Khắc phục vướng mắc “có vốn trước hay có dự án trước”
Từ ngày 1/1/2020, Luật Đầu tư công năm 2019 có hiệu lực. Luật một số điểm mới như: Thống nhất về nguồn vốn đầu tư công (nguồn vốn ngân sách nhà nước và nguồn thu hợp pháp của các cơ quan tổ chức dành cho đầu tư); Đẩy mạnh phân cấp trong việc xem xét quyết định các phê duyệt chủ trương đầu tư, đặc biệt là phân cấp thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn.
Đẩy mạnh phân cấp cho các địa phương trong việc quyết định các dự án đầu tư công, trong đó cả các dự án nhóm A; Đổi mới mạnh mẽ phương thức kế hoạch hóa, nhằm đáp ứng tốt hơn đối với thực tiễn vận hành của nền kinh tế, khắc phục được vướng mắc lớn nhất về đầu tư công trước đây, đó là vấn đề “có vốn trước hay có dự án trước”; Tăng cường hơn tính cao tính công khai, minh bạch trong hoạt động đầu tư công, Luật bổ sung quy định về Hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quốc gia về đầu tư công.
Bảo đảm phát triển trồng trọt theo định hướng thị trường
Luật Trồng trọt có hiệu lực từ 1/1/2020 sẽ điều chỉnh nhiều lĩnh vực từ giống cây trồng, phân bón, canh tác, thu hoạch, mua bán, sơ chế, chế biến, bảo quản đến xuất khẩu, nhập khẩu…
Luật bổ sung các nguyên tắc quản lý trong lĩnh vực trồng trọt đảm bảo phát triển trồng trọt theo định hướng thị trường, sản xuất hàng hoá quy mô lớn, chất lượng, phát triển thị trường quốc tế trên cơ sở khai thác hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu, bảo đảm hài hoà lợi ích giữa người sản xuất, doanh nghiệp, nhà nước và lợi ích cộng đồng.
Bổ sung và luật hoá công tác xây dựng chiến lược phát triển trong lĩnh vực trồng trọt gắn với trách nhiệm của chính quyền địa phương trong thực hiện quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; bổ sung và luật hoá các chính sách đầu tư, hỗ trợ đầu tư.
Điều chỉnh các quy định quản lý giống cây trồng theo hướng hiện đại, phù hợp với yêu cầu thực tiễn và năng lực quản lý. Giảm bớt thời gian thủ tục hành chính và kinh phí cho doanh nghiệp...
Gây ngất vật nuôi trước khi giết mổ; không để vật nuôi chứng kiến đồng loại bị giết mổ
Ngày hôm nay (1/1/2020), Luật Chăn nuôi, gồm 8 chương, 83 điều chính thức có hiệu lực, thay thế Pháp lệnh Giống vật nuôi 2004.
Trong đó, đáng chú ý đó là những quy định mới liên quan đến đối xử nhân đạo với vật nuôi. Cụ thể, đối với tổ chức, cá nhân có hoạt động chăn nuôi phải thực hiện các yêu cầu: Có chuồng trại, không gian chăn nuôi phù hợp với vật nuôi; Cung cấp đủ thức ăn, nước uống bảo đảm vệ sinh; Phòng bệnh và trị bệnh theo quy định của pháp luật về thú y; Không đánh đập, hành hạ vật nuôi.
Trong vận chuyển vật nuôi phải: Sử dụng phương tiện, trang thiết bị vận chuyển vật nuôi phù hợp, bảo đảm không gian thông thoáng, hạn chế chấn thương, sợ hãi cho vật nuôi; Cung cấp đủ thức ăn, nước uống cho vật nuôi; Không đánh đập, hành hạ vật nuôi.
Cạnh đó, cơ sở giết mổ vật nuôi phải có nơi lưu giữ vật nuôi bảo đảm vệ sinh; cung cấp nước uống phù hợp với vật nuôi trong thời gian chờ giết mổ; hạn chế gây sợ hãi, đau đớn cho vật nuôi. Đồng thời, không đánh đập, hành hạ vật nuôi; có biện pháp gây ngất vật nuôi trước khi giết mổ; không để vật nuôi chứng kiến đồng loại bị giết mổ.
Người đồng tính, chuyển đổi giới tính được giam giữ riêng
Luật Thi hành án hình sự 2019 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2020. Điểm mới của Luật là tại Điều 30 quy định những phạm nhân sau đây sẽ được bố trí giam giữ riêng: Phạm nhân nữ; Phạm nhân là người dưới 18 tuổi; Phạm nhân là người nước ngoài; Phạm nhân là người mắc bệnh truyền nhiễm nhóm A theo quy định của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm;
Phạm nhân có dấu hiệu mắc bệnh tâm thần, bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình trong thời gian chờ quyết định của tòa án; Phạm nhân có con dưới 36 tháng tuổi theo mẹ vào trại giam; Phạm nhân thường xuyên vi phạm nội quy cơ sở giam giữ phạm nhân.
Cạnh đó, phạm nhân là người đồng tính, người chuyển đổi giới tính, người chưa xác định rõ giới tính có thể được giam giữ riêng.
Như vậy, so với Luật Thi hành án hình sự, Luật Thi hành án hình sự 2019 đã bổ sung thêm hai đối tượng được giam giữ riêng là người đồng tính, người chuyển đổi giới tính, người chưa xác định rõ giới tính và phạm nhân có con dưới 36 tháng tuổi theo mẹ vào trại giam.
Tăng lương tối thiểu vùng từ 5,1% - 5,7%
Theo Nghị định 90/2019/NĐ-CP của Chính phủ, từ ngày 1/1/2020, mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc ở doanh nghiệp được điều chỉnh như sau: Vùng I: Mức 4.420.000 đồng/tháng (hiện hành là 4.180.000 đồng/tháng); Vùng II: Mức 3.920.000 đồng/tháng (hiện hành là 3.710.000 đồng/tháng); Vùng III: Mức 3.430.000 đồng/tháng (hiện hành là 3.250.000 đồng/tháng); Vùng IV: Mức 3.070.000 đồng/tháng (hiện hành là 2.920.000 đồng/tháng).
Trên đây là mức thấp nhất làm cơ sở để doanh nghiệp và người lao động thỏa thuận, trả lương. Ngoài ra, từ ngày 1/1/2020 còn có sự thay đổi về vùng trong việc áp dụng lương tối thiểu vùng, cụ thể: Chuyển từ vùng III lên vùng II: huyện Đồng Phú (tỉnh Bình Phước); TP. Bến Tre, huyện Châu Thành (tỉnh Bến Tre); Chuyển từ vùng IV lên vùng III: huyện Đông Sơn, huyện Quảng Xương (tỉnh Thanh Hóa), huyện Nghi Lộc, huyện Hưng Nguyên, thị xã Cửa Lò (tỉnh Nghệ An), huyện Ba Tri, huyện Bình Đại, huyện Mỏ Cày Nam (tỉnh Bến Tre).
So với năm 2019, số địa bàn áp dụng mức lương tối thiểu vùng vùng I giữ nguyên; vùng II tăng 03 địa bàn; vùng III tăng 08 địa bàn; vùng IV giảm 08 địa bàn.
Hàng loạt quy định mới liên quan đến công chức, viên chức
Một trong những nội dung đáng chú ý của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức (có hiệu lực từ ngày 1/7/2020) là việc bổ sung 1 hình thức xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức. Đặc biệt nhấn mạnh việc sau khi đã nghỉ việc, nghỉ hưu, cán bộ, công chức vẫn có thể bị xử lý bằng hình thức “xóa tư cách chức vụ đã đảm nhiệm”.
Không chỉ tác động mạnh mẽ đến cán bộ, công chức mà dự án Luật này cũng ảnh hưởng không nhỏ đến viên chức. Một trong số đó là quy định về 2 loại hợp đồng làm việc. Theo đó, viên chức vẫn thực hiện 2 loại hợp đồng là không xác định thời hạn và xác định thời hạn.
Đối với hợp đồng không xác định thời hạn hay còn gọi là “chế độ biên chế suốt đời” của viên chức sẽ không còn được áp dụng với các đối tượng mới được tuyển dụng từ ngày 1/7/2020.
Mức phạt vi phạm hành chính về đất đai tăng 10 - 50 lần
Từ 5/1/2020, Nghị định 91/2019/NĐ-CP mới được Chính phủ ban hành quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai để thay thế Nghị định 102/2014/NĐ-CP hiện hành.
Theo Nghị định này, tăng hàng loạt mức phạt đối với các hành vi vi phạm trong lĩnh vực đất đai, nổi bật phải kể đến mức phạt các vi phạm sau:
Phạt đến 500 triệu đồng với cá nhân và 01 tỷ đồng với tổ chức nếu lấn, chiếm đất chưa sử dụng, đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp tại khu vực đô thị (Hiện nay, mức phạt tối đa là 10.000.000 đồng đối với cá nhân, 20.000.000 đồng đối với tổ chức -Tăng 50 lần);
Phạt đến 500 triệu đồng với cá nhân và 01 tỷ đồng với tổ chức nếu tự ý chuyển đất trồng lúa sang đất phi nông nghiệp tại khu vực đô thị (Hiện nay, mức phạt tối đa là 50.000.000 đồng đối với cá nhân, 100.000.000 đồng đối với tổ chức - Tăng 10 lần).
Cấm công ty tài chính gọi điện đòi nợ, nhắc nợ người thân khách hàng
Từ ngày 1/1/2020, Thông tư 18/2019/TT-NHNN sửa đổi Thông tư 43/2016/TT-NHNN quy định cho vay tiêu dùng của công ty tài chính được ban hành. Một trong những nội dung mới nổi bật tại Thông tư này đó là quy định tại khoản 7 Điều 1: "Không nhắc nợ, đòi nợ, gửi thông tin về việc thu hồi nợ của khách hàng đối với tổ chức, cá nhân không có nghĩa vụ trả nợ cho công ty tài chính, trừ trường hợp có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật; Số lần nhắc nợ tối đa 05 (năm) lần/01 (một) ngày”
Như vậy, theo quy định trên, việc đòi nợ hay nhắc nợ người thân, bạn bè của khác hàng là hành vi bị pháp luật cẩm.
Ngoài ra, Thông tư 18/2019/TT-NHNN cũng bổ sung quy định liên quan đến dự thảo hợp đồng cho vay tiêu dùng, cụ thể: Trong quá trình cung cấp cho khách hàng dự thảo hợp đồng, công ty tài chính phải giải thích trung thực các nội dung cơ bản của hợp đồng, bao gồm cả quyền và nghĩa vụ của khách hàng, các biện pháp đôn đốc thu hồi nợ, biện pháp xử lý trong trường hợp khách hàng không trả nợ (trước đây, chỉ cần giải thích khi khách hàng yêu cầu).
Mỗi m2 tương ứng với một phiếu biểu quyết tại hội nghị nhà chung cư
Từ ngày 1/1/2020, Thông tư 06/2019/TT-BXD của Bộ Xây dựng sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư liên quan đến quản lý, sử dụng nhà chung cư có hiệu lực.
Thông tư này quy định quyền biểu quyết sẽ được tính theo diện tích sở hữu riêng của chủ sở hữu căn hộ, chủ sở hữu phần diện tích khác trong nhà chung cư theo nguyên tắc: 1m2 diện tích sở hữu riêng tương đương với 01 phiếu biểu quyết.
Hiện nay, vấn đề này được quy định tại Thông tư 02/2016/TT-BXD với nguyên tắc mỗi căn hộ tương ứng với 01 phiếu biểu quyết. Đối với phần diện tích khác trong nhà chung cư không phải là căn hộ thì mỗi phần diện tích sàn xây dựng tương đương với diện tích sàn xây dựng của căn hộ lớn nhất theo thiết kế được phê duyệt tại nhà chung cư đó có một phiếu biểu quyết.
Cấm người điều khiển phương tiện giao thông uống rượu, bia
Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia gồm 7 chương, 36 điều có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2020. Theo đó, luật này quy định cấm “điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn”.
Luật này còn quy định nhiều nhóm hành vi bị nghiêm cấm khác, như: Xúi giục, kích động, lôi kéo, ép buộc người khác uống rượu, bia; Người chưa đủ 18 tuổi uống rượu, bia và bán, cung cấp, khuyến mại rượu, bia cho người chưa đủ 18 tuổi. Rượu có độ cồn từ 15 độ trở lên bị cấm quảng cáo dưới mọi hình thức. Các doanh nghiệp, cá nhân không được cung cấp thông tin không chính xác, sai sự thật về ảnh hưởng của rượu, bia đối với sức khỏe.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận