Trên địa bàn Ninh Bình hiện có 146 bến thủy nội địa, trong đó có 97 bến nằm trong quy hoạch chi tiết phát triển hệ thống cảng, bến thủy nội địa của tỉnh (36 bến được cấp phép hoạt động và 61 bến chưa được cấp phép hoạt động); 49 bến không nằm trong quy hoạch nhưng vẫn hoạt động ở vị trí vi phạm hành lang bảo vệ công trình đê điều, mất ATGT đường thủy. Các bến này nằm rải rác trên các huyện Nho Quan, Gia Viễn, Kim Sơn.
Đơn cử như tại huyện Nho Quan, có khoảng 10 bến thủy không phép của các tổ chức, cá nhân gồm: Doanh nghiệp tư nhân Thao Thôn, Công ty CP Đầu tư phát triển Quang Minh... Riêng bến của hộ ông Hoàng Văn Thái nằm trên sông Bôi (thuộc địa bàn thôn Liên Minh, xã Xích Thổ) đã hoạt động nhiều năm nay nhưng chính quyền địa phương và các ngành chức năng không phát hiện xử lý kịp thời.
Bến thủy này không những xây dựng trên đất nông nghiệp mà còn lấn chiếm hành lang sông, chưa đủ điều kiện hoạt động. Sau khi Báo Giao thông phản ánh, bến thủy này đã bị các cơ quan chức năng ra quyết định xử phạt hành chính 2 lần và yêu cầu đình chỉ hoạt động.
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Văn Điều, Phó chánh Thanh tra Sở GTVT Ninh Bình cho biết: Trước đây, theo quy định, các bến thủy nội địa do cấp huyện cấp phép, quản lý nhưng từ năm 2018 đến nay việc này chuyển về Sở.
“Chúng tôi cũng thường xuyên kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm, không nằm trong quy hoạch nhưng vẫn lén lút hoạt động. Đối với những bến vi phạm, sau khi xử phạt sẽ giao cho địa phương trực tiếp theo dõi, giám sát. Nếu để xảy ra việc tái hoạt động thì địa phương đó phải chịu trách nhiệm”, ông Điều nói.
Theo như ông Điều, tháng 12/2019, đoàn công tác liên ngành gồm CSGT đường thủy, đăng kiểm, TTGT và đại diện Sở đã kiểm tra trên các tuyến sông. Qua đó, phát hiện 10 bến chở khách ngang sông hết hạn hoạt động, 1 bến tự phát; 9 bến bốc xếp vật liệu xây dựng không nằm trong quy hoạch, phương tiện bốc xếp tự chế, chưa làm thủ tục đăng kiểm và 20 bến nằm trong quy hoạch nhưng chưa đủ điều kiện hoạt động… Tổng số tiền phạt 235 triệu đồng.
“Hiện, tồn tại một số bến bốc xếp vật liệu xây dựng và cơ sở đóng mới, hoán cải phương tiện thủy chưa được cấp phép hoạt động do diện tích đất sử dụng không nằm trong quy hoạch. Nhiều chủ quản lý, sử dụng bến ký hợp đồng đấu thầu đất sản xuất nông nghiệp có thời hạn với UBND cấp xã nhưng lại kinh doanh vật liệu xây dựng, sử dụng không đúng mục đích.
Trong thời gian tới, ngoài việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, chúng tôi cũng sẽ phối hợp với CSGT để thường xuyên kiểm tra, các bến vi phạm sẽ kiên quyết xử lý nghiêm”, ông Điều cho hay.
Thượng tá Đỗ Văn Bình, Phó trưởng phòng CSGT Công an tỉnh Ninh Bình cho biết: “Hàng năm, Phòng đều có kế hoạch liên ngành phối hợp kiểm tra, xử lý vi phạm. Tuy nhiên, sau đó một số trường hợp vẫn lén lút hoạt động mà không có sự giám sát của địa phương. Chúng tôi cho rằng, những bến không đủ điều kiện, mất ATGT, vi phạm hành lang đê điều, không nằm trong quy hoạch cần phải xử lý nghiêm, thậm chí là cưỡng chế để tạo tính răn đe.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận