khắc phục sự cố thường kéo dài do việc tiếp cận hiện trường, cẩu kéo mất nhiều thời gian, có khi phải đi ngược chiều để tiếp cận hiện trường”, Thiếu tá Hưng nói.
Ông Ngô Mạnh Tuấn, Phó giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, cầu Thanh Trì là tuyến đường huyết mạch đi QL1A về các tỉnh phía Bắc và ngược lại. Do đó, lưu lượng xe tải, đặc biệt là các xe siêu trường, siêu trọng hoạt động nhiều.
Cầu hiện được tổ chức 3 làn xe mỗi chiều. Trong đó, có 1 làn rộng 5,2m dành cho xe ô tô con và xe mô tô, xe gắn máy lưu thông với vận tốc tối đa 50km/h; 2 làn rộng 3,75m/làn dành riêng cho ô tô vừa được điều chỉnh tốc độ từ 80km/h xuống 60km/h.
“Hiện, cầu đang bị quá tải, lưu lượng thiết kế xe qua cầu là 15 nghìn xe/ngày, song lưu lượng thực tế đã quá tải rất nhiều lần và có xu hướng ngày càng tăng cao”, ông Tuấn nói.
Cần điều chỉnh tốc độ linh hoạt
Cầu Thanh Trì ùn tắc dù chưa đến khung giờ cao điểm (16h - 19h)
Là người thường xuyên lưu thông qua cầu Thanh Trì, ông Trần Hữu Minh, Phó Chánh văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia cho rằng, công suất qua cầu hiện đang quá lớn. Đặc biệt, nguyên nhân của phần lớn các vụ TNGT đều do các phương tiện không giữ khoảng cách, chuyển làn không đúng quy định.
Ông Minh cho rằng, hiện đường Vành đai 3 trên cao dẫn đến cầu Thanh Trì có một làn phía ngoài cùng để làm làn khẩn cấp, nhưng lại đang khai thác là sai hoàn toàn. Khi có tai nạn, lực lượng chức năng, xe cứu hộ có muốn tiếp cận hiện trường cũng rất khó.
“Chúng ta không nên dùng lập luận nhu cầu giao thông cao và buộc phải đi vào làn khẩn cấp. Nếu phương tiện đi tuần tự, đi đúng quy định thì dù có ùn tắc cũng có thể giải quyết trong thời gian ngắn. Nhưng ngược lại, khi đi vào làn khẩn cấp thì ùn tắc có thể kéo dài vài tiếng”, ông Minh nói.
Trực tiếp kiểm tra hiện trạng giao thông trên cầu Thanh Trì chiều 26/3, ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia cho rằng, để đảm bảo ATGT, kéo giảm TNGT, cần sớm triển khai công tác thẩm tra toàn diện ATGT trên đường Vành đai 3 để có các phương án tổ chức giao thông phù hợp. Cùng đó, việc quy định tốc độ “cứng” của ô tô lưu thông từ 80km/h hay 60km/h như mới đây cũng bộc lộ nhiều bất cập.
“Hà Nội cần sớm thí điểm tốc độ linh hoạt trên cầu Thanh Trì theo lưu lượng, giờ thấp điểm điều chỉnh tốc độ lên 80km/h, giờ cao điểm kéo xuống 60km/h. Thậm chí, khi xuất hiện sự cố, có thể điều tiết xuống thấp hơn nữa”, ông Hùng nói.
Trong khi đó, ông Ngô Mạnh Tuấn cho biết, hiện Sở GTVT Hà Nội đang lập dự án kéo giảm ùn tắc, TNGT trên cầu Thanh Trì. Sau khi dự án điều chỉnh tổ chức giao thông trên cầu Thanh Trì được phê duyệt, sẽ tổ chức công tác thẩm tra ATGT để làm cơ sở điều chỉnh tổ chức giao thông cho phù hợp với tình hình thực tế. Cũng theo ông Tuấn, việc điều chỉnh tốc độ linh hoạt trên cầu Thanh trì cũng sẽ được tính tới để vừa kéo giảm ùn tắc, TNGT, vừa tránh để xảy ra tình trạng tài xế bị phạt oan.
Đại diện Vụ ATGT (Bộ GTVT) cho biết, ngoài cầu Thanh Trì, tới đây cần thẩm tra cả đường Vành đai 3 trên cao. Việc thẩm tra này để đồng bộ và khớp nối toàn tuyến.
Lãnh đạo Đội CSGT số 14 cho biết, để đảm bảo ATGT trên cầu Thanh Trì, đơn vị đã bố trí 1 tổ tuần tra kiểm soát khép kín 24/24h (chia thành 4 ca, mỗi ca 6 tiếng). Để giải quyết các sự cố, va chạm trên tuyến đường Vành đai 3 trên cao, vào giờ cao điểm, cảnh sát cũng tổ chức tuần lưu liên tục trên đường để xử lý và phân luồng từ xa.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận