Dù lực lượng chức năng tỉnh Thanh Hóa và Ninh Bình cùng vào cuộc xử lý xe quá khổ, quá tải nhưng thực tế cho thấy, việc kiểm soát phương tiện tại cảng, mỏ vật liệu còn nhiều bất cập.
Nhiều vi phạm, khó xử lý
Ghi nhận tại các mỏ đá, mỏ đất, nhà máy trên địa bàn tỉnh Ninh Bình và Thanh Hóa, PV dễ dàng bắt gặp các xe ô tô tải chở hàng có dấu hiệu quá tải.
Tại khu vực khai thác đá ở xã Hoằng Sơn, huyện Nông Cống nhiều đơn vị cung ứng đá dăm, đá 1-2 đều chất đầy thùng các xe. Khi đã “ăn hàng” xong, các xe cũng không qua hệ thống cân tải trọng, vô tư lưu thông về nơi tiêu thụ.
Tương tự, trên tuyến đường vào Nhà máy Xi măng Hệ Dưỡng (ở huyện Hoa Lư, Ninh Bình) hay Xi măng Duyên Hà (TP Tam Điệp), các phương tiện cũng chở đầy ắp xi măng như trường hợp xe đầu kéo BKS 35N-7977 mà PV Báo Giao thông ghi nhận được. Điều đáng nói, thời gian qua có cả những trường hợp dùng xe “hết đát” chở hàng quá tải trọng.
Ông Nguyễn Ngọc Minh, Đội trưởng Đội TTGT số 1 (Thanh tra Sở GTVT Thanh Hóa) cho biết, hầu hết tại các nguồn hàng như mỏ đất, mỏ đá đều không có hệ thống cân tải trọng, sổ sách lưu trữ thiếu chính xác. Khi tiến hành kiểm tra thì phát hiện nhiều vi phạm.
Mới đây, TTGT Thanh Hóa kiểm tra tại các Công ty Đại Thủy, Trường Sơn, Thực Hằng có mỏ vật liệu xây dựng, nguồn hàng cung ứng thì phát hiện 6 phương tiện vào bốc xếp, dỡ hàng hóa quá tải trọng cho phép, phạt tiền trên 10 triệu đồng.
“Tại các mỏ vật liệu xây dựng, đơn vị cung ứng nguồn hàng đa phần cung cấp số lượng theo yêu cầu của khách hàng đến mua chứ không để ý tới xe đó quá tải trọng hay không.
Khi các phương tiện này lưu thông ra đường, nếu bị CSGT, TTGT phát hiện xử lý thì chủ phương tiện, lái xe đó chịu trách nhiệm chứ chủ mỏ sẽ tìm cách “chối bay” cho rằng xuất đủ hàng, ra ngoài họ lấy thêm ở đâu không biết. Còn TTGT đến kiểm tra thì các phương tiện lại không chạy, không lấy hàng”, ông Minh cho hay.
Còn ông Tạ Qúy Dương, Phó chánh Thanh tra Sở GTVT Ninh Bình thẳng thắn thừa nhận thực tế phương tiện vào lấy hàng tại các mỏ vật liệu xây dựng, cảng biển, nhà máy chở ra vượt quá tải trọng. Thế nhưng để xác định lỗi của chủ mỏ, đơn vị cung ứng thì rất khó.
“Đơn cử như ở các nhà máy xi măng, hóa đơn bán hàng chia làm 2 xe chở với số lượng đầy đủ nhưng khi ra khỏi cổng nhà máy, chủ xe lại xếp thành một, rõ ràng nhà máy không liên quan. Rồi ở các khu vực đê không có biển cấm tải trọng… nên cũng gặp không ít khó khăn trong quá trình kiểm tra, xử lý”, ông Dương nói.
Tập trung kiểm soát đầu nguồn hàng
Ông Trịnh Ngọc Minh, Chánh thanh tra Sở GTVT Thanh Hóa cho biết, theo Nghị định 158/2016 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Khoáng sản, từ ngày 1/7/2017 bắt buộc các tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản (trừ hộ kinh doanh) phải lắp đặt trạm cân tại vị trí đưa khoáng sản nguyên khai ra khỏi khu vực khái thác; lắp đặt camera giám sát tại kho chứa để lưu trữ thông tin nhưng thực tế nhiều đơn vị chưa đáp ứng được yêu cầu này.
Các mỏ vật liệu xây dựng không lắp cân và cũng không lắp camera, đến khi kiểm tra thì không có dữ liệu hoặc thiếu dữ liệu. Điều này gây khó khăn khi xử lý vi phạm tại nguồn hàng. Trong khi đó, khung tải trọng lắp đặt trên các tuyến đường ra vào mỏ thì lộ nhiều bất cập, hư hỏng, mất hiệu quả giám sát, xử lý.
“Chúng tôi luôn chỉ đạo các đội TTGT tăng cường xử lý vi phạm về tải trọng xe trên các tuyến đường; Thường xuyên có kế hoạch thanh, kiểm tra đột xuất tại các nguồn hàng. Nếu phát hiện sẽ xử lý theo quy định của pháp luật”, ông Minh cho hay.
Còn theo Ban ATGT tỉnh Ninh Bình, trong những tháng đầu năm 2020, Sở GTVT Ninh Bình đã chỉ đạo Trạm Kiểm tra tải trọng xe lưu động tiếp tục duy trì hoạt động theo quy định; chỉ đạo lực lượng TTGT tăng cường phối hợp với lực lượng chức năng của Công an tỉnh và các địa phương thường xuyên thực hiện công tác kiểm tra rà soát việc đảm bảo ATGT.
Trong 6 tháng đầu năm 2020, TTGT đã tiến hành xử phạt 125 trường hợp, phạt tiền 482,5 triệu đồng; Kiểm tra qua hệ thống cân xách tay với 189 xe, phát hiện 13 xe vi phạm, tước 1 GPLX, phạt tiền 55 triệu đồng; Trạm Kiểm tra tải trọng xe lưu động TC 013 kiểm tra 167 xe, phát hiện 9 xe vi phạm, tước 8 GPLX, phạt tiền 179,8 triệu đồng. Trong đó, có 11 trường hợp vi phạm về xếp dỡ hàng hóa lên xe với số tiền phạt trên 21 triệu đồng.
Sẽ đình chỉ hoặc thu hồi giấy phép khai thác khoáng sản
UBND tỉnh Thanh Hóa mới đây yêu cầu Công an tỉnh và các sở, ngành tăng cường công tác xử lý vi phạm về tải trọng xe. Trong đó, TTGT tập trung kiểm tra, kiểm soát tải trọng ngay tại chân hàng, đầu mối bốc xếp hàng hóa.
Sở TN&MT Thanh Hóa cũng đã có Văn bản số 4169 gửi các tổ chức, cá nhân được cấp phép hoạt động khoáng sản chấp hành nghiêm việc không xếp dỡ hàng hóa vượt quá tải trọng như đã cam kết.
Nếu vi phạm bị cơ quan chức năng phát hiện (có hồ sơ gửi về Sở TN&MT) thì Sở sẽ báo cáo UBND tỉnh đình chỉ hoặc thu hồi giấy phép khai thác khoáng sản.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận