Tiếp cận thực phẩm sạch vẫn là bài toán khó. Ảnh: Tạ Tôn |
Với thực trạng sử dụng thuốc trừ sâu, kháng sinh tràn lan trong chăn nuôi hiện nay, việc kiểm soát nguồn gốc thực phẩm được cho là điều không tưởng.
Cái chết đang rình rập trên từng mâm cơm
Tại diễn đàn kết nối Doanh nghiệp với người tiêu dùng “Đón sóng thực phẩm sạch” ngày 23/8, TS., Thầy thuốc ưu tú Hoàng Đình Chân, Giám đốc Bệnh viện Ung bướu Hưng Việt nêu thông tin: Tỷ lệ người mắc ung thư do sử dụng thực phẩm bẩn chiếm khoảng 35%, kế đến là hút thuốc lá 30%, yếu tố di truyền chỉ chiếm 5-10%. Trong các trường hợp ung thư chỉ 30% do kém may mắn, còn lại 70% có thể phòng được từ việc lựa chọn môi trường sống lành mạnh, nguồn thực phẩm tốt. “Theo thống kê của cơ quan chức năng, hơn 2.000/11.000 cơ sở sản xuất và buôn bán thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) kém chất lượng và 2.500/10.000 cơ sở vi phạm quy trình chuẩn sử dụng thuốc BVTV. Điều này cho thấy, cái chết rình rập trên từng mâm cơm gia đình, thậm chí ngay trong từng bữa ăn của trẻ nhỏ”, ông Chân nhận định.
Cùng quan điểm, GS. Nguyễn Lân Dũng cho hay: “Việc nhắm mắt làm ngơ trồng rau ao tù ô nhiễm, hay tưới dầu nhớt để loại bỏ bọ rầy trên rau… hoặc dùng chất tạo nạc, vàng ô trong thức ăn vật nuôi, ngâm tẩm rồi đưa các sản phẩm này đến người tiêu dùng thì bệnh tật là điều không tránh khỏi”.
Dù sự sợ hãi thực phẩm bẩn đã lên đến đỉnh điểm nhưng việc tiếp cận thực phẩm sạch của người tiêu dùng lại gặp nhiều rào cản. Điển hình tại Hà Nội, nơi có tới 10 triệu dân, mỗi ngày tiêu thụ khoảng 1.600 tấn thịt, cá, 3.200 tấn rau mỗi loại nhưng trong danh sách địa chỉ nông sản an toàn được kiểm soát ATTP mà Bộ NN&PTNT công bố gần đây thì chỉ có 7 điểm. Từ thực trạng này, GS. Dũng nhận định: “Với con số mỗi năm Việt Nam nhập về 4.100 loại thuốc trừ sâu với 1.000 tấn thuốc thì việc kiểm soát nguồn thực phẩm an toàn, không chứa tồn dư thuốc trừ sâu là điều không tưởng”.
Rối bời sản xuất và tiêu thụ thực phẩm sạch
Tại diễn đàn, đại diện thương hiệu hải sản, thực phẩm sạch Sói Biển chia sẻ: “Các sản phẩm hữu cơ được cho là thực phẩm sạch, nhưng vẫn bị đánh đồng với các loại thực phẩm khác bởi chưa có tiêu chuẩn đánh giá cũng như chưa có cơ quan chuyên trách nào cấp giấy chứng nhận. Điều này khiến con đường cung cấp nguồn thực phẩm sạch đến người tiêu dùng thêm gian nan”. Mặt khác, vị đại diện này cũng cho hay: “Chưa kể đến việc cùng một lúc có quá nhiều cơ quan chức năng chồng chéo trong kiểm tra, giám sát khiến hoạt động của các cơ sở cung cấp thực phẩm sạch như chúng tôi gặp nhiều phiền phức”.
Ông Lê Tư, Công ty Hồng Thanh Việt (Vũng Tàu) kể lại sự ngỡ ngàng khi công ty ông tìm nguồn nhập hàng thực phẩm “sạch” thì nhận được câu trả lời từ phía người cung cấp: “Anh cần chứng nhận VietGap thì tôi lo cho”!?. “Cần có sự minh bạch từ cơ quan quản lý tới người sản xuất thì mới không có chuyện “lo chứng nhận VietGap”, ông Tư nhấn mạnh.
Trước thực trạng này, ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại (nay là Bộ Công thương) nhận định: “Nếu chúng ta tiếp tục sản xuất thực phẩm mất an toàn như hiện nay, nông nghiệp chúng ta sẽ lâm nguy. TPP có hiệu lực, nông sản sạch nước ngoài tràn vào với giá hợp lý. Khi đó người tiêu dùng Việt sẽ lựa chọn thực phẩm sạch có nguồn gốc từ nước ngoài hay thực phẩm Việt không rõ nguồn gốc và thiếu an toàn? Đó là câu hỏi rất dễ trả lời”.
Bà Thái Hương, Chủ tịch Tập đoàn TH khẳng định: “Để có thực phẩm sạch trước hết cần thay đổi tư duy. Tôi tin rằng làm ra các sản phẩm sạch là con đường duy nhất đúng. Bởi, những sản phẩm này không chỉ tốt cho con người mà còn tốt cho cả môi trường xung quanh”.
Trước những “phàn nàn” trên, ông Nguyễn Như Cường, Cục phó Cục Trồng trọt, Bộ NN&PTNT cho biết, cơ quan này sẽ sớm có đề xuất với Chính phủ nghiên cứu, đưa ra chính sách phù hợp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm sạch phát triển.
Nghệ An: gần 30% quán ăn vi phạm về ATTP Tại đợt kiểm tra ATTP trong dịp hè năm 2016 trên địa bàn tỉnh Nghệ An, đoàn kiểm tra của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Nghệ An đã kiểm tra 22 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống; Tiến hành xử phạt 7 cơ sở với tổng số tiền phạt 10,2 triệu đồng. Theo đó, các lỗi vi phạm chủ yếu gồm: Giấy khám sức khỏe định kỳ cho chủ cơ sở, nhân viên trực tiếp tham gia sản xuất, kinh doanh thực phẩm đã quá hạn, không cập nhật kiến thức ATTP cho chủ cơ sở và nhân viên trực tiếp tham gia sản xuất, kinh doanh thực phẩm, không có thiết bị phòng, chống côn trùng, động vật gây hại... Đoàn cũng đã thực hiện test nhanh 141 mẫu dụng cụ chứa, đựng thức ăn, ba mẫu dầu ăn. Kết quả có 95 mẫu đạt, chiếm tỷ lệ 65,97%. Hoàng Ngân |
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận