Nhà báo Trần Mai Hạnh là người đầu tiên tường thuật chiến thắng tại Dinh Độc Lập ngày 30/4/1975. Nhà báo Trần Mai Hưởng là người chụp bức ảnh “Xe tăng quân Giải phóng tiến vào Dinh Độc Lập trưa 30/4/1975”.
Họ là hai anh em ruột cùng có mặt tại Dinh Độc Lập để ghi lại sự thật vào thời khắc lịch sử ấy.
Nhà báo Trần Mai Hưởng và nhà báo Trần Mai Hạnh
Hai nhà báo chiến trường
Nhà báo Trần Mai Hưởng, nguyên Tổng giám đốc TTXVN dù đã ngoài 70 tuổi nhưng vẫn còn rất mạnh khỏe.
Trong căn nhà ở khu tập thể Bách Khoa (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), giọng nói hào sảng, trong trẻo đậm chất Hà Thành, ông dẫn dắt chúng tôi ôn lại những câu chuyện những năm tháng trên chiến trường, những thời khắc trong mưa bom bão đạn.
Không hề thua kém người em trai của mình, nhà báo Trần Mai Hạnh dù từng trải qua nhiều biến cố cuộc đời nhưng ở ông luôn toát lên sự mạnh mẽ, cương trực của một nhà báo chiến trường từng vào sinh ra tử.
Tuổi đôi mươi có sức trẻ, sức khỏe, phải làm điều Tổ quốc cần. Người phóng viên chúng tôi xác định mình cũng như những người lính, sẵn sàng hy sinh tính mạng để bảo vệ đất nước. Tôi còn may mắn, không như đồng đội có nhiều người đã nằm lại, không về.
Nhà báo Trần Mai Hưởng
Câu chuyện của ông dường như không dứt, từ những kỷ niệm tham gia các trận đánh lớn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước tới việc viết những cuốn sách nổi tiếng như: Sụp đổ và tự thú (1985), Ngày tận thế (1987), Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75…
Ở hai anh em nhà báo này đều toát lên sự đặc biệt. Họ đặc biệt bởi những trải nghiệm mà ít nhà báo nào có được khi cùng là những phóng viên chiến trường, cùng chứng kiến những giây phút lịch sử của dân tộc và đều để lại những tác phẩm báo chí nổi tiếng.
Sinh ra trong một gia đình có truyền thống hiếu học, bố mẹ sinh được 5 người con, trong đó 3 con gái, 2 người con trai là Trần Mai Hạnh và Trần Mai Hưởng.
Đầu những năm 70 của thế kỷ XX, cả 2 ông đều là phóng viên của Việt Nam Thông tấn xã (nay là Thông tấn xã Việt Nam - TTXVN).
Ngay từ khi chiến dịch giải phóng miền Nam chuẩn bị diễn ra, TTXVN được cấp trên yêu cầu thành lập đoàn công tác 3 người do đích thân nhà báo Đào Tùng, Tổng giám đốc TTXVN làm Trưởng đoàn.
Do có thời gian là phóng viên chiến trường ở nhiều nơi nên Trần Mai Hạnh được chọn đi theo các cánh quân tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh.
Thời điểm chiến dịch đang diễn ra tại Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, TTXVN lại quyết định thành lập thêm tổ phóng viên tại mặt trận này. Theo quy định thì người em trai Trần Mai Hưởng được “ưu tiên” không phải ra mặt trận vì đã có anh trai là nhà báo Trần Mai Hạnh đang ở chiến trường.
Tuy vậy, từng là một phóng viên chiến trường Quảng Trị, ông Hưởng đã viết đơn tình nguyện tham gia.
Ngày 25/3/1975, sau khi giải phóng Huế, ông Đào Tùng cho triệu tập cuộc họp của các thành viên TTXVN tại Huế để giao nhiệm vụ. Bất ngờ hai anh em Trần Mai Hạnh và Trần Mai Hưởng được gặp nhau tại đó.
Nhưng do thời gian gấp gáp, hai anh em chỉ kịp nhìn nhau, mắt cay xè.
Thật bất ngờ, hơn một tháng sau, hai anh em lại hội ngộ tại Dinh Độc Lập và đều có những tác phẩm báo chí để đời trong sự kiện lịch sử này.
Người tường thuật đầu tiên tại Dinh Độc lập
Nhà báo Trần Mai Hạnh tại Dinh Độc Lập trưa 30/4/1975
Đã gần nửa thế kỷ trôi qua nhưng ký ức về những ngày tháng Tư lịch sử năm 1975 vẫn vẹn nguyên trong nhà báo Trần Mai Hạnh.
Ngay từ sáng sớm 30/4/1975, 5 cánh quân giải phóng đã đồng loạt tiến vào Sài Gòn. Giữa muôn vàn cờ sao tung bay, hàng vạn đồng bào đã đổ ra các ngả đường để đón đoàn quân chiến thắng. Trong đoàn quân oai hùng ấy, có nhà báo Trần Mai Hạnh, đặc phái viên của TTXVN.
Tới nay, nhiều người từng trải qua những thời khắc hào hùng của chiến thắng 30/4 vẫn nhớ tới bài tường thuật mang tên “Thành phố Hồ Chí Minh rực rỡ sao vàng” của nhà báo Trần Mai Hạnh. Bài viết được phát trên Đài Tiếng nói Việt Nam và sau đó đăng trên Báo Nhân dân trong số đặc biệt chào mừng ngày đất nước thống nhất.
Nhà báo Trần Mai Hạnh nhớ lại: “Khoảng 11h45 trưa 30/4/1975, tôi tới được Dinh Độc Lập. Cờ chiến thắng vừa được cắm trên nóc dinh, tôi lao vào thu thập ngay các dữ kiện không thể thiếu của bài tường thuật: Mấy giờ chiếc xe tăng đầu tiên húc tung cánh cửa chính Dinh Độc Lập? Mấy giờ cờ chiến thắng được cắm trên nóc dinh? Chiến sĩ cắm cờ tên gì? Tổng thống ngụy quyền Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng như thế nào? Ta tuyên bố chiến thắng ra sao?”
“Những cảm xúc khi đó thật đặc biệt, tôi ngồi ngay tại sân Dinh Độc Lập, giữa rừng cờ hoa để viết bài tường thuật. Thời khắc lịch sử ấy, cuộc sống diễn ra như một cơn lốc, tôi không hề biết bài viết của mình có được điện về tới Tổng xã ở Hà Nội không, có được đăng không?
Tôi cũng không ngờ bài “Thành phố Hồ Chí Minh rực rỡ sao vàng” là bài tường thuật đầu tiên về chiến thắng 30/4. Tiếp đó bài được báo Nhân dân đăng lại trong số báo đặc biệt với tiêu đề “Tiến vào Phủ tổng thống Ngụy”. Lúc đó, tôi đã lặng lẽ khóc, những giọt nước mắt hạnh phúc, tự hào”, nhà báo Mai Hạnh xúc động nhớ lại.
Bức ảnh biểu tượng về chiến thắng 30/4
Phóng viên TTXVN Trần Mai Hưởng có mặt kịp thời và chụp được khoảnh khắc lịch sử xe tăng quân giải phóng tiến vào Dinh Độc Lập, trưa 30/4/1975
Cùng thời điểm nhà báo Trần Mai Hạnh tiến vào Dinh Độc Lập thì tại một mũi tiến công khác, người em trai - nhà báo Trần Mai Hưởng cũng tiến vào nơi này.
Trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử giải phóng Sài Gòn, ông Hưởng hành quân theo đội hình của mũi đột kích thọc sâu, gồm Lữ đoàn Xe tăng 203 và Trung đoàn Bộ binh 66.
Ông Hưởng kể, rạng sáng 30/4/1975, mũi đột kích tiến thẳng vào trung tâm Sài Gòn. Mũi tiến công có nhà báo Mai Hưởng đi cùng qua cầu xa lộ lớn trên sông Đồng Nai từ sớm.
“Khi tới Dinh Độc Lập thì một số xe tăng của quân ta đã có mặt, hội quân tại đây. Tôi và nhà nhiếp ảnh Vũ Tạo nhảy ra khỏi xe thì thấy một chiếc xe tăng trong đội hình thọc sâu tiến qua cổng chính của dinh”, ông Hưởng hồi tưởng.
Trong ký ức của ông vẫn còn in đọng hình ảnh lúc ấy, nắng trưa rực rỡ, xe tăng vừa vào ngang cổng, cánh cửa sắt đổ sập trên mặt đất, lá cờ giải phóng trên tháp pháo tung bay.
Ngày 30/4, tại Dinh Độc Lập không chỉ là ngày hội quân của các đơn vị giải phóng mà còn tập trung rất đông phóng viên TTXVN, Thông tấn xã Giải phóng. Các phóng viên đã ghi lại những hình ảnh chân thực nhất về ngày vui thống nhất non sông.
Như các phóng viên khác, ngay sau khi chụp bức ảnh về chiếc xe tăng 846 tiến vào Dinh Độc Lập, nhà báo Trần Mai Hưởng đã gửi bức ảnh về TTXVN.
Bức ảnh “Xe tăng quân Giải phóng tiến vào Dinh Độc Lập trưa 30/4/1975” do ông chụp sau đó được TTXVN phát đi, hàng chục tờ báo, hãng thông tấn nước ngoài sử dụng lại, trở thành bức ảnh mang tính biểu tượng của chiến thắng 30/4.
Nhà báo Trần Mai Hưởng sinh năm 1951, gắn bó với TTXVN và sau đó trở thành Phó tổng giám đốc từ năm 2005, Tổng giám đốc vào năm 2009. Ông nghỉ hưu năm 2012.
Nhà báo Trần Mai Hạnh sinh năm 1943. Sau cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ông tiếp tục công việc tại TTXVN, đến năm 1996 là Tổng giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam.
Ông là Ủy viên Trung ương Đảng khóa VIII và IX, đại biểu Quốc hội khóa X. Đến kỳ vận động bầu cử khóa XI vào năm 2002, Trần Mai Hạnh tiếp tục ứng cử. Tuy nhiên, do dính vào vụ án Năm Cam nên hội đồng bầu cử đã xóa tên ông khỏi danh sách ứng viên.
Trần Mai Hạnh bị buộc tội nhận hối lộ và làm lộ bí mật để chạy tội cho Năm Cam. Ông bị tước tất cả chức vụ. Trong phiên phúc thẩm vụ án, ông bị tuyên án 9 năm tù. Tuy nhiên sau 2 năm, đến ngày 2/9/2005, ông được đặc xá.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận