Người dân bức xúc vì ùn tắc luôn xảy ra trên nhiều tuyến đường của Hà Nội(Chụp trên đường Trần Phú, Hà Đông lúc 18h ngày 1/7) - Ảnh: Tạ Tôn |
Thời gian gần đây, tình trạng ùn tắc tại các nút giao thông quan trọng trên địa bàn TP Hà Nội gia tăng trở lại, nhất là tại các vị trí rào chắn thi công các dự án, khiến người tham gia giao thông rất bức xúc.
Tháo bớt rào chắn vẫn ùn tắc
Ghi nhận của PV Báo Giao thông tại một số tuyến đường đang thi công dự án đường sắt trên cao như: Trần Phú - Nguyễn Trãi, Xuân Thủy - Cầu Giấy… nhiều đoạn thi công xong nhà thầu đã tháo hoặc thu hẹp rào chắn mở rộng mặt đường nhưng vẫn xảy ra ùn tắc nghiêm trọng. Thậm chí, ùn tắc kéo dài gây bức xúc cho người tham gia giao thông trên đường.
Cụ thể, đoạn qua đường Trần Phú - Hà Đông đang triển khai dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông. Dù nhiều trạm ga tuyến đường sắt đã tháo dỡ rào chắn, hoặc hệ thống rào chắn không còn vươn rộng như trước nhưng tuyến đường này vẫn thường xuyên ùn tắc. Nghiêm trọng nhất là đoạn từ trường Đại học Kiến trúc qua ngã 3 Chiến Thắng, gần như ngày nào cũng xảy ra ùn tắc kéo dài, người tham gia giao thông phải mất khoảng 30 phút mới thoát được nút này.
"Hà Nội cần phát triển mạnh hệ thống giao thông công cộng, năng lực vận chuyển lớn, tốc độ nhanh… Có như vậy, người dân từ các tỉnh lên Hà Nội làm việc sau đó lại nhanh chóng trở về nhà thay vì định cư ở Hà Nội như hiện nay. Về lâu dài cũng cần phải di dời trụ sở một số cơ quan, trường đại học, bệnh viện ra ngoại thành để giải tỏa giao thông trong khu vực thành phố”. TS. Đặng Minh Tân |
Tại ngã tư Nguyễn Trãi hướng từ đường Nguyễn Xiển đi Khuất Duy Tiến từ 7h - 9h luôn chật cứng, các phương tiện phải đi lên vỉa hè.
Chị Nguyễn Thị Linh thường xuyên đi qua đoạn đường này bức xúc cho biết, từ Hà Đông đi tới Ngã Tư Sở phải mất hơn 1 tiếng đồng hồ. Bình thường nếu không ùn tắc chỉ mất khoảng 20 phút. “Tháo rào chắn đường sẽ rộng hơn, ai ngờ ngày nào tôi cũng bị muộn giờ vì ùn tắc”, chị Linh nói và cho rằng, trước đây, đường hẹp hơn, nhưng lực lượng CSGT, TTGT phân luồng, điều tiết giao thông rất nhiều. Còn nay dỡ bớt rào chắn nhưng ít lực lượng phân luồng hơn nên ùn tắc gia tăng.
Các tuyến đường đang thi công dự án đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội cũng trong tình trạng tương tự. Dù đã có hàng loạt giải pháp, kể cả thu hẹp bớt rào chắn, nhưng ùn tắc vẫn hoàn ùn tắc. Theo quan sát của PV, tuyến đường này có 4 trường đại học, lượng phương tiện tham gia giao thông rất lớn và thường xuyên xảy ra ùn tắc, kể cả các khung giờ không phải cao điểm.
Ngoài 2 tuyến đường đang có những “đại công trường” nói trên, tại nhiều tuyến đường Hà Nội hiện nay vẫn rơi vào cảnh ùn tắc liên miên như: Lê Văn Lương, Trường Chinh, Láng, Đê La Thành, Tố Hữu, Trung Văn… cũng thường xuyên ùn tắc giờ cao điểm.
Tỏ ra mệt mỏi do ùn tắc, bị muộn giờ làm, anh Nguyễn Công Dũng (Mỗ Lao, Hà Đông) cho biết, thời gian gần đây, nhiều tuyến đường của Hà Nội rơi vào cảnh ùn tắc nghiêm trọng. Điển hình là đường Tố Hữu rất đông, còn đường Trung Văn lại khá hẹp, nhưng thời điểm nào cũng đông phương tiện qua lại. Do đó, khi đến ngã tư Tố Hữu - Trung Văn, gặp đèn đỏ, dòng phương tiện từ các hướng ùn lại vượt quá khả năng thông hành của nút. Để thoát khỏi ngã tư Tố Hữu - Trung Văn, nhiều người điều khiển phương tiện đã đi xe lên vỉa hè đường Tố Hữu gây ra cảnh hỗn loạn, mất ATGT.
Cần giải pháp đồng bộ, mạnh mẽ
Trao đổi với Báo Giao thông, Chánh thanh tra Sở GTVT Hà Nội Trần Đăng Hải cho biết, Thanh tra Sở GTVT sẽ tăng cường lực lượng hướng dẫn, phân luồng giao thông và có một số kiến nghị điều chỉnh chu kỳ đèn, một số quy định cho phù hợp.
Tuy nhiên, ông Hải cho rằng, muốn giảm ùn tắc triệt để, các giải pháp phải đồng bộ. Cùng với việc tập trung hoàn thành đúng tiến độ các công trình giao thông, các dự án phải tháo rỡ bớt những rào chắn công trình tại các đoạn đã hoàn thành. Cùng đó, cần kết hợp mở thêm các tuyến đường nhánh để giảm bớt áp lực giao thông tại các tuyến chính.
Cũng về vấn đề này, TS. Đặng Minh Tân, giảng viên bộ môn Đường bộ trường Đại học GTVT cho rằng, để giảm ùn tắc cần giải pháp tổng thể, trong đó giảm mật độ dân là quan trọng nhất. Trước mắt, nên sắp xếp lại các tuyến xe buýt, hạn chế tối đa các tuyến xe buýt chạy lòng vòng gây nghẽn cục bộ do xe lớn, góc cua hẹp để đảm bảo trật tự ATGT.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận