Rà soát, xử lý các tuyến đường thường xuyên sạt lở
Lo ngại đường quốc phòng ven biển qua xã Cẩm Lĩnh (Cẩm Xuyên) xảy ra sạt lở, gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông, chính quyền địa phương đã lập rào chắn, cấm người dân và phương tiện lưu thông.
Trong các đợt mưa lũ của những năm trước, tuyến đường quốc phòng ven biển liên tục xảy ra sạt lở mái ta luy dương khiến hàng trăm khối đất, đá từ trên núi tràn xuống đường gây chia cắt giao thông.
"Qua thống kê, trên đoạn tuyến qua địa bàn xã có khoảng 10 vị trí có nguy cơ xảy ra sạt lở đất. Để đảm bảo an toàn cho người và phương tiện vào mùa mưa lũ, địa phương đã triển khai các phương án ứng phó, trong đó, ưu tiên việc lập chốt, cấm người và phương tiện qua lại", ông Nguyễn Văn Hà, Phó chủ tịch UBND xã Cẩm Lĩnh thông tin.
Tương tự, quốc lộ 8 cũng là một trong những tuyến giao thông thường xuyên xảy ra tình trạng sạt lở đất, nhất là đoạn từ xã Sơn Kim 1 tới Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo khi mưa nhiều. Tuyến đường được xây dựng dọc theo các ngọn núi lớn nên đường dốc, vách ta luy cao, nhiều vực sâu. Trên tuyến có 10 vị trí thường xuyên xảy ra sạt lở, trong đó, đoạn tuyến Km 82+300 gần khu vực Eo Cô Gái có nguy cơ cao nhất.
Ông Võ Trường Giang, Trưởng Văn phòng Quản lý đường bộ II.3 (thuộc Khu Quản lý đường bộ II) cho biết, quốc lộ 8 đang được cải tạo, nâng cấp, trong đó, riêng tại điểm Eo Cô Gái đã được xây dựng cầu tránh, tách hẳn so với tuyến đường cũ. Do đó, nếu xảy ra sạt lở, khả năng gây ách tắc giao thông, nguy hiểm cho phương tiện lưu thông được giảm thiểu đáng kể.
"Để đảm bảo an toàn giao thông (ATGT), trước mỗi mùa mưa bão, đơn vị phối hợp với các chính quyền địa phương và đơn vị có liên quan triển khai việc rà soát những vị trí, đoạn tuyến có nguy cơ sạt lở, ngập úng. Đến nay, cơ bản các vị trí nguy cơ xảy ra sạt lở đã được xử lý", ông Giang thông tin.
Chủ động sơ tán người dân khu vực có nguy cơ sạt lở
Ngày 18/9, thông tin với PV, ông Trần Quang Hòa, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Hương Sơn cho biết, qua rà soát, trên địa bàn huyện hiện có 474 hộ với 1.607 nhân khẩu nằm trong vùng có nguy cơ sạt lở đất; 296 hộ với 997 nhân khẩu trong vùng nguy cơ lũ quét.
Các xã có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, sạt lở ven sông, lũ quét tập trung ở Sơn Châu, Sơn Tiến, Sơn Ninh, Sơn Bình, Sơn Trà, Sơn Trung, Sơn Trường, Quang Diệm, Sơn Lâm, Sơn Kim 1, Sơn Kim 2, Sơn Hàm, Sơn Hồng, thị trấn Phố Châu…
Để chủ động phòng ngừa, ứng phó với mưa lũ, ngay khi bước vào mùa mưa bão, huyện Hương Sơn đã lên các "kịch bản" cho công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn.
Đến nay, tất cả các hộ dân nằm trong vùng nguy cơ xảy ra sạt lở, lũ quét đều đã được rà soát. Địa phương đã nắm bắt số lượng, lấy số điện thoại, bố trí khu vực sơ tán, phương tiện di chuyển. Cán bộ các thôn, xã/thị trấn sẽ yêu cầu người dân di dời ngay khi có tình huống phức tạp về thời tiết.
Từ nhiều năm nay, cứ đến mùa mưa lũ, nỗi lo sạt lở, lũ ống, lũ quét lại khiến gia đình anh Phạm Văn Danh (SN 1983) và gia đình bà Nguyễn Thị Ái (SN 1966), thôn Lâm Khê, xã Sơn Lâm (huyện Hương Sơn) thấp thỏm. Nhiều diện tích đất trong vườn hai hộ dân này đã bị dòng nước chảy mạnh cuốn trôi.
Tương tự, căn nhà của ông Lê Minh Lương (SN 1965) cùng nhiều hộ dân khác ở thôn Lâm Giang, xã Sơn Lâm nằm ngay dưới chân núi Đá Bạc cũng bị nguy cơ sạt lở đe dọa. Theo ghi nhận, mảng núi phía sau ngôi nhà của gia đình ông Lương đã xuất hiện vết nứt lớn, có nước chảy ra mỗi khi có mưa lớn.
"Do lo lắng nên gia đình đã xây dựng tường chắn nhưng cũng chỉ để hạn chế thiệt hại tài sản nếu chẳng may xảy ra sạt lở. Khi có yêu cầu sơ tán của địa phương, gia đình sẽ chấp hành ngay", ông Lê Minh Lương chia sẻ.
Lãnh đạo xã Sơn Lâm cho biết, trước thực tế của địa bàn, từ đầu tháng 9, chính quyền xã đã triển khai việc rà soát các hộ dân nằm trong khu vực có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, lũ quét.
Từ đó, địa phương nắm số lượng thành viên trong từng gia đình, số điện thoại để liên hệ khi cần thiết và giao cán bộ thôn phụ trách việc sơ tán các hộ dân khi thời tiết diễn biến phức tạp.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận