Ông Trương Văn Phước |
Mở rộng cửa cho nhà đầu tư
Ông đánh giá như thế nào về chủ trương bán các dự án, công trình để lấy vốn đầu tư của ngành GTVT?
Phải nói một điều, xây dựng cơ sở hạ tầng (CSHT), không có doanh nghiệp, cá nhân nào đủ nguồn lực, vốn liếng để đáp ứng đủ nhu cầu này; mà cũng không Nhà nước nào tự mình thực hiện được cả. Do vậy, chúng ta phải bằng mọi cách đa dạng hóa tối đa các nguồn lực tài chính và cá nhân tôi hết sức ủng hộ việc bán quyền sử dụng các công trình, dự án CSHT để lấy vốn tiếp tục đầu tư.
Theo ông, phương thức bán như thế nào để nhà đầu tư thấy hấp dẫn; Nhà nước cũng “được giá” mà vẫn đảm bảo quyền lợi cho người sử dụng dịch vụ hạ tầng là các tổ chức, doanh nghiệp, người dân?
Để xử lý những vấn đề đó dưới góc độ kỹ thuật thì có một loạt các vấn đề đặt ra. Ví dụ, để đầu tư một sân bay quốc tế hàng chục tỷ USD, chúng ta có thể biến cái sân bay đó thành hàng trăm, thậm chí hàng nghìn hạng mục công trình và cho đấu thầu từng hạng mục để các nhà đầu tư tham gia như cách Bộ GTVT đề cập với dự án CHK quốc tế Long Thành. Để thực hiện được điều đó, quyền và nghĩa vụ của cả bên mua - bán sẽ được minh định rất rõ ràng, mạch lạc, công khai, minh bạch trong các hợp đồng như: Vốn cần và đủ là bao nhiêu; Tiêu chuẩn kỹ thuật, mỹ thuật là gì; Chất lượng dịch vụ ra sao; Mức phí tối thiểu, tối đa được phép khai thác... Về nguyên tắc, chúng ta càng mở rộng cửa cho càng nhiều nhà đầu tư tham gia bình đẳng, tính cạnh tranh sẽ càng cao thì giá cả, chất lượng càng được đáp ứng ở mức cao nhất.
"Cùng với những hành động quyết liệt tạo sự lan tỏa từ ngành này cho tới ngành kia; Các công trình, dự án CSHT được triển khai sẽ trực tiếp tạo ra một khối lượng lớn công ăn việc làm, chu chuyển hàng hóa, vật tư trong nền kinh tế và đây chính là cách một nền kinh tế dịch chuyển, tăng trưởng. Đó là chưa kể, CSHT phát triển sẽ tạo điều kiện thúc đẩy mạnh mẽ đầu tư, thương mại, kinh tế, xã hội”. Ông Trương Văn Phước Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia |
Cũng cần phải nói thêm, cái gì có lợi nhuận thì cũng có thể đi kèm rủi ro. Nhưng các nhà đầu tư, hơn ai hết, sẽ phải tính toán kỹ lưỡng, họ phải bỏ bao nhiêu tiền, tham gia vào hạng mục một công trình XDCB như lĩnh vực giao thông họ sẽ thu hồi vốn trong bao lâu; tỷ suất sinh lời có cao hơn ở các cơ hội đầu tư khác hay không; quản lý, khai thác, vận hành sao cho hiệu quả; kế hoạch huy động, sử dụng, hoàn trả vốn thế nào...
Do vậy, ngoài giá trị tự thân của dự án, chúng ta có thể tham mưu, đề xuất hoặc vận dụng các cơ chế, chính sách để đa dạng hóa tính hữu dụng của dự án, tạo cơ hội cho nhà đầu tư tối đa hóa doanh thu, lợi nhuận, sẽ giúp dự án thêm hấp dẫn, có điều kiện bán được giá hơn. Và bài toán mang tính chất kỹ thuật, tài chính này được giải hiệu quả, sáng tạo đến đâu là vai trò của ngành GTVT.
Những công trình của ngành GTVT cho cả cộng đồng sử dụng nên thuận lợi hơn trong việc thu hút vốn đầu tư |
Chùn bước là có tội với lịch sử
Bản thân “người bán” có chịu rủi ro gì không, theo ông?
Xây dựng cơ sở vật chất, hạ tầng là điều kiện cần cho bất kỳ quốc gia nào nếu họ muốn tạo ra sức hút đầu tư bên ngoài cũng như có một nền tảng, bệ phóng cho nền kinh tế cất cánh. Tuy nhiên, để thực hiện được giấc mơ đó hay không phụ thuộc rất lớn vào nguồn lực tài chính của quốc gia.
Soi chiếu với Việt Nam đang trong bối cảnh nợ nần của Chính phủ nhiều, việc đẩy mạnh xã hội hóa, tạo cơ hội cho các thành phần kinh tế tham gia đầu tư, xây dựng CSHT, tôi cho rằng chúng ta nên mạnh dạn làm. Cũng phải nhấn mạnh, không có cái gì khi dự báo, tính toán đều có thể chắc ăn 100%, mà chúng ta phải chấp nhận độ rủi ro nhất định. Giống như một cầu thủ bóng đá, sau khi dẫn bóng vào khu vực cấm địa của đối phương, làm sao họ có thể chắc chắn 100% sút tung lưới? Nếu chúng ta luôn luôn tạo áp lực cho họ phải ghi bàn 100%, thì chắc chắn, để né trách nhiệm, cầu thủ đó sẽ chuyền bóng cho một cầu thủ khác. Và cơ chế không dám chịu trách nhiệm, chúng ta cần phải xem lại.
Do vậy, chúng ta cần tạo một không gian hợp lý cho những người, tổ chức có trách nhiệm đưa ra quyết định, miễn là các quyết định đó đảm bảo tính công khai, minh bạch và động lực là chính đáng. Nếu giờ yêu cầu tất cả dự án đều phải đảm bảo hiệu quả 100% thì chắc gì tôi dám làm, vì biết đâu có một vài dự án không hiệu quả thì sao, trong khi không làm thì tôi không sai! Nhưng không thể vì thế mà chúng ta chùn bước, không dám hành động, bởi sự chùn bước cũng là có lỗi, có tội với lịch sử. Yêu cầu hiện nay là chúng ta phải mạnh dạn để góp phần thúc đẩy sự phát triển của đất nước, mà nếu chúng ta không có những hành động quyết liệt, chắc chắn chúng ta bỏ qua những cơ hội không dễ dàng trở lại.
Đương nhiên, điều kiện đi kèm, là chúng ta phải tính toán cẩn trọng, phải thẩm định kỹ lưỡng, xem sức lan tỏa tới đây, hay nếu có yếu tố bất lợi thì tác động đến toàn xã hội như thế nào... Nhưng chúng ta phải có một quan điểm, triết lý của phát triển: Đó là chúng ta chấp nhận sự đánh đổi của những va vấp, thậm chí thất bại, trong phạm vi có thể quản trị được để đổi lấy cơ hội phát triển cho nền kinh tế.
Dưới góc độ chuyên gia tài chính, theo ông các dự án giao thông có thuận lợi, khó khăn gì trong thu hút nhà đầu tư?
Sản phẩm của ngành Giao thông là sản phẩm có thể chạm vào được, đo đếm, định lượng được. Chúng ta xây dựng một cảng hàng không, cảng biển, đường cao tốc, xe chúng ta chạy trên con đường đó thì đâu còn gì trừu tượng nữa. Và những sản phẩm, dịch vụ cung ứng cho cả cộng đồng sử dụng đó, có thể nói là một lợi thế lớn của ngành GTVT, bởi tất cả mọi người, bằng cách này hay cách khác đều phải sử dụng.
Song với các dự án CSHT, tiền bỏ ra rất nhiều, rất lớn nhưng quá trình thu hồi vốn lại rất dài và mỗi lúc chỉ thu về được từng đồng, giống như lượm bạc cắc. Tuy nhiên, đặc điểm này cũng không phải là vấn đề lớn bởi thị trường tài chính cũng có những sản phẩm, dịch vụ cho các nhà đầu tư, có thể sắp xếp những bất đối xứng giữa nguồn chi trong ngắn hạn rất lớn và nguồn thu trong dài hạn rả rích như thế.
Chưa bao giờ, ngành Giao thông lại huy động được nguồn lực lớn như những năm vừa qua, bất kể nền kinh tế phải đối mặt với nhiều khó khăn. Ông nhìn nhận vấn đề này như thế nào?
Nguồn tài chính dù đến từ doanh nghiệp tư nhân hay ngân hàng, suy cho cùng cũng là vốn của dân, bởi ngân hàng chỉ là trung gian tài chính huy động rồi cho vay lại. Mà cơ chế phân bổ vốn rất rõ ràng, đó là “đất lành chim đậu”. Mấy năm qua, nhiều lĩnh vực sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn, đổ vốn vào đó rất rủi ro. Trong khi đó, lĩnh vực Giao thông, như tôi vừa phân tích ở trên, sản phẩm, dịch vụ rất cụ thể, thiết yếu, nên không có gì là khó hiểu khi là một điểm đến an toàn của đồng vốn, thậm chí trở thành “cứu cánh” của nhiều ngân hàng trong bối cảnh tín dụng đầu ra chật vật. Đó là chưa kể, những người làm ngân hàng cũng nhìn thấy trước được rằng, rót vốn vào CSHT sẽ góp phần tạo ra những nguồn thu trong tương lai bởi hạ tầng phát triển sẽ lan tỏa, thúc đẩy nhiều lĩnh vực sản xuất, kinh doanh cũng như đời sống, xã hội.
Cảm ơn ông!
Xuân Thu
(Thực hiện)
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận