Tự sản xuất tàu cao tốc tới 320km/h
Những ngày cuối tháng 3, đầu tháng 4, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol liên tiếp dự sự kiện ra mắt các tuyến đường sắt cao tốc cùng tàu mới.
Gần nhất, lãnh đạo Nhà Xanh đã dự lễ khai trương tàu cao tốc mới do chính nước này sản xuất, có tốc độ nhanh hơn, giúp rút ngắn thời gian đi lại và hướng đến tham vọng đi khắp đất nước chỉ trong hai giờ.
Tàu cao tốc mới mang tên Cheongnyong (mang ý nghĩa "rồng xanh") khi đi vào hoạt động, sẽ là tàu chạy nhanh nhất tại Hàn Quốc với tốc độ tối đa lên tới 320km/h. Tàu được trang bị công nghệ kiểm soát tốc độ tốt nhất, tối ưu hóa với đặc tính hạ tầng đường sắt thường có quãng ngắn, nhiều điểm dừng và khúc cua.
Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol (giữa) trò chuyện cùng người dân khi ông đi thử tàu GTX đoạn mở rộng của tuyến A.
Đáng chú ý, mẫu tàu mới được sản xuất 100% thiết kế, kỹ thuật của Hàn Quốc, trong đó 87% phụ tùng tàu có nguồn gốc nội địa. Dự kiến từ tháng 5 tới, Hàn Quốc sẽ đưa tàu Cheongnyong vào hoạt động trên các tuyến Gyeongbu và Honam, đồng thời mở rộng các chuyến tàu cao tốc giúp rút ngắn thời gian di chuyển tới 30 phút.
Tại buổi lễ ra mắt, Tổng thống Hàn Quốc hé lộ tham vọng sẽ mở rộng hệ thống tàu cao tốc trên toàn quốc. "Nhờ đường sắt tốc độ cao, chúng tôi sẽ mở ra thời đại mà ở đó, người dân sống ở đâu cũng hưởng đầy đủ tiện nghi", ông Yoon nói.
Đi làm, đi học trong 30 phút
Nếu như dự án trên đánh dấu chiến lược xây dựng đường sắt cao tốc cho phép người dân đi khắp đất nước chỉ trong vòng hai giờ thì một dự án khác lại là sự khởi đầu cho chiến lược dùng tàu cao tốc "đi làm, đi học trong 30 phút".
Đó là sự kiện khai trương đoạn đầu tiên thuộc tuyến đường sắt ngầm cao tốc Great Train eXpress (GTX) kết nối nhà ga Suseo ở thủ đô Seoul với thành phố vệ tinh Dongtan, giúp cắt giảm thời gian từ 80 phút đi xe buýt xuống chỉ còn 19 phút.
Đoạn này đi vào hoạt động từ ngày 30/3, trong đó, tàu có thể di chuyển với tốc độ 180km/h. Đây chỉ là bước đầu của đại dự án GTX, ước tính có tổng vốn đầu tư lên tới 134 nghìn tỷ won đến năm 2035, xây dựng hệ thống tàu ngầm tốc độ cao với 6 tuyến kết nối thủ đô Seoul với các khu vực lân cận. Dự án sẽ tập trung mở rộng các tuyến đường sắt A, B và C hiện có, song song với việc mở thêm các tuyến D, E và F mới.
Tàu GTX do Hàn Quốc sản xuất có tốc độ tối đa lên tới 320km/h.
Trong đó, tuyến D đi từ thành phố Incheon và Gimpo qua quận Gangnam (Seoul) tới thành phố Namyangju và Wonju (tỉnh Gyeonggi) theo hình chữ Y. Tuyến E đi từ Incheon qua quận Gangbuk (Seoul) tới thành phố Guri và Namyangju (tỉnh Gyeonggi). Tuyến F là tuyến vòng tròn quanh Seoul và lân cận thủ đô. Những dự án này sẽ được đưa vào kế hoạch mạng lưới đường sắt quốc gia và được thực hiện cùng lúc.
Ông Yoon cho biết, khi tất cả các tuyến tàu GTX hoàn thành, đường đi làm, đi học từ các khu đô thị lân cận vào trung tâm thủ đô Seoul sẽ chỉ mất chỉ khoảng 30 phút, giảm mạnh thời gian đi lại và người dân có thể dùng thời gian đó cho nghỉ ngơi bên gia đình. "Không chỉ vậy, một vùng kinh tế, siêu kết nối tại khu vực này sẽ được thành lập, tạo ra cơ hội đầu tư và việc làm", Tổng thống Hàn Quốc nói.
Theo Viện Giao thông Hàn Quốc, dự án GTX sẽ giúp tạo ra 500.000 việc làm với lợi ích kinh tế trực tiếp ước tính 56 tỷ USD. Bên cạnh đó, chắc chắn sẽ thêm nhiều dự án bất động sản mới gần các nhà ga mọc lên, giúp ổn định thị trường nhà đất.
Giá vé tàu GTX dự kiến sẽ đắt hơn các loại tàu khác, ước tính khoảng 3 USD, do đó Chính phủ Hàn Quốc cam kết sẽ trợ cấp vé tàu 20% với người đi lại thường xuyên, 30% với sinh viên và tới 53% với người thu nhập thấp.
Kích thích tỷ lệ sinh
Ngoài lợi ích về kinh tế, những dự án này được dự báo sẽ còn giúp xứ sở kim chi giải quyết vấn đề cố hữu đang ngày càng trầm trọng, đó là tỷ lệ sinh giảm.
Hàn Quốc đang có tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới vì thế hệ trẻ ngày nay chịu áp lực nặng về cơm áo gạo tiền. Giá nhà ở khu vực tại Seoul quá cao, mật độ dày đặc, do đó người trẻ thường phải sống xa khu vực trung tâm. Họ phải chen chúc trên các phương tiện giao thông, mất nhiều thời gian di chuyển. Đây được coi là một trong những lý do chính khiến người trẻ ngại kết hôn, sinh con.
Riêng tại Seoul, tỷ lệ sinh rơi xuống mức thấp hơn trung bình quốc gia và chính phủ phải tìm mọi cách để thúc đẩy. Dù đã tung ra nhiều giải pháp ưu đãi với tổng chi phí lên tới 200 tỷ USD trong 16 năm qua, thậm chí còn thực hiện các biện pháp rất lạ như: giảm độ khó của kỳ thi đại học, nhưng hiệu quả kích thích sinh đẻ chưa cao.
Chia sẻ với hãng tin Reuters, Bộ trưởng Bộ Đất đai, hạ tầng và giao thông Hàn Quốc Park Sang-woo cho biết, hệ thống tàu GTX sẽ giúp người dân có cơ hội mua nhà ở ngoại thành mà không mất quá nhiều thời gian di chuyển, từ đó có thêm thời gian dành cho gia đình. "Mỗi ngày mất hàng giờ từ nhà đến chỗ làm thì ai còn muốn sinh con nữa? Do đó, ý tưởng này được thực hiện để giúp người dân giảm thời gian đi lại, có thêm thời gian sau giờ làm việc", Bộ trưởng Park nói.
Một số nhà phân tích khác cho biết, GTX có thể giãn bớt người dân từ khu vực đô thị đông đúc ra ngoại thành. Giá đất giảm sẽ giúp cơ hội có nhà của người trẻ cao hơn.
"Để hồi sinh những thị trấn ngoại ô đang biến mất dần từng ngày, điều quan trọng nhất đó là phải trang bị cho các khu vực đó hạ tầng công cộng tương tự như trong đô thị", tiến sĩ Kim Jin-yoo, Giáo sư về kỹ thuật giao thông, hoạch định đô thị tại Đại học Kyonggi nhận định.
Cuộc khủng hoảng nhân khẩu học ở Hàn Quốc đã trở thành rủi ro hàng đầu đối với tăng trưởng kinh tế và hệ thống phúc lợi xã hội, bởi dân số 51 triệu người của Hàn Quốc có nguy cơ giảm một nửa vào cuối thế kỷ XXI.
Hàn Quốc từng dự đoán tỷ lệ sinh của đất nước giảm xuống 0,68 vào năm 2024. Thủ đô Seoul, nơi có chi phí nhà ở cao nhất, năm ngoái ghi nhận tỷ lệ sinh thấp nhất trong lịch sử là 0,55.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận