Giao thông lộn xộn vì chợ cóc mọc giữa đường (ảnh chụp tại Ngõ Chợ Khâm Thiên chiều 1/4) |
Họp chợ ngay trụ sở phường
Quận Đống Đa quản 21 phường, mật độ dân cao nhất và tổng dân số đông nhất TP Hà Nội (gần 400.000 dân) nên nhiều điểm nóng về chợ cóc cũng là bình thường. Từ cuối tháng 1/2014, UBND quận đã có kế hoạch đi kèm cam kết xử lý chợ cóc, chợ tạm. Tuy nhiên, sau 3 tháng thực hiện “Năm trật tự văn minh đô thị 2014”, tình trạng chợ cóc họp tràn lòng đường, vỉa hè không thay đổi bao nhiêu.
Ngày 1/4, PV Báo Giao thông ghi nhận tình trạng chợ cóc họp công khai sát trụ sở chính quyền nhiều phường trên địa bàn quận Đống Đa cụ thể: Khu chợ cóc ngõ Thổ Quan, cách trụ sở UBND phường Thổ Quan khoảng 100m, vẫn nhộn nhịp từ đầu giờ sáng đến cuối giờ chiều. Khoảng cách chợ này họp với Công an quận và công an phường sở tại vào khoảng 500m, nên không thể nói chính quyền không biết.
Cách đó không xa, đoạn đầu đường Đê La Thành tiếp giáp Ô Chợ Dừa, cách UBND quận dưới 300m, buổi sáng chợ cóc họp từ 6 -10h; Buổi chiều biến thành nơi đổ chất thải xây dựng. Ngõ 119 Hồ Đắc Di, có hơn 300 tiểu thương buôn bán ven đường, nhộn nhịp từ mờ sáng tới tối mịt. Chợ cóc ngõ 189 Giảng Võ, thuộc địa bàn phường Cát Linh hoạt động cả ngày. Tương tự, chợ cóc tại ngõ Thái Thịnh 1, thuộc địa bàn phường Thịnh Quang, hoạt động từ sáng sớm tới 20h...
Một số khu chợ cóc, chợ tạm, nằm trên tuyến đường gần trụ sở chính quyền, còn các chợ cóc không nằm trên tuyến phố chính và xa trụ sở chính quyền thì khỏi bàn... Theo tìm hiểu của PV, tại 21 phường thuộc quận Đống Đa đang tồn tại 19 tụ điểm chợ cóc họp tràn lòng đường.
3 phường không dẹp được một chợ
Bà Hứa Thị Xuân Liên - Chủ tịch UBND phường Trung Phụng thừa nhận, chợ cóc họp tràn Ngõ Chợ Khâm Thiên gây mất trật tự, ách tắc giao thông chính quyền có biết, người dân nhiều lần phản ánh. Theo bà Liên, chợ cóc này thuộc diện “phức tạp” vì nằm giáp ranh giữa 3 phường Trung Phụng, Khâm Thiên và Phương Liên. “Địa bàn chúng tôi quản lý nằm ở giữa nên không thể dẹp chợ cóc ở hai đầu, vì nó thuộc thẩm quyền quản lý của hai phường kia”, bà Liên nói.
Ghi nhận của PV Báo Giao thông, chiều tối 1/4, tại chợ cóc nằm giữa 3 phường này, trên đoạn đường chỉ dài khoảng 500m, chỗ rộng nhất không quá 5m, nơi hẹp nhất chưa đến 3m, hầu như không có vỉa hè, hàng trăm tiểu thương bày hàng hóa dưới lòng đường mua bán tấp nập. Anh Nguyễn Thanh Tùng, một hộ dân sống giữa phố, dắt xe máy len lỏi qua các gánh hàng rau quả, bực tức nói: “Mỗi khi đi qua đây như một cực hình, khổ nhất là những nhà có người thân phải gọi xe cấp cứu, phải khiêng người bệnh tới đầu đường lớn, vì xe cứu thương không thể lách qua được”.
Ông Lê Hồng Quân - Đội trưởng đội Thanh tra giao thông quận Đống Đa cho biết, để giải quyết dứt điểm các chợ cóc, chợ tạm là việc không đơn giản. Tại nhiều tụ điểm, khi thấy bóng dáng của các lực lượng chức năng, chủ hàng khuân vác hàng hóa chạy vào gửi nhờ trong nhà các hộ dân. Có nhiều trường hợp bị lập biên bản tịch thu hàng hóa đưa về trụ sở giải quyết nhưng đa phần chủ hàng “bỏ của chạy lấy người”, bởi giá trị hàng hóa thấp hơn số tiền bị xử phạt, khiến lực lượng chức năng phải mất thêm công đoạn đem đi tiêu hủy. “Nhiều người dân cho rằng, chúng tôi tịch thu số hàng hóa đó về để làm của riêng, có người còn bảo hành động như vậy là quá dã man nên nhiều anh em cảm thấy ái ngại”, ông Quân nói.
Theo ông Quân, công tác duy trì sau giải tỏa tại một số chợ hiện nay thực hiện chưa triệt để, vẫn còn tình trạng tái họp chợ khi không có lực lượng chức năng như: Chợ cóc Đặng Trần Côn (phường Quốc Tử Giám), chợ cóc phố Nguyễn Phúc Lai (thuộc phường Ô Chợ Dừa), chợ cóc phố Kim Hoa (phường Phương Liên)... “Thành phố đã có quy định rõ ràng, địa bàn phường nào để xảy ra tình trạng tái họp chợ, chính quyền phường đó phải chịu trách nhiệm”, ông Quân khẳng định.
Còn hơn 112 điểm chợ cóc, chợ tạm
|
Đình Quang
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận