Ông Vũ Duy Tùng (ngoài cùng bên phải) tháp tùng lãnh đạo Bộ GTVT, UBND TP Hải Phòng kiểm tra dự án cảng Lạch Huyện |
Năm 2016 - 2017, TP Hải Phòng trở thành một “đại công trường” giao thông khi hàng loạt dự án lớn được hoàn thiện như Cảng hàng không quốc tế Cát Bi, cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng, cầu Tân Vũ - Lạch Huyện, cầu Bạch Đằng…Tiêu chí “Hạ tầng giao thông đi trước một bước” đã giúp Hải Phòng trở thành địa phương đứng số 1 cả nước về thu hút đầu tư vốn nước ngoài trong giai đoạn này. Phóng viên Báo Giao thông có cuộc trao đổi với ông Vũ Duy Tùng, Giám đốc Sở GTVT Hải Phòng xung quanh vấn đề đầu tư hạ tầng giao thông của thành phố.
Tiên phong đầu tư hạ tầng giao thông
TP Hải Phòng xác định việc đầu tư hạ tầng giao thông luôn phải tiên phong, là nền tảng, tạo đà phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Vậy, ngành Giao thông đã cụ thể hóa chiến lược này như thế nào, thưa ông?
Trước hết, phải xác định rõ hạ tầng GTVT là một trong những khâu đột phá trong phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng không chỉ ở Hải Phòng mà địa phương nào cũng vậy. Vì thế, thời gian qua Thành ủy, HĐND, UBND TP Hải Phòng đã xác định và tập trung đầu tư nguồn lực cho kết cấu hạ tầng giao thông, đặc biệt là đường bộ.
Hải Phòng ngày càng hiện hữu chủ trương trở thành thành phố Cảng xanh, văn minh, hiện đại, trung tâm dịch vụ, công nghiệp lớn có sức cạnh tranh cao; là đầu mối giao thông quan trọng của cả nước, cửa chính ra biển của các địa phương phía Bắc. |
Đến nay, Hải Phòng có 4 tuyến quốc lộ gồm: QL5, QL10, QL37 và QL17B với tổng chiều dài 120,71 km. Cùng đó là 14 tuyến giao thông nối từ đô thị trung tâm đi các quận, huyện dài 250km cùng 324km đường đô thị trung tâm.
Với chủ trương luôn xác định đầu tư hạ tầng giao thông luôn phải đi trước, là nền tảng để phát triển kinh tế - xã hội, những năm qua, ngành Giao thông Hải Phòng đã chủ động tích cực phối hợp với Bộ GTVT trong công tác triển khai thực hiện nhiều dự án trọng điểm như: Cảng hàng không quốc tế Cát Bi; Đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng; Nâng cấp cầu Niệm 1 và đường Trường Chinh; Nút giao cầu vượt Lê Hồng Phong; Đường 356 đoạn 2A, từ ngã ba Nguyễn Bỉnh Khiêm đến đập Đình Vũ; Dự án cầu Bạch Đằng, đường dẫn và nút giao cuối tuyến... Các dự án đang được đầu tư xây dựng như: Dự án cầu Bạch Đằng; Dự án đầu tư xây dựng mở rộng tuyến đường trục qua khu công nghiệp Đình Vũ; Dự án nút giao khác mức Nguyễn Bỉnh Khiêm; Dự án cải tạo, nâng cấp QL10 đoạn từ Quán Toan đến cầu Nghìn; Dự án phát triển giao thông đô thị TP Hải Phòng; Dự án tuyến đường bộ ven biển; Dự án đầu tư xây dựng Hệ thống quản lý giao thông đô thị thông minh thành phố Hải Phòng; Dự án cải tạo, nâng cấp đường nối từ cầu Lạng Am đến cầu Nhân Mục, huyện Vĩnh Bảo; Dự án cầu phao Đăng, phao Hàn và đường dẫn 2 đầu cầu; Dự án xây dựng nhà ga số 2 Cảng hàng không quốc tế Cát Bi; Dự án xây dựng cơ sở hạ tầng khu đô thị Bắc sông Cấm - hợp phần giao thông,… Đây là những dự án nhằm hoàn thiện hệ thống giao thông đường bộ của Hải Phòng, đáp ứng nhu cầu vận tải và nhu cầu đi lại của nhân dân.
Ông có thể cho biết, ý nghĩa của những công trình giao thông trọng điểm tác động như thế nào đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của TP Hải Phòng?
Có thể khẳng định, những công trình trên không chỉ nâng tầm diện mạo của thành phố mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại, là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững, lâu dài. Ví dụ như, Dự án Cảng Hàng không quốc tế Cát Bi đáp ứng yêu cầu khai thác, thu hút khách đến các khu du lịch Hải Phòng như: Đồ Sơn, Cát Bà…Hay Dự án cảng Lạch Huyện sau khi dự án hoàn thành sẽ phát triển tổng thể hệ thống cảng, trước hết là tổng thể phát triển cảng khu vực cửa ngõ phía Bắc đất nước. Đây là hệ thống cảng lớn nhất miền Bắc, đáp ứng tàu lớn cập cảng, nâng cao lượng hàng hóa thông qua nhằm phát triển kinh tế cảng biển và dịch vụ sau cảng. Rồi Dự án cầu Tân Vũ - Lạch Huyện kết nối cảng Lạch Huyện với các trục đường chính như đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, QL5, QL18, đường cao tốc Nội Bài - Hạ Long. Cầu Tân Vũ - Lạch Huyện nói riêng, tuyến đường ô tô Tân Vũ - Lạch Huyện nói chung sau khi hoàn thành sẽ không chỉ phục vụ phát triển cảng Lạch Huyện và khu công nghiệp tại Cát Hải, mà sẽ là tuyến đường đến đảo Cát Bà, cạnh đảo Cát Hải, mở ra cơ hội lớn để phát triển du lịch tại Cát Bà.
Dự án đầu tư xây dựng cầu Bạch Đằng, đường dẫn và nút giao thông cuối tuyến có tổng chiều dài 5,4km, rộng 25m, được thiết kế 4 làn xe, vận tốc tối đa 100 km/h. Điểm đầu cầu kết nối với đường nối thành phố Hạ Long và điểm cuối với đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, có ý nghĩa đặc biệt trong sự phát triển kinh tế, kết nối giữa tỉnh Quảng Ninh với TP Hải Phòng. Khi cầu Bạch Đằng hoàn thành, khoảng cách từ Đình Vũ (Hải Phòng) tới Hạ Long (Quảng Ninh) chỉ còn 25km. Bên cạnh đó, với việc kết nối trực tiếp với cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, đây cũng là dự án đặc biệt quan trọng trong sự phát triển của tam giác kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, là những nhân tố quan trọng để Quảng Ninh và Hải Phòng có thể mở rộng cánh cửa giao thương, xuất nhập khẩu hàng hóa khu vực phía Bắc Việt Nam với khu vực và thế giới, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng trọng điểm Bắc bộ.
Cầu vượt Lê Hồng Phong, Hải Phòng |
Chủ động xây dựng hạ tầng giao thông bằng ngân sách địa phương
Năm 2016 và những tháng đầu năm 2017, TP Hải Phòng được đánh giá là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về việc chủ động triển khai xây dựng hạ tầng giao thông bằng nguồn ngân sách địa phương. Ông có thể chia sẻ về ý nghĩa của những công trình đó?
Phải nói rằng, bên cạnh sự đầu tư chiến lược của Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương, thời gian qua, với vai trò là cơ quan tham mưu của thành phố về lĩnh vực GTVT, Sở đã chủ động đề xuất, tham mưu triển khai đầu tư xây dựng các dự án về giao thông sử dụng vốn ngân sách địa phương. Qua đó, nhiều dự án đã được triển khai xây dựng trong thời gian rất ngắn, tạo được sự đồng thuận trong nhân dân như: Dự án Nút giao thông khác mức Lê Hồng Phong - Nguyễn Bỉnh Khiêm, Dự án nút giao thông khác mức ngã ba Nguyễn Bỉnh Khiêm - Đình Vũ; Dự án cải tạo đường Ngô Quyền, Ngô Gia Tự; Dự án đầu tư xây dựng cầu Hàn, cầu Đăng… Những dự án trên góp phần giảm thiểu ùn tắc giao thông và TNGT, đảm bảo an sinh xã hội, tạo sự kết nối giao thông thông suốt, giảm chi phí và thời gian chờ đợi của người và phương tiện tham gia giao thông trên địa bàn; góp phần cải thiện và hoàn thiện mạng lưới giao thông trong khu vực, nâng cao năng lực thông hành, đáp ứng nhu cầu vận tải của khu vực, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân.
Ngoài lĩnh vực đường bộ, Hải Phòng là thành phố có hệ thống cảng biển lớn nhất miền Bắc, giao thông kết nối cảng biển đóng vai trò rất quan trọng. Vấn đề này đã được Hải Phòng chủ động như thế nào, thưa ông?
Cùng với việc Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương triển khai nhiều dự án hạ tầng trọng điểm quốc gia tại Hải Phòng, từ QL5 hay còn gọi là đường xuyên Á hoàn thành vào năm 1998 cho đến những công trình hoàn thành vào những năm gần đây như: Đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, Cảng hàng không quốc tế Cát Bi, Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng, đường ô tô Tân Vũ - Lạch Huyện…
Kế đó, dự án đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng đã vận hành; Dự án cải tạo, nâng cấp Sân bay Cát Bi trở thành Cảng hàng không quốc tế đạt tiêu chuẩn cấp 4E đưa vào khai thác năm 2016; Dự án Cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện, Dự án cầu Bạch Đằng nối Hải Phòng với Quảng Ninh, dự án đường ô tô Tân Vũ - Lạch Huyện chuẩn bị đưa vào khai thác sử dụng trong năm 2017; Dự án cải tạo, mở rộng QL10, Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ ven biển được đầu tư giai đoạn 1 kết nối 6 tỉnh phía Bắc (Quảng Ninh - Hải Phòng - Thái Bình - Ninh Bình và Thanh Hoá) khởi động trong quý I/2017 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 129/QĐ-TTg ngày 18/10/2010 thì đến nay có thể nói hệ thống giao thông đối ngoại của Hải Phòng đã cơ bản hoàn thiện và sẽ là cửa ngõ ra biển, là đầu mối giao thông đối ngoại quan trọng của cả vùng Duyên hải Bắc bộ.
Thời gian tới, Hải Phòng sẽ có thêm những dự án giao thông nào được triển khai và những dự án này sẽ có vai trò thế nào, thưa ông?
Hiện tại Hải Phòng đang tập trung hoàn thành các dự án đang thực hiện đã nói ở trên. Bên cạnh đó, trong giai đoạn 2018 - 2020, ngành GTVT vẫn được xác định là một trong ba khâu đột phá về kết cấu hạ tầng và được tập trung đầu tư nhiều dự án lớn nhằm hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông đối nội và đối ngoại sử dụng nguồn ngân sách địa phương. Giai đoạn 2018 - 2020, sẽ có nhiều dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông mới được thực hiện, trong đó, chủ yếu tập trung cải thiện hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đô thị kết hợp với chỉnh trang đô thị.
Ngoài ra, việc thu hút đầu tư từ nguồn vốn vay ưu đãi nước ngoài (ODA) cho các dự án lớn như cầu Nguyễn Trãi, cầu Vũ Yên cũng như thu hút đầu tư theo hình thức đối tác công tư. Trong thời gian tới, việc đầu tư theo hình thức đối tác công tư các dự án: Tuyến đường bộ ven biển đoạn qua địa bàn TP Hải Phòng với chiều dài 20,7km nối với 9km trên địa bàn tỉnh Thái Bình; mở rộng cải tạo đường tỉnh 352 với xây dựng cầu Lại Xuân; đường nối QL5 với QL10; Mở rộng Cảng hàng không Quốc tế Cát Bi giai đoạn 2; Đường ô tô Tân Vũ, Lạch Huyện 2 sẽ được triển khai trong giai đoạn 2018 - 2020.
Cảm ơn ông !
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận