Trọng tài Phùng Đình Dũng bị cầu thủ Sanna Khánh Hòa phản ứng vì từ chối bàn thắng hợp lệ |
V-League 2016 đã khép lại với cái kết đầy kịch tính khi Hà Nội T&T chỉ vô địch nhờ chỉ số phụ ở vòng cuối cùng. Tuy nhiên, cuộc đua vô địch được đẩy lên cao trào chưa đủ để khỏa lấp những tồn tại ở giải đấu cao nhất bóng đá Việt Nam.
“Căn bệnh nan y”
Trả lời Báo Giao thông, ông Cao Văn Chóng, Tổng giám đốc VPF (Công ty CP Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam) cho rằng, V-League 2016 kết thúc thành công và tạo được diện mạo mới về mọi mặt, kể cả chuyên môn. V-League 2016 đã phải đợi tới vòng đấu cuối cùng mới có thể xác định đội nâng cúp và mùa giải năm nay cũng được đánh giá kịch tính bậc nhất lịch sử bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, chừng đó chưa đủ che lấp những tồn tại ở giải đấu này.
Tồn tại đầu tiên chắc chắn nằm ở khâu trọng tài. Thật khó đếm xuể có bao nhiêu quyết định thiếu chính xác từ các vị “vua áo đen” nhưng gần như mỗi vòng đấu đều có những xì xèo liên quan tới trọng tài, đặc biệt là giai đoạn cuối lượt đi, nửa đầu lượt về. Nổi cộm nhất phải kể đến quả penalty tưởng tượng của trọng tài Trần Anh Chiến trong trận FLC Thanh Hóa gặp SLNA (vòng 9) và vụ trọng tài FIFA Phùng Đình Dũng “tự nghĩ” ra luật, không công nhận bàn thắng của Sanna Khánh Hòa trong trận gặp QNK Quảng Nam (vòng 18). Mãi tới giai đoạn nước rút, khi ông Nguyễn Văn Mùi, Trưởng Ban Trọng tài được phục chức và trọng tài ngoại được sử dụng, sự cố trọng tài mới tạm lắng xuống.
Ngoài công tác trọng tài, việc bầu Hiển trực tiếp hoặc gián tiếp liên quan tới 4 đội bóng (Hà Nội T&T, SHB Đà Nẵng, QNK Quảng Nam và Sài Gòn FC) tại V-League 2016 khiến dư luận không đồng tình. Cũng chính vì vậy, chức vô địch của Hà Nội T&T bị coi là một kịch bản sắp đặt. Dù nghi ngờ trên thiếu cơ sở, mang tính võ đoán nhưng việc bầu Hiển bằng cách này hay cách khác nhúng tay vào 4 đội bóng cho thấy sự yếu kém của các cơ quan quản lý. Đồng thời, nó làm giảm giá trị chức vô địch Hà Nội T&T vừa giành được.
Đâu là giải pháp?
Trao đổi với Báo Giao thông, cựu trọng tài Dương Mạnh Hùng khẳng định, việc công tác trọng tài những vòng cuối không xảy ra sự cố chưa hẳn đáng mừng. “Chúng ta mời trọng tài Thái Lan, Indonesia hay Malaysia sang làm việc và các trận đấu diễn ra an toàn. Trình độ họ không hơn gì trọng tài trong nước nhưng họ lại làm tốt, theo tôi đó là cái nhục. Lâu nay, trọng tài Việt Nam làm việc không đơn thuần là làm chuyên môn và những ai đi ngược lại sẽ không tồn tại”.
Về giải pháp cải tổ công tác trọng tài, ông Dương Mạnh Hùng cho rằng, cần sự vào cuộc đồng bộ của VFF, VPF nhưng quan trọng nhất vẫn là các đội bóng. “Tại sao ông Mùi (Nguyễn Văn Mùi, Trưởng Ban Trọng tài - PV) bị cách chức rồi Hội nghị BCH VFF lại bỏ phiếu tín nhiệm. Mà thành viên BCH VFF đều là đại diện các đội bóng. Thường ngày, đội bóng kêu trời về trọng tài nhưng lúc cần lên tiếng thì lại không lên tiếng. Nếu tất cả các đội bóng đồng thuận, tin rằng VFF, VPF sẽ phải điều chỉnh nghiêm túc công tác trọng tài. Bằng không, cứ để như hiện tại tôi cam đoan mùa sau V-League vẫn nhức nhối với trọng tài”.
Trong khi đó, đánh giá về thực trạng một ông chủ bốn đội bóng ở V-League, nhà báo Nguyễn Nguyên, Thư ký tòa soạn Báo Pháp luật TP HCM nói: “Lỗi ở đây không hẳn do bầu Hiển. Ông ấy có tiền, ông ấy làm thôi. Lỗi cũng chẳng hoàn toàn thuộc về VFF bởi họ áp dụng đúng quy chế chuyên nghiệp Việt Nam. Chỉ có điều, việc một ông bầu bốn đội bóng làm cho cuộc chơi không đẹp”.
“Biện pháp giải quyết không phải không có nhưng để làm được lại rất khó và cần sự quyết tâm cao của nhiều cơ quan chức năng. Sở dĩ, bóng đá Việt Nam rơi vào trình trạng trên là do chúng ta đốt cháy giai đoạn, từ bóng đá bao cấp lên thẳng bóng đá chuyên nghiệp nên có nhiều lỗ hổng trong công tác quản lý. Muốn điều chỉnh chúng ta buộc phải làm lại từ gốc, tức là xây dựng lại từ đầu tất cả quy chế, hành lang pháp lý để làm sao cuộc chơi trở nên công bằng, tạo cảm hứng cho cả nền bóng đá phát triển”, nhà báo Nguyễn Nguyên chia sẻ thêm.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận