Tường rào khu đô thị Phú Lương vi phạm nghiêm trọng hành lang ATGT đường sắt |
Xâm phạm từ hành lang đến nhà ga
Cuối tháng 12/2018, trở lại khu đô thị mới Phú Lương (Hà Đông, Hà Nội), PV Báo Giao thông ghi nhận cả dãy tường rào dài khoảng 1,5km ngăn cách khu đô thị và đường sắt (tuyến Bắc Hồng - Văn Điển). Thực trạng này gần như vẫn y nguyên như những gì Báo Giao thông đã phản án từ một năm rưỡi trước đó. Dù chỉ được cấp phép xây hàng rào tạm nhưng chủ đầu tư là Công ty CP Đầu tư xây dựng Trung Việt lại xây dựng hàng rào kiên cố với trụ bê tông, tường gạch, nằm trong phạm vi công trình bảo vệ đường sắt, hành lang ATGT đường sắt.
Tổng diện tích đất dành cho đường sắt hiện vào khoảng 107.334.182m2. Trong đó, đất nền đường và hành lang ATGT đường sắt 96.657.399m2; đất các khu ga đường sắt 9.400.395m2, đất các cung, trạm đường sắt 362.882m2. Từ năm 1999, Tổng công ty Đường sắt VN đã đo đạc, lập thủ tục pháp lý và được UBND 25 tỉnh, thành phố cấp Giấy chứng nhận hoặc Quyết định giao đất cho phần lớn diện tích đất đường sắt trên các tuyến đường sắt quốc gia. |
Ông Phạm Nguyễn Chiến, Trưởng ban An ninh - ATGT Tổng công ty Đường sắt VN cho biết, đây là công trình xâm phạm đất hành lang ATGT đường sắt nghiêm trọng. “Kể từ khi phát hiện đến nay, chúng tôi đã có nhiều văn bản yêu cầu chủ đầu tư dỡ bỏ công trình vi phạm nhưng chủ đầu tư không thực hiện”, ông Chiến nói và cho biết, thực tế còn nhiều trường hợp tương tự ở các địa phương như: Cấp đất, người dân trồng cây, dựng lều quán, nhà cửa, bày hàng hóa, tập kết vật liệu... trong hành lang ATGT đường sắt. “Hiện có tới gần 1.500 vị trí bị xâm phạm hành lang”, ông Chiến thông tin.
Theo ông Nguyễn Trọng Hiếu, Ban Quản lý KCHT Tổng công ty Đường sắt VN, đáng nói hơn, ngoài xâm hại hành lang, nhiều địa phương còn để xảy ra tình trạng tranh chấp đất tại các khu ga. “Đơn cử tại ga Đông Hà, địa phương đã cấp sổ đỏ cho người dân mảnh đất thuộc quy hoạch nhà ga. Đến nay, sau nhiều lần họp bàn giữa các cấp, ngành vẫn chưa có được cách giải quyết”, ông Hiếu nêu.
Cũng theo ông Hiếu, do vướng mắc về mặt thủ tục, đến nay mới có 195 khu ga/297 khu ga có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; 56 khu ga có quyết định giao đất nhưng còn 46 khu ga quản lý theo hiện trạng. Tương tự, 229 khu đất các cung, trạm, đội đường sắt do các đơn vị quản lý KCHT đường sắt chuyển về Tổng công ty Đường sắt VN sau cổ phần hóa thì chỉ có 57 khu có giấy chứng nhận sử dụng đất, 20 khu có quyết định giao đất, còn đến 152 khu quản lý theo hiện trạng.
“Đất dành cho đường sắt có lịch sử hình thành sớm, chủ yếu tiếp quản từ Pháp nên không có hồ sơ gốc. Việc quản lý chủ yếu theo hiện trạng trong một thời gian dài. Quỹ đất nằm tại những đô thị có giá trị thương mại cao nên rất dễ xảy ra các hành vi lấn chiếm, tranh chấp. Cùng đó, phần lớn đất của ngành Đường sắt đang được quản lý ranh giới theo hồ sơ vì chưa có điều kiện xây dựng hàng rào bảo vệ; hành lang ATGT đường sắt chưa có điều kiện đo đạc, cắm mốc chỉ giới theo Luật Đường sắt nên tình trạng lấn chiếm, chiếm dụng khá nhức nhối”, ông Hiếu nói.
Cần phân định rõ chủ thể quản lý
Ông Nguyễn Tiến Thịnh, Trưởng phòng KHĐT Cục Đường sắt VN cho biết, đất đường sắt được xác định là tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt. Vì vậy, trước đây, Luật Đường sắt 2005 và các văn bản dưới luật đã quy định các chủ thể trong quản lý, sử dụng đất đường sắt. Theo đó, Tổng công ty Đường sắt VN được Nhà nước giao quyền sử dụng đất tại các khu ga; quản lý, bảo vệ KCHT đường sắt trong đó có đất dành cho đường sắt và hành lang ATGT đường sắt. UBND các cấp có trách nhiệm quản lý đất dành cho đường sắt đã được quy hoạch; tổ chức phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý kịp thời hành vi xâm phạm KCHT đường sắt.
Sau khi Luật Đường sắt 2017 có hiệu lực (1/7/2018) cùng các văn bản dưới luật khác như Nghị định 56/2018 quy định về quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng đường sắt; Nghị định 46/2018 quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia, đã phân định rõ hơn trách nhiệm quản lý đất đường sắt của các chủ thể: Doanh nghiệp, chính quyền địa phương, cơ quan quản lý nhà nước đối với từng loại đất. Trong đó, UBND các cấp quản lý đất dành cho đường sắt đã được quy hoạch, đất trong phạm vi hành lang ATGT đường sắt.
“Hiện, Bộ GTVT đang xây dựng đề án quản lý, sử dụng, khai thác KCHT đường sắt do Nhà nước đầu tư. Trong đó, xác định rõ danh mục, loại đất, giá trị đất do ai quản lý, sử dụng, theo hình thức nào, trách nhiệm cụ thể ra sao”, ông Thịnh cho hay.
Tuy nhiên, theo ông Thịnh, để quản lý đất dành cho đường sắt hiệu quả, cần xác định ranh giới đất dành cho đường sắt theo tọa độ và được cập nhật, thống nhất với hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu quản lý đất đai của địa phương nơi có đường sắt đi qua, xác định mốc giới cho đường sắt ngoài thực địa.
Ông Nguyễn Trọng Hiếu cho biết, Tổng công ty Đường sắt VN đang khôi phục, hoàn thiện tổ chức quản lý đất đai theo pháp luật hiện hành theo hướng: Đối với các khu đất đã có hồ sơ pháp lý thì quản lý theo ranh giới, mốc giới đã được Nhà nước cấp giấy chứng nhận hoặc quyết định giao đất. Đối với các khu đất chưa có hồ sơ pháp lý hoặc vướng quy hoạch thì quản lý theo hiện trạng. Đối với hành lang ATGT đường sắt thì quản lý theo quy định Luật Đường sắt.
“UBND các tỉnh, thành phố nơi có đường sắt đi qua cần tạo điều kiện về mặt pháp lý trong việc giải quyết thủ tục đất đai, xin cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với những khu đất chưa có hồ sơ pháp lý, làm cơ sở cho công tác quản lý theo quy định của Luật Đất đai”, ông Hiếu nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận