Mặc dù USD tăng giá đúng dịp cuối năm, song giá hàng nhập khẩu vẫn ổn định |
Giá hàng nhập vẫn ổn định
Trao đổi với Báo Giao thông, bà Nguyễn Thị Cúc - Phó TGĐ Công ty Cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) cho biết, kể từ thời điểm FED tăng lãi suất USD đến nay, giá vàng nữ trang mà công ty bán ra không tăng giá, dù đang là mùa cao điểm về vàng, nữ trang phục vụ mùa cưới, Tết. Lý giải về điều này bà Cúc cho biết, giá vàng trong nước phụ thuộc vào giá vàng thế giới và tỷ giá. Sau quyết định của FED, giá vàng trên thế giới giảm nhẹ do mức tăng 0,25% không phải là quá lớn. Giá vàng chỉ tăng theo nhu cầu mang tính thời vụ sau đó lại giảm. “Riêng vàng trang sức của PNJ hiện cũng không chịu tác động nào”, bà Cúc nói.
Giá hàng hóa sẽ được bù trừ TS. Nguyễn Đức Độ, Phó viện trưởng Viện Khoa học tài chính (Học viện Tài chính) cho biết, đồng USD tăng giá sẽ khiến các đồng tiền khác mất giá làm tác động tới giá cả hàng hóa nhập khẩu. Tuy nhiên, TS. Độ cho rằng tác động này là bù trừ từ hàng hóa nhập khẩu được thanh toán bằng USD và hàng hóa nhập khẩu được thanh toán bằng các loại ngoại tệ khác. Trong khi đó, nền tảng quan trọng là tỷ giá đồng Việt Nam vẫn đang ổn định. Các doanh nghiệp cũng có chiến lược về giá cả và không có doanh nghiệp nào muốn tăng giá bán trong bối cảnh muốn thúc đẩy tiêu dùng vào thời điểm cuối năm này. |
Bà Hoàng Thị Nhẫn, Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Hòa Thành, đơn vị chuyên nhập máy móc, dây chuyền sản xuất cho biết, các đơn hàng nhập khẩu của công ty thanh toán bằng nhiều ngoại tệ khác nhau: USD, EUR, nhân dân tệ. Thông tin về tác động của việc USD trên thế giới tăng giá tới giá hàng nhập khẩu, bà Nhẫn cho biết, đến nay, các đối tác vẫn chưa có thông báo nào về việc tăng giá.
Ông Vũ Duy Hải, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Vinacam nhận định, đáng ra, với đợt điều chỉnh giảm tỷ giá đồng nhân dân tệ hồi trung tuần tháng này, đối tác Trung Quốc sẽ điều chỉnh giảm giá bán cho công ty. Tuy nhiên, do tương tác từ sự tăng giá của USD nên đối tác Trung Quốc của Vinacam đã không thông báo điều chỉnh giảm giá bán tương ứng theo mức giảm của phân bón trên thị trường thế giới. Trong khi đó, theo chu kỳ mùa vụ và do tác động của giá dầu giảm, giá phân bón trên thế giới cũng giảm mạnh.
Ông Hải cho biết, giá phân bón thế giới đã giảm trên 20%. Giá phân bón trong nước giảm mạnh hơn, từ 30-25% kể từ tháng 6 tới nay. “Thậm chí một số loại phân bón có mức giảm sâu hơn như phân ure”, ông Hải cho hay.
Người tiêu dùng hưởng lợi
Phân tích về tác động của việc tăng lãi suất USD dưới góc độ xuất nhập khẩu, chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, việc điều chỉnh lãi suất USD cũng không làm tăng thêm chi phí tài trợ thương mại cho hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam. Ông Hiếu phân tích, thị trường đã dự tính việc FED tăng lãi suất nên lãi suất LIBOR (lãi suất liên ngân hàng Anh, công cụ tham chiếu chi phí cho vay trên thế giới - PV) đối với đồng USD thực tế đã tăng trong năm 2015 từ 0,25% trong tháng 1/2015 lên 0,40% trong tháng 11/2015 đối với kỳ hạn 3 tháng.
Do đó, khi FED tăng lãi suất, lãi suất LIBOR có thể cũng không tăng nhiều. Mặt khác, số liệu thống kê cho thấy, thanh khoản ngoại tệ của toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đang dư thừa, hoàn toàn có thể hỗ trợ cho hoạt động xuất nhập khẩu.
Khảo sát tại một số siêu thị, trung tâm mua sắm lớn tại Hà Nội cho thấy, giá hàng hóa tiêu dùng, thực phẩm nhập khẩu hiện chưa có sự điều chỉnh. Ông Hồ Quốc Nguyên, Giám đốc Truyền thông hệ thống siêu thị Big C khẳng định, cho tới nay chưa có đơn vị cung ứng hàng nhập khẩu nào thông báo hay đề nghị tăng giá bán hàng.
Đại diện siêu thị Fivimart cũng cho biết, chưa có doanh nghiệp nhập khẩu nào đề tăng giá bán tại đây. Hơn nữa, mỗi đợt “vào hàng” thường từ 2-3 tháng, nhất là đối với hàng nhập khẩu từ thị trường châu Mỹ. Do đó, nếu doanh nghiệp muốn thay đổi giá bán cũng phải có thời gian, đại diện này cho biết.
Cũng theo ông Nguyên, hiện siêu thị Big C cũng cam kết “khóa” giá từ giữa tháng 12 - 7/2/2016 (niêm yết giá không đổi) cho tất cả mặt hàng tiêu dùng nhanh (trừ rau củ quả, thực phẩm tươi sống, thực phẩm đông lạnh, bia rượu, sữa và sản phẩm từ sữa) và tất cả các sản phẩm thuộc ngành hàng vải sợi, điện máy và đồ gia dụng - chiếm hơn 90% tổng lượng hàng hóa tại siêu thị.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận