
Tuyến quốc lộ 1A tránh thành phố Vinh được xây dựng năm 2005 (nâng cấp năm 2014). Tuy nhiên, qua nhiều năm khai thác, hành lang tuyến đường đang dần bị gặm nhấm bởi các công trình nhà xưởng, kiot kinh doanh, cây xăng, trạm trộn bê tông... đấu nối vào.

Các hoạt động lấn chiếm hành lang, đấu nối vào quốc lộ đang diễn ra hàng ngày, làm tuyến đường trở nên nhếch nhác. Ảnh: Km21 tuyến tránh Vinh, một bên là nhà xưởng công ty EM-TECH, một bên là bãi kinh doanh vật liệu xây dựng, thu mua phế liệu. Cả hai đều chưa thực hiện thủ tục đấu nối.

Ngay cạnh đó, vị trí Km 21+210 bên phải tuyến là khu vực tập kết vật liệu và trạm trộn bê tông Hùng Thi, với hàng chục đầu xe vận tải cỡ lớn, thường xuyên ra vào thông qua một điểm đấu nối đã hết hạn cấp phép từ năm 2017.

Tương tự, trạm trộn bê tông Hương Kính nằm tại Km 20+100 (bên phải tuyến) cũng đã hết hạn giấy phép đấu nối tạm. Theo quy định, các đơn vị này phải làm thủ tục trình xin cấp phép đấu nối lâu dài, vị trí đấu nối phải đảm bảo an toàn giao thông, có làn cho phương tiện rẽ, tăng giảm tốc.

Thậm chí nằm trên lưng đường cong của đường quốc lộ, với lối vào duy nhất là một điểm mở hộ lan. Ảnh: Trạm trộn bê tông Hoa Thường tại Km 15+300. Đơn vị quản lý đường bộ xác nhận: vị trí này chưa được cơ quan Nhà nước cấp đấu nối vào quốc lộ 1A.

Dãy khách sạn mang tên Thông Đỏ của Công ty CP Container và nhà kho của Công ty Ý Việt Trung vi phạm đấu nối đã bị lập biên bản từ lâu, nhưng đến nay các đơn vị liên quan vẫn chưa làm thủ tục hoặc tháo dỡ điểm đấu nối trái phép.

Vì đường bị ngắt quãng bởi các điểm đấu nối, nên hiện nay, nhiều vị trí giao cắt, qua khu đông phương tiện lưu thông, đơn vị quản lý đường bộ đã cho cắm biển hạn chế tốc độ 50km/h, 60km/h. Việc này vô hình chung đã làm mất đi ý nghĩa vốn có của việc xây dựng tuyến tránh thành phố là duy trì phương tiện lưu thông ở tốc độ cao 80km/h, 90km/h theo chủng loại xe. Ảnh: Nhà máy may của Công ty CP Tập đoàn An Hưng mở điểm đấu nối bằng đường đất để đi ra quốc lộ.

Một nhà khung thép tiền chế đã được dựng lên, cạnh đó là một điểm đang san lấp. Chắc chắn khi đi vào hoạt động, các điểm này sẽ phải đấu ra quốc lộ vì không có tuyến đường khác.

Hoạt động mở hộ lan để san lấp dựng nhà xưởng vẫn đang tiếp tục diễn ra, dù khi vi phạm đơn vị quản lý tuyến đã ra lập biên bản vi phạm hành chính, đình chỉ thi công.

Thế nhưng qua thời gian, các kho bãi, nhà xưởng vẫn lần lượt được đưa vào hoạt động.

Thống kê của Văn phòng Quản lý đường bộ II.2 (Khu QLĐB II), trên tuyến hiện có 18 điểm đấu nối không phép, 6 điểm đã hết hạn cấp phép đấu nối do trước đó đơn vị chỉ xin đấu nối tạm để thi công. Ông Võ Trường Giang - Trưởng văn phòng QLĐB II.2, cho biết: Các vị trí đấu nối trái phép hầu hết phát sinh trong quá trình xây dựng tuyến tránh Vinh theo hình thức BOT. Lúc này, văn phòng (trước đây là chi cục) chưa được giao chức năng quản lý nhà nước về tuyến đường đầu tư theo hình thức BOT.

"Đối với các trường hợp phát sinh mới, khi phát hiện, Văn phòng đã chỉ đạo Chi nhánh BOT Tuyến tránh TP Vinh (đơn vị quản lý tuyến) kiểm tra, xử lý bằng việc lập biên bản vi phạm hành chính, rào chắn bằng cọc tiêu, thậm chí múc rãnh không cho đấu nối" - ông Giang thông tin.

Để giải quyết vấn đề này, ông Giang cho biết: "Hiện nay, chúng tôi đang tiếp tục cho rà soát, sau đó sẽ có văn bản đôn đốc địa phương, đơn vị BOT, các chủ thể liên quan tiếp tục xử lý các hành vi vi phạm liên quan đến hành lang an toàn giao thông đường bộ và kết cấu hạ tầng giao thông".
Điều 29 Nghị định 11/2010/NĐ-CP (sửa đổi bổ sung tại Nghị định 117/2021/NĐ-CP) quy định các đường đấu nối vào quốc lộ bao gồm:
a) Đường tỉnh, đường huyện, đường xã, đường đô thị;
b) Đường chuyên dùng;
c) Đường gom.
d) Đường từ các khu vực, công trình phục vụ quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế - xã hội
Như vậy, các cơ sở kinh doanh mở lối đấu nối vào quốc lộ không thuộc các trường hợp trên là đấu nối sai quy định.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận