Bất động sản

Hạ tầng “hâm nóng” thị trường căn hộ ven đô

17/03/2022, 06:16

Trong khi các dự án nội đô hoặc những điểm tiếp giáp các quận có giá bán đắt đỏ, thị trường căn hộ vùng ven đô Hà Nội được "hâm nóng"...

Các nghiên cứu cho thấy, hiện người mua nhà lựa chọn khu vực ngoại thành, với môi trường sống xanh, kết nối giao thông thuận tiện đang có xu hướng gia tăng.

Xa trung tâm vẫn đắt hàng nhờ giá mềm

Ghi nhận của PV Báo Giao thông thời điểm này, thị trường căn hộ khu vực nội đô Hà Nội gần như không có dự án ra hàng. Nguồn cung chính của phân khúc này đến từ các quận vùng ven như: Nam Từ Liêm, Long Biên, Hà Đông, Thanh Trì...

Những dự án nằm tiếp giáp địa giới hành chính giữa các quận vì thế giá cũng khá đắt đỏ. Đơn cử như: Dự án Housinco Premium, nằm trên địa giới xã Tân Triều, huyện Thanh Trì nhưng lợi thế nằm sát đường Nguyễn Xiển, tiếp giáp 2 quận Thanh Xuân, Hoàng Mai, giá lên tới 40 triệu/m2.

img

Dự án Phenikaa Tower Thạch Thất, cách trung tâm Hà Nội khoảng 20km, giá chỉ khoảng hơn 10 triệu/m2 hiện đã cơ bản lấp đầy

Tương tự trên địa bàn quận Nam Từ Liêm, Dự án HDMI Trung Văn, căn hộ diện tích từ 115,5 - 136m2 được chào bán từ 4,2 - 5 tỷ đồng/căn (36 triệu đồng/m2).

Với giá mềm hơn, khoảng từ 24 - 28 triệu đồng/m2, khách hàng có thể lựa chọn căn hộ khách sạn. Tuy nhiên, người mua nhà chỉ có thời gian sử dụng 40 năm và không thể đăng ký hộ khẩu thường trú.

Theo các chuyên gia bất động sản, không phải ngẫu nhiên mà các dự án trên có mức giá từ 36 - 40 triệu đồng/m2, bởi tại những nơi này giao thông kết nối thuận tiện, gần trung tâm. Tuy vậy, mức giá này khó phù hợp túi tiền của đa số người có nhu cầu thực sự về nhà ở và có mức thu nhập không cao.

Ngược lại với khu vực nội đô, dự án vùng ven như cuối Nam Từ Liêm, Hoài Đức, Quốc Oai, hạ tầng xã hội kém đồng bộ, xa trung tâm, nhưng giao thông di chuyển thuận lợi vẫn thu hút được người mua nhà.

Đơn cử như dự án nhà ở Phương Canh, Nam Từ Liêm, nằm cách trung tâm TP Hà Nội trên 10km, tiếp giáp cổng chào Hoài Đức. Khá xa bệnh viện, trường học nhưng với giao thông thuận lợi, ven QL32 và mức giá phù hợp từ 16 - 22 triệu đồng. Sau chưa đầy 2 năm kể từ khi triển khai xây dựng, dự án đã bán hết 100% quỹ căn.

Tương tự, dự án Phenikaa Tower Thạch Thất, cách trung tâm Hà Nội khoảng 20km (nằm góc ngã tư giao Láng Hoà Lạc với QL21) hay Bamboo Sài Sơn, giá chỉ khoảng hơn 10 triệu đồng/m2 cũng cơ bản lấp đầy.

Xong đường vành đai, giá sẽ còn tăng

Chị Nguyễn Thị Thanh, cư dân Phenikaa Tower Thạch Thất cho hay, nếu nghĩ đến 20km vào nội đô sẽ cảm thấy hơi xa. Nhưng mỗi ngày di chuyển từ nhà đến nơi làm việc đầu đường Trần Duy Hưng chỉ mất khoảng trên dưới 20 phút bằng xe ô tô. Đặc biệt tuyến đường này không bao giờ bị tắc.

“Lúc đó tôi đứng giữa 2 lựa chọn, mua nhà trong nội đô khoảng trên dưới 3 tỷ đồng. Trong khi đó, cùng diện tích mua ở ngoại thành chỉ mất chưa đầy 1 tỷ đồng. Bỏ thêm 500 triệu đồng mua ô tô thì mới mất khoảng 1,3 tỷ đồng cả nhà cả xe, rẻ hơn mua nội đô đến hơn một nửa. Sống ở ngoại thành cũng dễ chịu hơn nội đô nhiều”, chị Thanh lý giải về quyết định của mình.

Theo ghi nhận của PV, những dự án ven đường vành đai 3.5 cũng khá khan hàng. Phần lớn các quỹ căn của dự án như Vườn Cam, Hino Park, Splendora thuộc huyện Hoài Đức có giá xấp xỉ 100 triệu đồng/m2, tuy nhiên đều là hàng chuyển nhượng lại.

“Hino Park và Hado Charm đều còn quỹ đất rộng. Thế nhưng mỗi lần chủ đầu tư chỉ bán ra vài chục lô, ra đến đâu hết đến đó. Họ vừa bán vừa chờ thông tuyến vành đai 3.5. Chắc chắn khi nào tuyến này xong, giá đất còn tăng nữa”, anh Nguyễn Văn Long, Chủ sàn môi giới bất động sản Trí Việt dự đoán.

Thị trường nhộn nhịp nhờ hạ tầng

Thống kê của Công ty Propertyguru Việt Nam cho thấy, tính đến hết tháng 2, mức độ quan tâm đến bất động sản tăng trung bình 23% so với tháng 1.

Trong đó, Hà Nội tăng 22%, TP.HCM tăng 29%. Lượng tin đăng bán đất nền tăng 6%. Căn hộ chung cư tại Hà Nội tăng 23%; TP.HCM tăng 22%. Giá bán chung cư tăng 4% so với năm 2021.

Kết quả tổng hợp giá đất của Công ty Định Anh tháng 3/2022 cho thấy, tại khu vực Thạch Thất, giá trung bình 17 triệu đồng/m2 (tăng 16,9%), Thanh Oai 26,7 triệu đồng/m2 (tăng 71,4%), Đan Phượng 59,3 triệu đồng/m2 (tăng 116%), Hoài Đức tăng 19,7% trung bình ở mức 78,4 triệu đồng/m2 so với cùng kỳ năm trước.


Cụ thể hơn về thị trường Hà Nội, Savill cho biết, đầu năm nay, thị trường này đón nhận khoảng 7.900 căn hộ đến từ 11 dự án mới và 2 dự án chuyển sang giai đoạn tiếp theo.

Nguồn hàng đến từ các quận, huyện Từ Liêm, Gia Lâm, Hoàng Mai, chiếm khoảng 81% thị phần, trong khi quỹ đất nội đô đang trở nên hạn chế.

Savill nhận định, khu vực phía Tây Hà Nội tiếp tục dẫn đầu thị trường về nguồn cung sơ cấp với 26.300 căn, đến từ 29 dự án.

Đặc biệt 5 huyện ngoại thành sẽ tăng nguồn cung và tỷ trọng, lên 36% từ năm 2023 thay vì 30% như năm 2021.

Bà Lê Thị Phương Lan, Trưởng Bộ phận tư vấn đầu tư của Savills Hà Nội thông tin, xu hướng chuyển dịch thị trường vùng ven được thúc đẩy bởi sự phát triển về cơ sở hạ tầng.

“Tuyến đường vành đai 3, 3,5 và đường sắt đô thị số 3 là động lực thúc đẩy sự bùng nổ của khu vực phía Tây. Kế hoạch vận hành các tuyến metro và xây dựng đường vành đai 2,5 ở phía Nam và số 4 ở phía Đông Bắc Hà Nội sẽ góp phần hoàn thiện mạng lưới giao thông.

Thuận tiện trong việc di chuyển giữa khu vực vùng ven và nội đô thành phố sẽ là yếu tố thu hút nhà đầu tư và người mua để ở vào những dự án ở xa trung tâm”, bà Lan nhận định.

Dù vậy, bà Lan cũng khuyến cáo, mỗi dự án sẽ có một đặc điểm khác nhau. Do đó, người mua nhà để ở hay đầu tư, ngoài quan tâm đến giá cả thì cần xem xét đến cả chất lượng của dự án, bao gồm cơ sở vật chất, hạ tầng, các chứng nhận và tiêu chuẩn xây dựng...

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Quốc Anh, Phó chủ tịch Batdongsan.com cho biết, kết quả nghiên cứu mới đây của đơn vị này cho thấy, gần 50% người mua nhà có xu hướng dịch chuyển nhu cầu sang nhà có diện tích lớn hơn; 40% trong số đó gia tăng nhu cầu đối với khu vực ít đông đúc hoặc ngoại thành; gần 60% lựa chọn ưu tiên môi trường sống xanh, thoáng và gần các tiện ích giao thông công cộng.

Do đó, ông Quốc Anh nhận định, năm 2022, mức độ quan tâm đến thị trường căn hộ vùng ven sẽ lớn hơn trước.

Tuy nhiên, ông Quốc Anh cũng cho rằng, việc mở rộng địa giới, dự án, tăng nguồn cung nhưng cũng phải gắn liền với cơ hội việc làm. Hạ tầng giao thông phát triển phải đồng bộ với hạ tầng xã hội như điện, đường, trường, trạm... như vậy mới có thể đáp ứng nhu cầu an cư của người dân.

Theo báo cáo của UBND TP Hà Nội, năm 2021, Hà Nội đã đưa vào khai thác nhiều công trình kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn như tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông; 6 nhánh lên xuống cầu cạn Vành đai 3 (đoạn Mai Dịch - cầu Thăng Long).

Bên cạnh đó, Hà Nội cũng phối hợp với 4 tỉnh Hưng Yên, Bắc Giang, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc thống nhất báo cáo Thủ tướng chấp thuận phương án đầu tư, hình thức đầu tư tuyến đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô; Hoàn thành nhiều công trình kết cấu hạ tầng khung của thành phố như nút giao Vành đai 3 với cao tốc Hà Nội - Hải Phòng…

Dự kiến, năm 2022, TP sẽ tiếp tục hoàn thành các công trình giao thông như cầu Vĩnh Tuy 2, hầm chui Lê Văn Lương - Vành đai 3, tuyến đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội...

Theo Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn, Hà Nội sẽ tập trung phát triển đồng bộ hạ tầng giao thông kết nối đô thị trung tâm với khu vực ngoại thành, các đô thị vệ tinh, các tỉnh, thành phố trong vùng Thủ đô…

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.