Dân lập barie thu tiền xe né trạm BOT |
Dựng barie thu phí
Hơn một năm qua, để né trạm thu phí số 2 trên QL5, nhiều phương tiện đã ồ ạt đi vào đường làng thuộc địa bàn xã Lê Thiện, huyện An Dương, TP Hải Phòng dẫn đến tình trạng đường làng ngày càng xuống cấp nghiêm trọng, gây mất ATGT, gây ảnh hưởng đến cuộc sống người dân.
Lộ trình của các phương tiện “né” trạm thu giá QL5, nếu đi chiều Hải Phòng - Hà Nội thì trước khi đến trạm, lái xe sẽ rẽ trái vào đường thôn Dụ Nghĩa, xã Lê Thiện cách trạm 200m. Đi theo con đường này tầm 2,5km đến thôn Cữ, xã Lê Thiện rẽ phải tầm 1,7km qua trụ sở UBND xã Lê Thiện ra QL5 (điểm này cách trạm BOT số 2 khoảng 3km hướng đi Hà Nội). Nếu đi chiều Hà Nội - Hải Phòng thì theo lộ trình ngược lại. Và trên đoạn đường né trạm, các phương tiện đều phải đi qua một chốt barie thu phí do dân tự lập ra.
Theo Điều 13, Thông tư 49/2016 của Bộ GTVT quy định về xây dựng, tổ chức và hoạt động của trạm thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ, Sở GTVT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là cơ quan thực hiện chức năng quản lý nhà nước về tổ chức và hoạt động trạm thu giá trên hệ thống đường địa phương. Trong khi đó, Luật Phí và Lệ phí cũng quy định: Bộ Tài chính quy định mức thu đối với đường thuộc Trung ương quản lý; HĐND cấp tỉnh quyết định đối với đường thuộc địa phương quản lý. Như vậy, việc người dân tự ý dựng barie thu phí là sai và phải chấm dứt hoạt động này. |
Chốt này nằm giữa cánh đồng đoạn đường từ thôn Cữ đến trụ sở UBND xã Lê Thiện, được hai người dân trong thôn luân phiên canh giữ. Các phương tiện đi qua phải nộp 5.000-10.000 đồng/lượt.
Theo quan sát, ngày 1/3 có hàng nghìn lượt xe chạy qua đường làng này trong đó gồm nhiều phương tiện tải trọng khác nhau, từ xe con, xe bán tải đến những chiếc xe tải nhỏ, thậm chí có nhiều xe tải hơn 5 tấn. Được biết, việc người dân làm barie, lập chốt thu phí đã diễn ra hơn 6 tháng nay.
Hàng ngày, có 2 người dân thực hiện thu phí từ 6-18h. Số tiền thu được người dân dùng để tu sửa chính con đường đang bị xuống cấp nghiêm trọng do các phương tiện chạy qua, như để trả các chi phí: Phun nước chống bụi 10 triệu đồng gồm: 4 triệu đồng tiền công phun nước, 6 triệu đồng tiền nước; mua cát đá lấp những ổ, hố lớn trên mặt đường…
Ông Vũ Văn Chanh (61 tuổi), người thôn Cữ, xã Lê Thiện cho biết, cần có biện pháp để ngăn các phương tiện quá tải “né” trạm thu phí chạy vào phá đường, chứ thu phí để sửa đường chỉ là giải pháp tình thế. “Xe tải chạy nườm nượp vào đây, bụi bay mù mịt, đường sá hư hỏng, dân rất khổ và ra đường nơm nớp lo tai nạn”, ông Chanh nói.
Chính quyền chưa có cách giải quyết
Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Lê Anh Quân, Chủ tịch UBND huyện An Dương, TP Hải Phòng cho biết, huyện đã nắm được thông tin và chỉ đạo cơ quan chức năng xuống kiểm tra thực tế việc dân tự ý lập barie thu phí xe qua lại trên đường làng. Tháng 7/2017, UBND huyện An Dương đã chỉ đạo UBND xã Lê Thiện dỡ bỏ chốt barie và dừng việc thu phí các phương tiện trái quy định pháp luật. Còn thực tế hiện nay thế nào huyện sẽ kiểm tra và thông tin lại sự việc.
Khi được hỏi về việc UBND huyện An Dương có chỉ đạo dỡ bỏ chốt barie nhưng tới nay đã hơn 6 tháng tình trạng trên vẫn tiếp diễn, ông Phạm Văn Hải, Chủ tịch UBND xã Lê Thiện cho biết, sau khi nhận được chỉ đạo của UBND huyện An Dương, xã đã chỉ đạo và vận động bà con, người dân thôn Cữ dỡ bỏ chốt barie. “Nhưng sau đó 2 tháng, trước tình hình các xe trốn trạm thu phí đi vào cày phá khiến con đường xuống cấp nghiêm trọng nên người dân thôn Cữ lại dựng barie “vận động” các phương tiện trốn trạm thu phí qua đây “ủng hộ” từ 5 - 10 nghìn đồng/lượt để tu sửa con đường đang bị xuống cấp”, ông Hải giải thích.
“Phải chuyển trạm thu phí về điểm giáp ranh giữa Hải Phòng và Hải Dương, hoặc là phải miễn phí đối với các xe thuộc các xã: Lê Thiện, Đại Bản, An Hưng (thuộc huyện An Dương). Như vậy, địa phương mới có lý do cấm các xe tránh trạm thu phí đi vào đường làng”, ông Hải nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận