Xã hội

Hạ tầng giao thông vượt trội của địa phương sẽ là thành phố trực thuộc T.Ư

29/03/2023, 16:31

Có số km cao tốc dài nhất nước, có 3 cảng tàu khách, sân bay quốc tế..., Quảng Ninh có nhiều ưu thế vượt trội về giao thông.

Hạ tầng giao thông hiện đại, có gần 200km cao tốc

Từ khi khánh thành và đưa vào sử dụng (tháng 9/2022), tuyến cao tốc xương sống Hạ Long - Vân Đồn - Móng Cái chạy dọc tỉnh Quảng Ninh không chỉ mang ý nghĩa thiết thực về giao thông, mà còn trở thành biểu tượng, niềm tự hào của người dân đất Mỏ.

Dài 176km với những cây cầu vượt biển, sông suối, khung cảnh hùng vĩ của núi đồi xen lẫn mặt nước mênh mông hai bên đường, Hạ Long - Vân Đồn - Móng Cái được mệnh danh "cao tốc đẹp nhất Việt Nam" đã rút ngắn thời gian di chuyển từ Hà Nội về Móng Cái chỉ còn hơn 3 giờ đồng hồ (thay vì 5,5 giờ như trước).

Với gần 200km cao tốc, Quảng Ninh trở thành tỉnh có số km cao tốc nhiều nhất cả nước.

img

Cầu Vân Tiên trên tuyến cao tốc Vân Đồn - Móng Cái

Quảng Ninh cũng là một trong những địa phương đi đầu cả nước trong việc huy động nguồn vốn ngoài ngân sách để đầu tư hệ thống cảng biển quốc tế.

Đến nay, tỉnh đã có được 3 cảng tàu khách quốc tế chất lượng cao, gồm Cảng tàu khách quốc tế Tuần Châu, Cảng Hòn Gai, Hạ Long và cảng cao cấp Ao Tiên tại Khu kinh tế Vân Đồn.

Điển hình, Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long do Tập đoàn Sun Group đầu tư với số vốn hơn 1.000 tỷ đồng theo hình thức đối tác công-tư (PPP), đưa vào hoạt động cuối năm 2018, là cảng tàu du lịch quốc tế chuyên biệt đầu tiên của Việt Nam, có thể tiếp nhận đồng thời 2 tàu khách có sức chở lên đến 8.400 người.

Hay cảng cao cấp Ao Tiên ở huyện đảo Vân Đồn khởi công từ tháng 4/2022, là cảng khách chuyên dùng phục vụ vận tải du lịch tuyến Vân Đồn đi các đảo và các điểm tham quan trên Vịnh Bái Tử Long, Vịnh Hạ Long. Cảng có quy mô gần 30ha, tổng vốn đầu tư hơn 610 tỷ đồng, công suất thiết kế 2.600.000 lượt khách/năm.

img

Cảng cao cấp Ao Tiên ở Khu Kinh tế Vân Đồn mới được đưa vào khai thác

Về hàng không, Quảng Ninh cũng là địa phương đầu tiên của cả nước được Trung ương cho phép huy động nguồn đầu tư ngoài ngân sách để xây dựng Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, đưa vào hoạt động cuối năm 2018.

Sân bay có diện tích 325ha với tổng mức đầu tư 7.463 tỷ đồng, trong đó ngân sách tỉnh là 734 tỷ, có công suất 2,5 triệu khách/ năm, giờ cao điểm có thể đón 1.250 người. Hệ thống sân đỗ đến năm 2020 đạt tối thiểu 4 vị trí đỗ máy bay; đến năm 2030 mở rộng lên tối thiểu 7 vị trí đỗ máy bay.

Ngoài các đường bay trong nước, sân bay này đã và đang khai thác các đường bay đến và đi từ các nước Đông Bắc Á (Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Đài Loan) và Đông Nam Á (Thái Lan, Malaysia, Singapore, Campuchia…).

Hiện nay, chủ trương của Quảng Ninh là sẽ xây dựng thêm đường lăn nối, mở rộng nhà ga hành khách, khu hàng không dân dụng và sân đỗ máy bay để nâng công suất 5 triệu hành khách/năm; năm 2030 trở thành sân bay "xanh" đối với cảng hàng không quốc tế này.

img

Một góc Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn

Đáng nói, phần lớn các dự án giao thông trên được Quảng Ninh đã triển khai thời gian qua theo hình thức đối tác công-tư (PPP).

Ông Hoàng Quang Hải, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Quảng Ninh cho biết: Thành công nổi bật của Quảng Ninh là từ năm 2013 đến nay, địa phương đã triển khai được gần 50 dự án theo hình thức PPP với tổng số vốn khoảng trên 58.000 tỷ đồng.

Trong đó, Nhà nước tham gia chiếm 10%, chủ yếu tập trung cho công tác giải phóng mặt bằng, trung bình cứ 1 đồng ngân sách bỏ ra huy động được 8 đến 9 đồng vốn ngoài ngân sách tham gia đầu tư vào địa bàn.

Với cách làm sáng tạo của địa phương cùng sự quan tâm của Trung ương, đến thời điểm hiện tại, Quảng Ninh đã sở hữu những tuyến đường giao thông đồng bộ, hiện đại tạo sự liên kết chặt chẽ nội tỉnh, nội vùng và liên tỉnh.

Hiện thực hóa chủ trương trở thành thành phố trực thuộc Trung ương

Theo Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đến năm 2030, Quảng Ninh sẽ trở thành phố trực thuộc Trung ương trên cơ sở hình thành khu vực nội thành bao gồm 7 thành phố (Hạ Long, Cẩm Phả, Uông Bí, Móng Cái - Hải Hà, Đông Triều, Quảng Yên, Vân Đồn và tái lập thị xã Tiên Yên). Trong đó, dự kiến TP Móng Cái hiện nay sẽ sáp nhập với huyện Hải Hà để trở thành một thành phố mới.

Một trong những "trụ cột" chính để đưa Quảng Ninh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương đúng lộ trình là địa phương này đang tiếp tục huy động tối đa các nguồn lực để đầu tư hệ thống hạ tầng giao thông.

img

Công trình nút giao đầm Nhà Mạc ở TX Quảng Yên đang được khẩn trương xây dựng

Ông Hoàng Quang Hải cho biết, trong thời gian tới, tỉnh Quảng Ninh sẽ tập trung đầu tư hoàn thiện các công trình: cầu Rừng; cầu Lại Xuân; cầu và đường kết nối TP Uông Bí (Quảng Ninh) với huyện Thủy Nguyên (TP Hải Phòng); cầu/hầm nối từ khu vực Tiền Phong, TX Quảng Yên (Quảng Ninh) với Lạch Huyện, TP Hải Phòng; đường ven sông kết nối từ đường cao tốc Hạ Long - Hải Phòng đến Đông Triều.

Đồng thời, đầu tư mở rộng QL279 kết nối liên thông với đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả; cải tạo, nâng cấp ĐT342 từ Hạ Long qua Ba Chẽ đến giáp ranh địa phận tỉnh Lạng Sơn; cao tốc Tiên Yên - Lạng Sơn, QL4B từ huyện Tiên Yên đi Lạng Sơn…

img

Cảng chuyển tải Hòn Nét - Con Ong đang được tiếp tục được đầu tư mở rộng

Đáng chú ý là, hiện nay, tỉnh Quảng Ninh đang triển khai các cơ chế nhằm thu hút đầu tư xây dựng một số cảng biển quan trọng như: Nam Tiền Phong, Con Ong - Hòn Nét, Hải Hà, Mũi Chùa; xây dựng các bến du thuyền tiêu chuẩn quốc tế tại vịnh Cửa Lục.

Đặc biệt, sẽ quy hoạch các trung tâm logistics gắn với hệ thống cảng biển; trung tâm logistics chuyên dùng gắn với sân bay Vân Đồn; trung tâm logistics gắn với cửa khẩu: Móng Cái, Hoành Mô - Đồng Văn, Bắc Phong Sinh và các trung tâm logistics gắn với công nghiệp, đô thị, các vùng nông nghiệp, thủy sản trên địa bàn tỉnh.

img

Cảng tàu khách quốc tế Hòn Gai đáp ứng được nơi neo, đậu của tàu du lịch quốc tế tải trọng lớn

Cùng với đó, hiện nay, tỉnh Quảng Ninh cũng đã và đang phối hợp triển khai Quy hoạch đường sắt đô thị kết nối các địa phương: Đông Triều - Uông Bí - Quảng Yên - Hạ Long - Cẩm Phả - Vân Đồn; Hải Hà - Móng Cái. Phát triển hệ thống giao thông đường sắt tốc độ cao, tàu điện trên cao sau năm 2030 từ TX Đông Triều tới TP Móng Cái và có gắn với liên kết vùng, hợp tác quốc tế...

Liên quan đến phát triển hệ thống hàng không, theo lãnh đạo Sở GTVT tỉnh Quảng Ninh, địa phương đang tiến hành quy hoạch, xây dựng sân bay chuyên dùng tại huyện đảo Cô Tô trong giai đoạn 2030 - 2050; nâng cấp, cải tạo, mở rộng sân bay Hồng Kỳ (phường Ninh Dương, Móng Cái), kết hợp khai thác dân dụng (taxi) và cứu nạn.

Chủ trương về việc phát triển sân bay và vùng nước dành cho thủy phi cơ, trực thăng tại Hạ Long, Cẩm Phả, Vân Đồn, Cô Tô, Đông Triều, Uông Bí và tại những khu vực có tiềm năng về du lịch… cũng đang được tỉnh Quảng Ninh tập trung nghiên cứu, quy hoạch để hiện thực hóa khi đủ điều kiện.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.