Văn hóa - Giải Trí

Hai bộ phim thương nhớ nghệ thuật cải lương

19/07/2018, 07:16

"Gạo chợ nước sông" lấy bối cảnh hoàng kim của cải lương Việt Nam, xoay quanh cô đào làm nghề hát cải lương.

23

Poster phim “Gạo chợ nước sông”

Hai bộ phim điện ảnh Gạo chợ nước sôngSong Lang với hai đạo diễn khác nhau, thời điểm bấm máy cũng như phát hành phim không trùng nhau. Tuy nhiên, các phim này có điểm chung là đều nói về nghệ thuật cải lương đang mai một suốt nhiều thập niên qua.

Sống dậy thời hoàng kim

Gạo chợ nước sông là một bộ phim lấy bối cảnh những năm 1970, thời kỳ hoàng kim của cải lương Việt Nam, xoay quanh một cô đào làm nghề hát cải lương. Bộ phim được phóng tác từ tác phẩm Cuối mùa nhan sắc của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư. Đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh tâm sự, anh nhận thấy văn hóa truyền thống của Việt Nam rất hay và đẹp, nhưng thời buổi hiện nay, nhà làm phim thương mại lại thường chỉ tập trung vào các đề tài yêu đương, ngôn tình, tuổi trẻ,… hiếm có bộ phim nào mang tới những góc nhìn về văn hóa truyền thống của Việt Nam. Do đó, anh muốn “đi ngược” lại xu hướng, cũng như muốn tìm cách lưu giữ, cài cắm những thông điệp và nét đẹp văn hóa trong phim của mình.

Dàn diễn viên phụ trong phim là những cái tên “có số má” làng nghệ thuật như: Hồng Vân, Hữu Châu, Huy Khánh, Vân Trang. Đạo diễn phim vẫn đang tuyển diễn viên chính. Quan điểm của Huỳnh Tuấn Anh là tìm cho được diễn viên có kiến thức và tình yêu với cải lương. Bởi anh nghĩ: “Dở có thể biến thành giỏi, nhưng yếu tố con người và tấm lòng không giả tạo được. Nếu có lòng và tình yêu thực sự thì từ trong cách diễn, thoại hay bất cứ điều gì đều tỏa ra năng lượng của cải lương”.

Với dự kiến ra mắt phim Gạo chợ nước sông tháng 3/2019, trước nửa năm, ngày 17/8 tới, phim Song Lang của đạo diễn Leon Quang Lê sẽ phát hành. Bộ phim với tuyến nhân vật chính làm nghề hát cải lương của những năm 80. Leon khẳng định, nghệ thuật cải lương là nhịp cầu nối giữa các tuyến nhân vật chính, cũng là góc ẩn dụ để phim kể cuộc đời cũng như sân khấu nghệ thuật này. Trái với Gạo chợ nước sông kể về thân phận của một cô đào cải lương, Song Lang lại xoay quanh cuộc sống của hai kép nam Linh Phụng (Issac đóng) và Dũng “Thiên Lôi” (Liên Bỉnh Phát đóng). Các diễn viên đã trải qua 2 tháng học hát, vũ đạo, đàn kìm và tự đảm nhận các phần ca xướng trong phim mà không có người thế.

Cảm hứng để bắt tay vào làm Song Lang, Leon thú nhận do thất vọng các vở cải lương hiện đại. Khi anh thấy đàn keyboard xuất hiện trong giàn tân nhạc hùng hồn của một đoàn cải lương xưa. Các vở diễn có cảnh trí là màn hình LED, được chăm chút về phục trang, đầu tóc một cách loè loẹt, không phù hợp về mặt mỹ thuật tổng thể vở diễn. Trong khi phần ca, diễn, dàn dựng lại không có sự đầu tư đúng mức. Vì thế, anh quyết định đưa lên màn ảnh nghệ thuật cải lương thời điểm đẹp nhất mà anh được chứng kiến.

Gian nan tái hiện bối cảnh

Leon Quang Lê chăm chút hết mức trong Song Lang, các phân đoạn cải lương trong phim đều được anh và soạn giả Hoàng Song Việt viết mới hoàn toàn, để tránh bị trùng lắp và so sánh với những nghệ sĩ gạo cội từng biểu diễn các vai diễn đó. Phần tân nhạc và cổ nhạc cũng được đầu tư và hòa âm với đủ các nhạc cụ của một đoàn hát những năm 80. Theo soạn giả Hoàng Song Việt, ông từng sống ở thời điểm này nên quyết định nhận lời làm phần nhạc. “Tôi muốn khán giả hiểu đúng về cải lương khi có một loại hình khác làm về cải lương”, ông chia sẻ.

Bối cảnh bài trí sân khấu cũng như trang phục được đạo diễn tìm hiểu kỹ lưỡng làm sao cho đúng nhất với bối cảnh Việt Nam cách đây 30 năm. “Chỉ riêng phần hóa trang, từ độ dày của bộ lông nheo giả, độ đỏ của son môi, cách vẽ nhân trung, cằm chẻ đều được theo dõi kỹ để tái hiện đúng nhất về cải lương của 30 năm về trước”, đạo diễn Leon mô tả.

Không chỉ Leon Quang Lê, để phục hiện được không khí cải lương thập niên 70, đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh cũng nghiên cứu từng bài báo, video, nguồn tư liệu về hình ảnh, gặp những nghệ sĩ cải lương từng đi qua thời đó để tìm hiểu. Anh còn cất công tìm bằng được một nghệ nhân từng làm phục trang cho đoàn cải lương Thanh Nga thời xưa để tìm hiểu về mẫu mã, chất liệu trang phục. “Làm phim có yếu tố lịch sử thì phải đảm bảo 3 yếu tố: Đúng, trúng và đủ. Đã làm về cải lương thời nào thì phải hiểu cải lương thời đó hát tuồng gì, ăn mặc, trang điểm như thế nào. Cách hát, hòa thanh của đờn, nhịp, phách, tốc độ, thể loại ra sao”, anh nói và nhấn mạnh: “Phim dựa trên chất liệu cải lương chứ không phải làm phim tài liệu nên dung lượng của cải lương trong phim phải được dùng đúng chỗ. Đó là cái khó!”.

Kinh phí vẫn là vấn đề muôn thuở với mọi bộ phim và phim có yếu tố nghệ thuật truyền thống càng khó khăn hơn. Bởi riêng việc dựng lại bối cảnh đã khiến kinh phí của phim đội lên cao hơn các thể loại phim tâm lý xã hội, hài. Đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh đã phải đi “gõ cửa” nhiều nhà đầu tư xin tài trợ cho Gạo chợ nước sông nhưng bất thành, vì đề tài phim kén khách. Song Lang cũng trong tình trạng tương tự. Tuy nhiên, điều đó không làm “lửa yêu” cải lương của các đạo diễn bị tắt. “Quan trọng là phải vững tinh thần để linh động, xoay xở với những thay đổi bất ngờ trong một môi trường làm phim còn quá mới như ở Việt Nam không tránh khỏi”, đạo diễn Leon Quang Lê khẳng định.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.