Hàng chục năm sử dụng nước nhiễm phèn, mặn để sinh hoạt
Từ trước đến nay, gia đình ông Phạm Công Danh (60 tuổi, thôn Vĩnh Thọ, xã Kỳ Thọ) và hàng nghìn hộ gia đình khác tại xã Kỳ Thọ phải sử dụng nước mưa để sinh hoạt vì nguồn nước ngầm ở đây bị nhiễm phèn, mặn.
Ông Danh bên bể nước mưa được xây dựng từ hơn chục năm nay để sử dụng sinh hoạt.
Vào những thời điểm nắng nóng, nguồn nước mưa dự trữ cạn kiệt nên người dân phải sử dụng nguồn giếng khoan, giếng đào bị nhiễm phèn và mặn.
Theo ông Danh, vì địa thế tại địa phương là vùng trũng, bao quanh là ao hồ, sông nên nguồn nước từ bao đời nay bị nhiễm phèn, mặn. Gia đình đã cố khoan nhiều giếng sâu nhưng thực trạng nước nhiễm phèn, mặn vẫn không được cải thiện.
“Chúng tôi dùng nước nhiễm phèn, mặn nên hầu hết các thiết bị vệ sinh, bình nước nóng, máy giặt... đều bị hư hỏng. Bây giờ mỗi hộ gia đình đều phải xây cho nhà mình bể chứa nước mưa để làm nguồn nước dữ trữ dùng cho sinh hoạt hàng ngày”, ông Danh nói.
Tương tự như gia đình ông Danh, gia đình bà Đậu Thị Nông thôn Vĩnh Thọ cũng chung hoàn cảnh khi gia đình không thể sử dụng được giếng khoan do bị nhiễm mặn nên cũng phải xây bể chứa nước mưa để sử dụng từ hàng chục năm nay.
“Người dân chúng tôi chỉ ước có nguồn nước sạch để sử dụng chứ cứ dùng nước mưa được hứng từ trên mái nhà xuống thế này bẩn và không đảm bảo chất lượng”, bà Nông nói.
Các thiết bị vệ sinh, rửa ráy trong gia đình đều hư hỏng do nguồn nước nhiễm phèn, mặn
Tình trạng người dân ở các xã lân cân như Kỳ Đồng, Kỳ Khang, Kỳ Phú do thiếu nguồn nước sạch nên hàng ngày vẫn phản sử dụng nước phèn, nhiễm mặn để sử dụng.
Chị Nguyễn Thị Phương (xã Kỳ Khang, huyên Kỳ Anh) cho hay, do nguồn nước bị nhiễm phèn nặng nên gia đình phải đầu tư xây dựng bể để lắng, lọc nước phèn để sinh hoạt hằng ngày.
Xã Kỳ Đồng là trung tâm hành chính của huyện Kỳ Anh. Sau 7 năm điều chỉnh địa giới hành chính huyện Kỳ Anh, người dân Kỳ Đồng cũng như toàn bộ cán bộ, nhân viên các cơ quan hành chính đều sử dụng nguồn nước phèn để sinh hoạt, ăn uống.
Theo ông Nguyễn Đình Tuệ - Chủ tịch UBND xã Kỳ Đồng, nước giếng khoan, giếng đào ở xã Kỳ Đồng đa phần khu vực bị nhiễm phèn. Quần áo giặt vài nước là chuyển màu vàng.
Ngoài ra, thôn nằm giữa bốn bề là đồng ruộng nên dư lượng thuốc bảo vệ thực vật ngấm vào đất, vào các mạch nước ngầm rất lớn. Mong muốn của người dân nơi đây là sớm có nhà máy nước sạch để sử dụng, đảm bảo sức khoẻ.
Hầu hết người dân huyện Kỳ Anh đều sử dụng bể chứa nước mưa hoặc bể lọc nước giếng khoan để sử dụng
Sớm xây dựng nhà máy xử lý nước từ mọi nguồn vốn để phục vụ người dân
Ông Trần Bá Toản – Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Anh cho biết, có khoảng hơn 30.000 hộ dân ở Kỳ Anh đang thiếu nguồn nước sạch để sinh hoạt.
“Toàn huyện chỉ có vài nghìn hộ dân ở xã Kỳ Thư và xã Kỳ Châu là có nguồn nước máy để sử dụng sinh hoạt”, ông Toản nói.
Theo ông Toản thì sắp tới huyện Kỳ Anh sẽ xây dựng một nhà máy xử lý nước có công suất 7.000 m3/ngd với chi phí dự kiến khoảng 95 tỉ đồng từ nguồn vốn xã hội hóa thông qua đấu thầu hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư để phục vụ cho Trung tâm hành chính huyện Kỳ Anh và các xã lân cận như Kỳ Đồng, Kỳ Giang, Kỳ Phú, Kỳ Khang; Đối với xã Kỳ Thọ thì huyện đề xuất lấy nguồn nước từ nhà máy xử lý nước tại thị xã Kỳ Anh.
Còn xã vùng trên như Kỳ Lạc thường thiếu nước vào mùa hạn hán người dân phải đi gánh ở các khe suối thì có Tập đoàn Thiên Minh Đức hứa hỗ trợ tiền xây dựng bể chứa để dẫn nước từ khe suối về cung cấp cho người dân.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận