Đô thị

Hà Nội "thúc" tiến độ chuẩn bị đầu tư cầu Trần Hưng Đạo, Tứ Liên

23/09/2024, 17:18

UBND TP Hà Nội vừa yêu cầu Sở GTVT Hà Nội và Ban QLDA đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố khẩn trương hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư.

UBND TP Hà Nội cho hay: Theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ duyệt, ngoài 7 cầu đã có, trên sông Hồng đoạn khu vực nội đô Hà Nội sẽ có thêm 2 cầu qua sông là Trần Hưng Đạo và Tứ Liên. Sau nhiều năm chuẩn bị đầu tư, đến nay hai cây cầu này vẫn chưa được khởi công. Do đó, việc gấp rút khởi công xây dựng thêm các cầu nói trên là cần thiết.

Hà Nội "thúc" tiến độ chuẩn bị đầu tư cầu Trần Hưng Đạo, Tứ Liên- Ảnh 1.

Phối cảnh phương án kiến trúc cầu Trần Hưng Đạo.

Lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội cho biết, cầu Tứ Liên và đường từ cầu Tứ Liên đến cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên là một trong những dự án trọng điểm về hạ tầng giao thông tại thành phố Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025, có tổng mức đầu tư hơn 19.000 tỷ đồng. Cầu có kiến trúc dây văng, kết hợp văng xoắn tạo ra các nhịp lớn với hệ khung kết cấu thép nhẹ, hai hệ trụ cầu chính được tạo hình, kỳ vọng sẽ trở thành biểu tượng mới của Hà Nội.

Đề cập đến khả năng cân đối và bố trí vốn giúp dự án có thể khởi công và thi nhanh, đúng tiến độ, đại diện Sở KH&ĐT Hà Nội cho biết, ngoài cầu còn làm khoảng 5 km đường dẫn để kết nối với cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên, nên số vốn dự kiến hơn 19.000 tỷ đồng là khá lớn.

Do vậy, Sở KH&ĐT và các sở ngành có liên quan đã tham mưu thành phố huy động bằng nguồn vốn PPP (đối tác công tư). Sau khi được xây dựng, cầu Tứ Liên sẽ giúp kết nối các quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Tây Hồ với các địa danh hành chính phía Bắc sông Hồng như Long Biên, Gia Lâm, Đông Anh…

Hiện nay, từ các quận nội thành Hà Nội có 7 cầu vượt vắt qua sông Hồng, gồm: Thăng Long, Nhật Tân, Long Biên, Chương Dương, Vĩnh Tuy giai đoạn 1 và Vĩnh Tuy giai đoạn 2, Thanh Trì.

Qua kiểm tra, các cơ quan chức năng Hà Nội phát hiện có 2/7 cầu thuộc cầu yếu, là Long Biên và Chương Dương. Trong đợt mưa lũ do ảnh hưởng bão số 3 vừa qua, Long Biên đã phải cấm toàn bộ người và phương tiện qua cầu trong nhiều ngày, còn cầu Chương Dương phải cấm xe tải từ 0,5 tấn trở lên và xe ô tô chở khách.

Về nguyên nhân cầu Chương Dương là xuống cấp và đến nay vẫn chưa được cho người dân đi lại, theo Sở GTVT Hà Nội, do cầu có thiết kế giống cầu Phong Châu (Phú Thọ) và hiện cầu xây dựng đã lâu (khai thác đã 40 năm) nên bản mặt cầu xuất hiện các ổ gà và bong tróc lớp bê tông phủ mặt cầu ở một số vị trí; bên cánh gà phía thượng lưu và hạ lưu đã hư hỏng, lớp bê tông bị bong tróc làm lộ phần cốt thép; xuất hiện han gỉ tại nhiều vị trí…

Lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội cũng cho biết, trong hơn 500 cầu do Sở GTVT Hà Nội đang quản lý, có đến 40 cây cầu bị ngập do ảnh hưởng bão số 3 và không đủ điều kiện an toàn để khai thác.

Về 40 cầu bị ngập và xuống cấp đã được thống kế, lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội cho biết, sau khi nước rút hết sẽ rà soát đánh giá thực trạng, mức độ an toàn của các cây cầu này. Sau khi có kết quả rà soát, đánh giá xong, các cây cầu có đủ điều kiện để khai thác nữa hay không, Sở GTVT Hà Nội sẽ có thông báo cụ thể.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.