• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái
Giao thông 24h

Hà Nội: Xe máy, xe ba gác ngang nhiên đi đường trên cao

09/10/2017, 09:35

“Phớt lờ” biển cấm, hàng loạt xe máy, xe ba bánh, người đi bộ thản nhiên đi lên đường vành đai 3 trên cao.

12

Cán bộ Đội CSGT số 6 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) khám nghiệm hiện trường vụ TNGT chiều 7/10 - Ảnh: Văn Huế

Mặc dù là tuyến đường dành riêng cho ô tô (tốc độ 80km/h), song khoảng 15h10 ngày 7/10, anh Hoàng Văn Quang (SN 1994, quê Thanh Hóa) vẫn điều khiển xe máy BKS 36B5 - 832.12 lưu thông trên đường vành đai 3 trên cao (Hà Nội) hướng Pháp Vân - Mai Dịch. Đến gần khu vực Tòa nhà Keangnam, anh Quang đã không làm chủ tốc độ, tông vào đuôi xe tải BKS 29C- 802.94 lưu thông cùng chiều. Cú tông mạnh làm anh Quang tử vong tại chỗ.

Phớt lờ biển cấm

Theo quan sát của PV Báo Giao thông, bất chấp tai nạn rình rập, hàng loạt xe máy, xe ba bánh, người đi bộ vẫn “phớt lờ” biển cấm, thản nhiên đi lên đường vành đai 3 (VĐ3) trên cao.

Sáng 5/10, tại nút dẫn lên xuống trên đường Khuất Duy Tiến, chỉ khoảng 15 phút quan sát, PV chứng kiến gần 30 trường hợp vi phạm, gồm cả ô tô đón trả khách không đúng quy định, xe máy, xe ba bánh, người đi bộ đua nhau “tranh” đường ô tô...

Vào 8h sáng, khung giờ cao điểm, trên đường VĐ3 đoạn Nguyễn Xiển, dù dòng xe ô tô lưu thông đã ken cứng nhưng nam thanh niên điều khiển xe máy BKS 29 - Y3 296.13, một tay cầm điện thoại để nói chuyện, một tay vẫn cố điều khiển xe lạng lách, giành đường của ô tô.

Người điều khiển phương tiện mô tô, xe gắn máy đi vào tuyến đường cao tốc có biển báo cấm là vi phạm Điểm e, Khoản 4, Điều 6 Nghị định số 171 của Chính phủ, bị xử phạt từ 200 - 400 nghìn đồng. Trường hợp người điều khiển mô tô, xe gắn máy đi vào đường cao tốc mà gây tai nạn còn bị tước quyền sử dụng GPLX hai tháng.

Chỉ sau đó chưa đầy 2 phút, tại lối lên đường VĐ3, hai xe máy BKS 22-S1192.63 và 30-K8.1893 cùng phóng lên với tốc độ cao. Cùng lúc đó, phía bên trên, một chiếc xe khách chạy hướng đi Mỹ Đình đã vội vã thả khách xuống. Đi bộ từ đường trên cao xuống, nhận thấy 2 chiếc xe máy phóng lên với tốc độ cao, những người này đã phải chống tay, áp sát người vào tường để tránh xảy ra tai nạn. Phía bên dưới, ngay lập tức cũng xuất hiện 3 lái xe ôm BKS 29 -V6 0864, 99-H1203.67 và 29-N1 124.59 tiến lên phía người đi bộ đang đi từ đường cao tốc xuống để mời chào..., tạo ra khung cảnh lộn xộn, mất ATGT. Nhiều ô tô thấy vậy phải bóp còi inh ỏi để “đòi” lại đường.

Trong chiều 6/10, tại lối lên đường VĐ3, đoạn Khuất Duy Tiến, PV chứng kiến một nhóm xe ôm liên tục đi lên xuống để đón khách. Dù chiếc xe khách BKS 29B - 085.39 mới chỉ xi nhan để tạt vào lề đường, chiếc xe ôm BKS 29E2-199.71 đã vội vàng đi ngược chiều lại để mời khách. Không lâu sau đó, khá nhiều xe khách (BKS 18B - 010.73 nhà xe Thành Công; 29B - 602.38 Công ty CP Thiên Trường; 17B - 012.70 nhà xe Minh Hương; 15B - 026.83 xe chạy lộ trình Mỹ Đình - Sơn Tây - Việt Trì) cũng thản nhiên trả khách trên VĐ3 trên cao.

Cũng trên tuyến đường hiện đang được lưu thông tối đa tới 80km này, PV còn chứng kiến hàng chục xe ba bánh ngang nhiên chạy với tốc độ cao.

Ông Nguyễn Văn Vững, chủ quán nước ở gần lối lên đường VĐ3 đoạn Nguyễn Xiển cho biết: Hàng ngày, đội ngũ xe ôm vẫn lên đó thường xuyên để đón khách, nhiều người cũng lên đó để nhận hàng chứ không qua bến xe. Tôi ở đây, cũng chứng kiến nhiều vụ TNGT trên đó như xe ô tô lao vào xe máy, xe ô tô đâm người đi bộ... biết nguy hiểm nhưng họ có sợ đâu. Chỉ có hôm nào có CSGT cắm chốt ở lối lên mới không có phương tiện vi phạm.

Đề xuất lắp camera xử phạt nguội

Thừa nhận tình trạng trên, Trung tá Nguyễn Anh Sơn, Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông - trật tự - cơ động (Công an quận Thanh Xuân) cho biết: Công an quận đã liên tục phối hợp với Đội CSGT số 7 thành lập tổ công tác TTKS, xây dựng kế hoạch phối hợp tăng cường kiểm tra, xử lý các trường hợp xe khách dừng, đỗ xe trái quy định, người điều khiển xe máy, xe mô tô, xe ba bánh tự chế, người đi bộ đi vào đường cao tốc trên cao.

Ngoài ra, Công an quận cử 4 cán bộ, chiến sĩ phối hợp với Công an phường Hạ Đình hóa trang mật phục, sử dụng các biện pháp nghiệp vụ phát hiện, kiểm tra các trường hợp xe mô tô, xe ba bánh tự chế, người đi bộ đi trên đường cao tốc.

Phía lực lượng CSGT, Trung tá Nguyễn Đức Thắng, Đội phó Đội CSGT số 7 cho biết, tuyến VĐ3 là tuyến đường huyết mạch đi qua nhiều quận, nhiều tỉnh thành nên có lưu lượng phương tiện đông. Tuyến đường cho phép ô tô đi tối đa với tốc độ lên đến 80km/h, các phương tiện chạy trên đường này rất nhiều xe ô tô có trọng tải lớn như xe container, xe siêu trường siêu trọng và hàng loạt các xe tải lớn, xe khách, xe taxi... do vậy, các phương tiện cấm đi lên đường này gây nguy hiểm và có thể dễ dàng xảy ra TNGT.

Theo Trung tá Thắng, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng trên là do xe khách đón trả khách trên đường VĐ3 dẫn tới hàng loạt xe ôm phóng lên để đón khách. Các phương tiện khác thấy các xe này lên được cũng lao lên theo.

“Đa số xe khách thường lợi dụng vào giờ cao điểm lưu lượng tham gia giao thông đông và lúc đó CSGT đang phải tập trung phân luồng, chống ùn tắc giao thông nên không xử lý được”, Trung tá Thắng nói và cho biết, để xử lý triệt để các vi phạm này, Đội CSGT số 7 cũng đã đề xuất Phòng CSGT - Công an TP Hà Nội lắp đặt thêm camera tại các đầu đường lên xuống đường cao tốc để xử phạt “nguội” các trường hợp lái xe vi phạm.

Ngoài ra, đội sẽ xử lý nghiêm các doanh nghiệp có phương tiện vi phạm, nếu tái phạm, sẽ đề xuất Sở GTVT thu phù hiệu tuyến có thời hạn; tăng cường phối hợp để kiểm tra, xử lý số xe mô tô, xe máy, người đi bộ cố tình đi vào đường cao tốc.

Trung tá Thắng cũng đề nghị Sở GTVT Hà Nội phối hợp với Sở GTVT các tỉnh, thành phố có phương tiện di chuyển qua địa bàn Hà Nội tăng cường giám sát thông qua hệ thống thiết bị giám sát hành trình để xử lý các trường hợp cố tình vi phạm.

Thống kê cho thấy, tính từ tháng 6/2017 đến nay Đội CSGT số 7 xử lý được 42 trường hợp. Trong đó có 20 trường hợp xe khách, 20 trường hợp xe máy, 1 trường hợp là bộ hành và 1 trường hợp xe ba bánh. Những trường hợp này vi phạm chủ yếu xe khách đón trả khách, xe máy, xe ba bánh, bộ hành đi vào đường cấm.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.