Hành khách đứng đợi xe buýt giữa trời nắng gắtvì điểm dừng xe buýt không có mái che |
Nhiều hành khách phải đứng phơi mình giữa trời nắng gắt 40oC để đợi xe buýt ở những điểm chờ không có mái che. Những lúc gặp giông hay cơn mưa bất chợt, hành khách chờ xe buýt còn khổ hơn vì không biết trú vào đâu.
Mái che… chỗ có, chỗ không
Theo ghi nhận thực tế của PV Báo Giao thông, tại những tuyến đường như Trường Chinh, Nguyễn Trãi, Cầu Giấy, Kim Mã, Phạm Văn Đồng và nhiều nơi khác tại Hà Nội, điểm chờ xe buýt không có mái che cho hành khách.
Có mặt trên đường Kim Mã, PV Báo Giao thông chứng kiến một tình cảnh rất đáng thương. Đứng chờ xe buýt tầm giữa trưa, thời tiết nắng gay gắt hơn 40oC, anh Nguyễn Ngọc Lân dìu người thân vừa đi khám bệnh về, nheo mắt nhìn xem xe mình chờ đã tới chưa. Sốt ruột quá, anh buột miệng kêu: “Trời ơi, nắng quá, đợi gần 20 phút rồi mà không có xe, lại đứng chỗ không có mái che nữa, khỏe mạnh còn không chịu được, bố tôi lại đang ốm yếu thế này”. Đợi thêm chừng ba phút, anh Lân thương bố, đành gọi taxi.
Cũng trên đường Cầu Giấy, đây được xem là tuyến đường nhộn nhịp, tấp nập nhất nhì Thủ đô bởi có nhiều trường đại học, thu hút lượng lớn sinh viên. Tuy nhiên, dọc tuyến đường, nhiều điểm bắt xe buýt không có mái che. Đợi xe buýt, khi nắng nóng hay mưa, hành khách phải đứng nhờ vào nhà dân cho mát. Khi xe đến, lại hộc tốc chạy ra để lên xe.
Em Nguyễn Hà An, sinh viên Trường Đại học Quốc gia nói, trời mưa, điểm buýt không có mái che, em phải vào quán nước ngồi chờ...
Tại đường Lê Văn Lương kéo dài, hành khách không thể chịu được vì đã phải phơi nắng lại chịu thêm sự mất vệ sinh từ hàng đoàn xe chở rác chình ình trước điểm dừng xe buýt.
Chờ vốn xã hội hóa
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Lương Đức Thịnh, Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị (Sở GTVT Hà Nội) cho biết, toàn thành phố hiện có 2.210 điểm dừng xe buýt, trong đó, 372 điểm dừng có nhà chờ (mái che), còn 1.838 điểm dừng không có nhà chờ, chiếm tới 83%.
“Hiện Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị đang khảo sát lập phương án đầu tư phát triển mới 150 nhà chờ xe buýt, nâng tổng số điểm dừng có mái che lên 522, đạt khoảng 24% tổng số điểm dừng”, ông Thịnh cho biết. Cũng theo ông Lương Đức Thịnh, việc phát triển nhà chờ xe buýt để phục vụ hành khách gặp nhiều khó khăn bởi nhiều nguyên nhân. Trong đó, nhiều điểm không đủ điều kiện mặt bằng để lắp đặt nhà chờ do vỉa hè hẹp. Bên cạnh đó, nhiều hộ dân hoặc cơ quan, đơn vị phía sau điểm dừng đã cản trở việc lắp đặt, bởi không muốn nhà chờ che mất mặt tiền kinh doanh.
Tiếp đó, do ngân sách hạn hẹp, nên việc xây dựng nhà chờ chủ yếu chờ đợi nguồn xã hội hóa. Đầu tư một nhà chờ xe buýt bê tông cốt thép, vách bằng kính cường lực, có mái che chi phí hàng trăm triệu đồng. Vì vậy, theo Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị, giải pháp hiệu quả nhất để phát triển nhà chờ xe buýt vẫn là kêu gọi, thu hút vốn đầu tư xã hội hóa…
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận