Xã hội

Hàng chục triệu thuê bao khốn đốn, cần lời xin lỗi từ nhà mạng

24/04/2018, 19:30

Hàng chục triệu thuê bao cần lời xin lỗi từ nhà mạng vì đã khốn đốn để "đổ vỏ" cho lỗi của họ.

cap-nhat-thue-bao

Trước yêu cầu của nhà mạng, hàng chục triệu thuê bao chưa đăng ký chính chủ rơi vào tâm thế hoang mang, lo sợ có thể bị cắt liên lạc

Giữa tháng 3 vừa qua, hàng loạt thuê bao của VinaPhone, Viettel, MobiFone nhận được tin nhắn yêu cầu đăng ký bổ sung thông tin kèm theo lưu ý của nhà mạng “để đảm bảo thuê bao tiếp tục hoạt động sau ngày 24/4/2018 theo quy định Nghị định số 49/2017/NĐ-CP (Nghị định 49)”.

Trước đó, Bộ TT-TT cho biết, có hơn 30 triệu thuê bao di động có thông tin cá nhân không chính xác. Như vậy rõ ràng yêu cầu bổ sung thông tin của các nhà mạng đã khiến không ít khách hàng rơi vào tâm lý hoang mang không biết mình có nằm trong nhóm bị thu hồi sim hay không?

cap-nhat-thue-bao-mobifone

Khách hàng MobiFone chen chân cập nhật thuê bao chính chủ trước hạn 24/4

Chính vì vậy, trong những ngày sát thời hạn 24/4, khắp nơi diễn ra tình cảnh người người chen người xếp hàng bổ sung thông tin. Không ít "thượng đế" phải bỏ ra nhiều giờ đồng hồ để chờ được cập nhật thuê bao chính chủ cho chiếc sim mình đã đăng ký dùng bấy lâu. Lượng khách đổ xô cập nhật thông tin thuê bao quá đông trong khi nhà mạng lại không đủ nguồn lực phục vụ.

Viettel - nhà mạng chiếm thị phần lớn nhất cũng là nơi thường xuyên nghẽn mạng, quá tải nhiều nhất khiến khách phải bức xúc ra về mà không cập nhật được thông tin thuê bao. Tình trạng này cũng tương tự tại 2 doanh nghiệp viễn thông còn lại. Và toàn bộ thời gian, công sức đó, phí tổn xã hội đó, khách hàng lãnh đủ! Chưa kể, "công cuộc" đăng ký bổ sung thông tin còn gây nên cuộc xáo trộn lớn về tâm lý, sinh hoạt của một bộ phận không nhỏ người dùng! 

bo-sung-thong-tin-thue-bao

Tại các chi nhánh Viettel, không ít khách hàng phải ngồi đợi hàng giờ để được đăng ký thông tin cho thuê bao

Mới đây, trả lời báo chí, lãnh đạo Cục Viễn thông, Bộ TT-TT cũng khẳng định, 24/4 không phải là thời hạn các thuê bao chưa đăng ký chính chủ bị khóa. Đây chính là thời điểm mà nhà mạng phải chịu trách nhiệm với cơ quan quản lý về việc chuẩn hóa dữ liệu thông tin thuê bao theo Nghị định 49. Sau thời gian trên, cơ quan quản lý có thể kiểm tra dữ liệu của nhà mạng, nếu các đơn vị chưa cập nhật đầy đủ thì có thể bị xử phạt.

Trước bức xúc về yêu cầu cập nhật thuê bao chính chủ quá cấp tập, đại diện Cục Viễn Thông cho biết: Nghị định 49 được ban hành cách đây một năm (từ tháng 4/2017), cơ quan quản lý cũng đã nhiều lần  tổ chức cuộc họp, ban hành văn bản hướng dẫn việc triển khai. Tuy nhiên, gần như trong một năm qua doanh nghiệp viễn thông không làm gì mà đến gần sát ngày mới nhắn tin các chủ thuê bao khiến việc cập nhật bị quá tải! 

IMG_2269

Khách hàng của Viettel phải ra về khi trên tay vẫn cầm phiếu đăng ký bổ sung thông tin chưa được cập nhật do nghẽn mạng

Nghị định ban hành từ tháng 4/2017 cũng quy định rõ, doanh nghiệp viễn thông có 12 tháng để chuẩn hóa toàn bộ dữ liệu thuê bao, trước khi phải chịu phạt tiền nếu bị phát hiện thông tin thuê bao sai lệch. Những doanh nghiệp viễn thông nếu có thông tin thuê bao không đúng quy định sẽ chịu mức phạt một triệu đồng mỗi số. Như vậy, sau thời hạn 24/4, nếu vẫn còn tình trạng thuê bao không chính chủ, còn sim “ma” thì chính nhà mạng mới phải chịu xử phạt chứ không phải khách hàng. 

Đó là chưa kể, tình trạng sim "ma", sim "rác" tồn tại suốt thời gian dài vừa qua, xuất phát từ chính lỗ hổng quản lý sim thẻ của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ. Song vô lý và bức xúc ở chỗ, nhà mạng lại mang quyền lợi của khách ra làm "con tin", thậm chí "dọa dẫm" cả "thượng đế"!

Những hậu quả cả về vật chất, tinh thần các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông gây ra cho hàng chục triệu thuê bao vừa qua, cần được cơ quan quản lý xem xét, xử lý. Khách hàng bị làm phiền, bị thiệt hại thậm chí có thể khởi kiện. 

Về phía các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, cần nghiêm túc kiểm điểm trách nhiệm, từ việc buông lỏng quản lý sim, đến trách nhiệm khắc phục hậu quả sau đó. Và trong lúc rà soát, xử lý trách nhiệm từng bộ phận, hàng chục triệu thuê bao di động cần trước hết một lời xin lỗi chân thành và thực sự từ các nhà mạng! 

Theo Nghị định 49, việc khóa sim với thuê bao chưa cập nhật thông tin, phải được thực hiện theo đúng quy trình: Nhà mạng thông báo liên tục yêu cầu thuê bao cập nhật lại thông tin trong ít nhất 5 ngày, mỗi ngày ít nhất một lần.

Sau 15 ngày kể từ ngày đầu tiên gửi thông báo, chủ thuê bao không thực hiện theo yêu cầu bị khóa một chiều. Cùng lúc, nhà mạng ra thông báo sẽ khóa hai chiều sau 15 ngày tiếp theo nếu không thực hiện. Sau 15 ngày kể từ ngày này, nhà mạng mới được phép khóa hai chiều. 

Sau đó, nhà mạng ra thông báo thanh lý hợp đồng, chấm dứt cung cấp dịch vụ viễn thông sau 30 ngày tiếp theo nếu không thực hiện. Cuối cùng, sau 30 ngày từ khi khóa hai chiều không thực hiện, nhà mạng mới được phép thanh lý hợp đồng.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.