Ngày 23/4, nguồn tin của PV Báo Giao thông cho biết, ông Lưu Văn Bản, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Hải Dương vừa chủ trì cuộc họp UBND tỉnh về nhiều nội dung trong các lĩnh vực giao thông, tài nguyên - môi trường và đầu tư công trên địa bàn tỉnh này.
Tại cuộc họp, lãnh đạo UBND tỉnh Hải Dương cũng cho ý kiến về đề nghị của Công ty TNHH một thành viên Đại Sơn (TP Hải Dương) xin hiến tặng toàn bộ tài sản là các công trình xây dựng vi phạm trên diện tích đất của Bệnh viện Y học cổ truyền cho nhà nước.
Theo đó, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lưu Văn Bản khẳng định, tỉnh sẽ tiếp nhận công trình này để tránh gây lãng phí, thất thoát tiền của của nhà nước, nhà đầu tư và nhân dân.
Ông Bản cũng đề nghị Sở Tài chính làm thủ tục tiếp nhận tài sản, đồng thời phối hợp với Sở Y tế, UBND TP Hải Dương căn cứ trên nhu cầu, nguyện vọng của Bệnh viện Y học cổ truyền đề xuất phương án tái sử dụng phục vụ hoạt động chuyên khoa và chăm sóc sức khỏe nhân dân của bệnh viện.
Ngoài ra, bệnh viện cần lên phương án sử dụng tài sản vào mục đích cụ thể, nếu cần bổ sung quy hoạch sử dụng đất phù hợp với quy hoạch của bệnh viện…
Trước đó, Báo Giao thông đã có nhiều bài viết liên quan đến việc Công ty TNHH một thành viên Đại Sơn đã có hoạt động xây dựng cụm công trình trên diện tích đất thuê của Bệnh viện Y học cổ truyền (phường Hải Tân, TP Hải Dương) với diện tích hàng nghìn m2.
Cụ thể, Bệnh viện Y học cổ truyền Hải Dương được Nhà nước giao không thu tiền sử dụng đất từ năm 1968, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất năm 2001 là 24.409,4m2. Quá trình sử dụng bị Nhà nước thu hồi một phần làm đường Thanh Niên, đường Yết Kiêu nên diện tích còn lại là 16.161m2 (trong đó có khoảng 4.000m2 ao trồng sen).
Cuối năm 2011, đầu năm 2012, bệnh viện này có hồ sơ đề nghị UBND tỉnh Hải Dương cho phép xây dựng, bổ sung một số hạng mục công trình nhằm phục vụ tốt hơn nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân. Đề nghị này được UBND tỉnh đồng ý với yêu cầu sử dụng đất đúng mục đích, nếu có dùng nguồn vốn liên doanh liên kết thì thời gian thực hiện không quá năm 2020.
Tuy nhiên, trên thực tế hàng nghìn mét vuông đất được UBND tỉnh giao, thì Bệnh viện Y học cổ truyền Hải Dương đã cắt, giao cho nhiều tổ chức, cá nhân thuê, không liên quan đến lĩnh vực y tế, xây nhiều công trình vi phạm trái quy định của nhà nước về quản lý đất đai. Các vi phạm này đã được Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tỉnh Hải Dương chỉ ra trong kết luận thanh tra từ năm 2016.
Khi các sai phạm đã được chỉ rõ, thì việc khắc phục vi phạm rất chậm. Tháng 3/2023, sau khi Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh Hải Dương và các sở, ngành liên quan vào cuộc xác minh và có những chỉ đạo cụ thể, đến ngày 31/8/2023, Bệnh viện Y học Cổ truyền Hải Dương đã chấm dứt hợp đồng với 9 cá nhân, doanh nghiệp thuê tại vị trí giáp vỉa hè đường Thanh Niên. Các đơn vị này đã chấp hành đã tháo dỡ các ki ốt, xây dựng lại tường bao của bệnh viện.
Ngày 31/8/2023, UBND TP Hải Dương đã ban hành quyết định về việc buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả đối với Công ty TNHH MTV Đại Sơn.Trong đó, yêu cầu công ty này tự phá dỡ toàn bộ các công trình vi phạm; thời hạn thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả là 15 ngày, kể từ ngày 1/9/2023. Nếu Công ty không tự tháo dỡ, từ ngày 11-20/10/2023, UBND TP Hải Dương sẽ tổ chức cưỡng chế phá dỡ các công trình vi phạm.
Tháng 12/2023, trước sự chây ì của Công ty TNHH MTV Đại Sơn, UBND TP Hải Dương đã ban hành lệnh cưỡng chế các công trình vi phạm đối với đơn vị này. Tuy nhiên, Công ty TNHH MTV Đại Sơn lại tiếp tục xin gia hạn để tự nguyện tháo dỡ đến ngày 29/2/2024.
Sau nhiều lần trễ hẹn, không tự nguyện tháo dỡ cụm công trình vi phạm xây dựng kéo dài 10 năm trên đất của Bệnh viện Y học cổ truyền Hải Dương, tháng 3/2024, Công ty TNHH MTV Đại Sơn lại bất ngờ có đơn gửi Tỉnh ủy Hải Dương xin được hiến tặng công trình vi phạm cho bệnh viện quản lý, sử dụng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận