Đồng thời, hãng KLM hợp tác với đường sắt để khuyến khích hành khách chuyển đổi sang phương tiện thân thiện môi trường.
Hãng bay liên kết với tàu
Trong cuộc phỏng vấn mới đây với tạp chí Politico, bà Marjan Rintel, giám đốc điều hành hãng hàng không Hà Lan KLM thông báo hãng đang giảm dần số lượng chuyến bay đối với chặng từ sân bay Schiphol ở thủ đô Amsterdam đến thủ đô Brussels, Bỉ.
“Chúng tôi muốn khuyến khích hành khách chuyển từ đi máy bay sang tàu hỏa”, bà Rintel lý giải.
Để thực hiện thay đổi này, hãng KLM hợp tác với một số công ty đường sắt đặt mua số lượng lớn vé tàu trên tuyến Amsterdam - Brussels mà hãng giảm hoạt động.
Máy bay Embraer 175 của hãng hàng không KLM và tàu cao tốc Thalys
Hành khách muốn bay chuyển tiếp sang Bỉ từ sân bay Amsterdam có thể đặt vé tàu ngay trên hệ thống của hãng KLM.
Thời gian di chuyển giữa thủ đô của Hà Lan và Bỉ mất khoảng 45 phút nếu đi máy bay (chưa kể thời gian làm thủ tục, chờ đợi tại sân bay) và gần 100 phút nếu đi tàu hỏa cao tốc Thalys.
Theo hãng tin Business Insider, hãng KLM bắt đầu thử nghiệm chương trình hợp tác chuyển đổi từ máy bay sang đi tàu từ hè năm ngoái, giảm một trong bốn chuyến bay nối Amsterdam - Brussels hằng ngày của hãng.
Đến tháng 2, hãng tiếp tục thông báo sẽ hỗ trợ mua vé trên bốn chuyến tàu Thalys vào các khung giờ khác để hỗ trợ hành khách di chuyển giữa thủ đô Hà Lan và Bỉ.
Chia sẻ với Business Insider, một phát ngôn viên hãng hàng không cho biết, hiện KLM đã hỗ trợ mua vé trên tổng cộng 8 chuyến tàu có giờ khởi hành và giờ đến tương đương lịch trình chuyến bay giữa Amsterdam - Brussels của hãng.
Trong đó, bốn chuyến tàu theo chiều từ Amsterdam tới Brussels còn bốn chuyến khác theo chiều ngược lại.
Qua quá trình thử nghiệm, hãng bay nhận thấy còn tồn tại một số vấn đề cần khắc phục trong việc hỗ trợ hành khách di chuyển hành lý, hỗ trợ hành khách chưa quen với việc sử dụng tàu hỏa.
Trong cái khó, ló cái khôn
Theo Business Insider, KLM thực hiện chương trình trên trong bối cảnh ngành công nghiệp hàng không châu Âu nói chung và Hà Lan nói riêng đang đối mặt với áp lực giảm phát thải carbon.
Trong đó, Ủy ban châu Âu (EC) đặt mục tiêu đến năm 2030, hoạt động đi lại trong quãng đường dưới 500km sẽ trung hòa carbon. Quãng đường khoảng 200km giữa thủ đô Hà Lan và Bỉ nằm trong mục tiêu này.
Đây không còn là khẩu hiệu mà đã được các quốc gia trong khu vực như Pháp và Hà Lan hiện thực hóa.
Tháng 6 năm ngoái, chính phủ Hà Lan đã công bố kế hoạch cắt giảm hơn 10% số chuyến bay từ sân bay Schiphol xuống còn 440.000 chuyến/năm.
Động thái này có thể dẫn đến việc các chuyến bay chặng ngắn từ sân bay sẽ giảm mạnh và ảnh hưởng mạnh tới sự phát triển của hãng hàng không quốc gia KLM trong tương lai.
Bên cạnh đó, sân bay Schiphol đang gặp một số vấn đề như sắp đạt đến công suất tối đa do lưu lượng vận tải hàng không ngày càng đông.
Chính phủ Hà Lan cũng có kế hoạch thúc đẩy việc đi lại bằng tàu hỏa kết nối các thành phố ở quốc gia này với Brussels (Bỉ), Paris (Pháp), London (Anh), các thành phố Düsseldorf, Frankfurt, Berlin ở Đức và trợ giá cho một số chuyến tàu đêm.
Vì vậy, để xoay chuyển tình thế, KLM đã quyết định phối hợp với các công ty đường sắt như Tập đoàn dịch vụ đường sắt đa quốc gia Eurostar và nhà vận hành đường sắt tốc độ cao Thalys - chuyên phục vụ hoạt động đi lại bằng đường sắt giữa Pháp, Bỉ, Đức và Hà Lan. Hãng sẽ đặt mua số lượng lớn vé tàu và hành khách muốn nối chuyến từ sân bay Hà Lan tới Bỉ có thể đặt vé tàu.
Ngoài ra, KLM cũng cân nhắc xây dựng hệ thống cho phép hành khách có thể dễ dàng mua cả vé máy bay và vé tàu trên một nền tảng, đồng thời cùng với các công ty đường sắt ở Hà Lan và Pháp tìm cách cải thiện kết nối dịch vụ đường sắt và hàng không. Chẳng hạn, cho phép khách hàng gửi hành lý tại sân bay và nhận hành lý khi kết thúc hành trình bằng tàu.
Theo ông Victor Thévenet - nhà hoạt động thuộc tổ chức Transport & Environment, một chuyến bay giữa Brussels và Amsterdam phát thải, tác động tới môi trường nhiều hơn 14 lần so với một chuyến đi bằng tàu.
Không riêng hãng bay Hà Lan, một số hãng hàng không khác trên thế giới cũng đang nỗ lực khuyến khích hành khách chuyển sang đi tàu hỏa. Hãng bay Lufthansa của Đức đã kết hợp với công ty đường sắt quốc gia Đức Deutsche Bahn để chuyển dần hành khách tại TP Frankfurt sang sử dụng tàu hỏa.
Mới đây, Pháp cũng cấm các chuyến bay nội địa chặng ngắn có thể di chuyển trong chưa đầy 2,5 giờ bằng tàu hỏa. Quy định mới ảnh hưởng tới ba đường bay từ sân bay Paris - Orly đến các TP Bordeaux, Nantes và Lyon của Pháp nhưng không ảnh hưởng tới những chuyến bay nối chuyến.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận