Mục đích là nhằm xoa dịu cuộc khủng hoảng năng lượng do tác động từ cuộc chiến của Nga tại Ukraine khi cuộc khủng hoảng xung quanh chiến sự Nga-Ukraine đang đẩy nỗi lo gián đoạn nguồn cung khí tự nhiên hóa lỏng tại châu Âu tăng cao vì Nga là nhà cung cấp khí đốt lớn nhất của khu vực này.
Trước đó, ngày 27/4, nhà sản xuất khí đốt Gazprom của Nga thông báo ngừng cung cấp khí đốt cho Ba Lan và Bulgaria sau khi hai nước này từ chối thanh toán các lô hàng khí đốt bằng đồng ruble.
Một tàu chở khí tự nhiên hóa lỏng được đóng tại Hàn Quốc
Trước tình hình này, hãng thông tấn Yonhap dẫn lời một quan chức Bộ Công nghiệp Hàn Quốc cho biết, nước này đã quyết định chuyển một số lô hàng khí LNG sang châu Âu vì Seoul đã đảm bảo được nguồn cung khí đốt cần thiết cho mùa Xuân.
Quan chức trên từ chối cung cấp thông tin chi tiết về thời gian và số lượng cụ thể khí đốt Hàn Quốc sẽ cung cấp.
Tuy nhiên, dự kiến, khí đốt sẽ được chuyển tới châu Âu trước mùa Hè dù số lượng sẽ không nhiều do Hàn Quốc thường quản lý nguồn cung khí đốt rất chặt chẽ.
Theo một quan chức Hàn Quốc khác, quyết định trên dường như được đưa ra theo yêu cầu từ Mỹ hoặc các quốc gia châu Âu.
Trước đó, báo giới đã đưa tin, hồi tháng 2, Mỹ đã yêu cầu Hàn Quốc hỗ trợ khí đốt cho châu Âu, nhưng khi đó chính quyền Seoul đã từ chối yêu cầu của Washington.
Giá nhập khẩu khí đốt tự nhiên đối với Hàn Quốc đang ở mức 1013,35 USD/tấn tính đến cuối tháng 3, tăng 20,08% so với cùng kỳ năm ngoái.
Còn tại châu Âu, vì động thái cắt khí đốt từ Nga tới Ba Lan và Bulgaria, giá khí đốt tại châu lục lập tức tăng vọt. Theo interfax, giá khí đốt hợp đồng tương lai giao tháng 5/2022 tại châu Âu khi mở cửa phiên giao dịch ngày 27/4 trên sàn ICE Futures đã tăng chóng mặt, vượt mốc 1.300 USD/1000 mét khối, tăng 25% so với mức giá đóng cửa 1.089 USD ngày 26/4.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận