TNGT trên đường đi lễ trăm ngày em rể
Ngày 23/5, PV Báo Giao thông tìm về gia đình anh Hoàng Nghĩa Vinh (SN 1969, trú ở xóm 8, xã Hưng Chính, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An). Dù sống cách TP Vinh chỉ khoảng 5km, nhưng căn nhà của gia đình anh Vinh cũ kỹ, tuềnh toàng đến khó tin, ngoài tấm phản gỗ được cho là có giá trị nhất, còn lại chỉ có vài đồ dùng gia dụng rẻ tiền.
Bên chiếc bàn thờ lập vội, bé Hoàng Thị Lê Na (SN 2004) ôm ông nội đã 87 tuổi nức nở, nghẹn ngào. Cạnh đó, cháu Hoàng Thị Tâm (SN 1997) ngồi im lặng nhìn mọi người với khuôn mặt ngây ngô, không hiểu chuyện tai ương đang ập đến với gia đình mình. Lấy ống tay áo lau dòng nước mắt lăn dài trên má, anh Hoàng Nghĩa Biển (anh con bác của anh Vinh) cho biết: Đó là bố đẻ và 2 con gái của anh Vinh. Nghe tin con mất, bà đã 84 tuổi, lại mang bệnh trong người nên nằm bẹp giường, còn ông gượng xuống với hai cháu nội.
Ngồi cạnh đó, chị Châu Thị Dần (chị dâu anh Vinh) nghẹn ngào kể: Sáng ngày 20/5, anh Vinh đi lễ trăm ngày của em rể ở ngoài xã Diễn Liên, huyện Diễn Châu. “Thắp cho em rể nén hương xong, chú ấy chạy vội cả trưa về để làm việc. Nào ngờ lúc chạy xe trên QL1, đến đoạn qua xóm 13, xã Diễn An, huyện Diễn Châu thì không may đâm vào đuôi chiếc xe tải đang đỗ sát mép đường dẫn đến tử vong. Số anh Vinh khổ, chưa thấy một ngày nào sung sướng đã ra đi, giờ để lại hai đứa trẻ bệnh tật, ngây dại thế này, lấy ai chăm sóc…”, chị Dần nấc lên.
“Học giỏi để còn nuôi chị”
Mọi tấm lòng hảo tâm ủng hộ hai chị em Na vượt qua khó khăn xin gửi về cho cô giáo: Hoàng Thị Thảo (cháu ruột anh Hoàng Nghĩa Vinh), số tài khoản: 3610215005834 Ngân hàng Agribank Hoặc gửi qua tài khoản Quỹ Chung tay vì ATGT của Báo Giao thông 102010001764880 tại Ngân hàng TMCP Công thương VN - Chi nhánh Hà Nội (nội dung gửi ủng hộ hai cháu Tâm - Na).
Theo lời chị Dần, anh Vinh là con thứ 3 trong gia đình có 5 anh chị em. Năm 1996, anh Vinh lấy chị Trần Thị Tuyết (SN 1971) là giáo viên trường THCS Nam Cát, Nam Đàn. Một năm sau, cháu Tâm chào đời nhưng vừa sinh ra đã mang bệnh não, tim bẩm sinh. Hai vợ chồng chạy khắp nơi chữa bệnh cho con, gia tài có gì bán sạch, nợ nần chồng chất. Hết tiền, nợ không vay thêm được nữa, anh chị đành phải đưa con về sống cảnh có lớn mà không có khôn. Đến năm 2004, anh chị có thêm cháu Na, tuy trí tuệ phát triển bình thường nhưng thể trạng lại rất yếu, thường xuyên ốm đau.
Đôi vợ chồng trẻ còn đang chật vật nuôi con và chữa bệnh thì năm 2011 chị Tuyết phát hiện bị bệnh ung thư vòm họng. Anh Vinh gửi con rồi vay mượn khắp nơi để đưa vợ đi Hà Nội chữa trị. Ba năm người vợ sống chung với căn bệnh quái ác cũng là 3 năm anh làm đủ mọi nghề, không biết mệt mỏi và tằn tiện từng đồng để vừa nuôi con vừa chăm vợ. Thế nhưng, số phận hẩm hiu dường như chưa chịu buông tha người đàn ông nghèo khổ. Năm 2014, chị Tuyết trút hơi thở cuối cùng, bỏ lại ba con thơ và người chồng nghèo cùng đống nợ chất chồng.
Chỉ tay vào một xưởng mộc tuềnh toàng với một vài tấm gỗ nhỏ còn xếp dở ngoài vườn, chị Dần cho hay, vợ mất, ngoài làm thợ mộc, anh Vinh bươn chải đủ mọi nghề khác để nuôi con nhỏ và trả nợ. Nhưng cảnh gà trống nuôi con gặp muôn vàn khó khăn và nhiều bất tiện. Nhất là với con gái đầu, từ ăn uống đến vệ sinh đều phải nhờ người khác giúp. Vì thế, đến cuối năm 2018, anh Vinh quyết định đi bước nữa với chị Nguyễn Thị Thương (SN 1987).
Những tưởng người vợ trẻ sẽ đỡ đần anh trong việc chăm sóc con cái. Nhưng chị Thương vốn dĩ không nhanh nhẹn, lại thêm bệnh tật thường xuyên, hai tháng nay, chị lại thai nghén nên càng yếu, đến mức việc ăn uống cũng phải nhờ chồng, nhờ con giúp đỡ. Mấy hôm nay, gia đình phải đưa chị Thương về bên ngoại nhờ chăm sóc.
Gia cảnh anh em nhà anh Vinh cũng đều khó khăn. Anh Biển đang bệnh hen và còn phải nuôi bố mẹ già trên 80 tuổi. “Gia đình đang tính bàn bạc, nhờ chính quyền địa phương giúp đỡ gửi cháu Tâm vào trung tâm bảo trợ xã hội. Còn cháu Na thì anh em thay nhau chăm sóc, có rau ăn rau, có cháo ăn cháo. Mục tiêu là để cháu học hết lớp 12 rồi mới tính tiếp…”, chị Dần buồn rầu nói.
Nghe bác gái nói vậy, Na cúi mặt im lặng, nước mắt giàn giụa. Có lẽ em hiểu mình không còn sự lựa chọn nào khác. Khi chúng tôi hỏi việc học, Na khẽ nói: “Cháu phải học thật giỏi. Cháu mơ ước được làm kiến trúc sư hoặc kỹ sư tự động hóa, để còn nuôi được chị”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận