Giấc mơ tưởng vô vọng bởi hành trình dài đằng đẵng gần 20 năm bỗng thành hiện thực, ôm cậu con trai gần 1 tuổi vào lòng, vợ chồng chị Nguyễn Thị Minh (quê Hiệp Hòa, Bắc Giang) coi đó là món quà vô giá.
“Những lời đàm tiếu như cứa vào tim”
Nhắc lại những chuỗi ngày đằng đẵng mong ngóng tin vui, có lúc tưởng như vô vọng, chị Minh chia sẻ: “Với mình, điều may mắn nhất đó là có được người chồng yêu, hiểu và một gia đình chồng thực sự yêu thương mình. Chính mẹ chồng mình đến lúc nhắm mắt xuôi tay vẫn căn dặn, dù không có con, hai vợ chồng cũng phải yêu thương trọn đời với nhau. Thế nhưng đau khổ và áp lực nhất là những lời đàm tiếu của thiên hạ, nó như con dao cứa vào tim mình vậy”.
Vợ chồng chị Minh kết hôn năm 2000, sau đó 2 lần mang thai tự nhiên, tuy nhiên cả 2 lần đều chửa ngoài tử cung. Đến năm 2008, hai vợ chồng tiếp tục tìm kiếm hi vọng khi làm thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) tại một bệnh viện lớn nhưng kết quả không thành. “Lúc ấy, bao nhiêu tiền dành dụm, vay mượn dồn hết để làm IVF. Chồng mình còn đi xuất khẩu lao động để kiếm tiền trả những khoản nợ đã vay trước đó. Suốt 5 năm đằng đẵng xứ người, vợ chồng mình đã tính đến việc thôi không nuôi hi vọng nữa…”, chị Minh cho hay.
Đến năm 2018, khi anh Minh (cùng tên với vợ) trở về với vốn liếng kha khá, ai cũng khuyên “thôi để dành mà dưỡng già, chứ con cái gì nữa” nhưng chị Minh quyết định “đánh bạc” thêm lần chót với suy nghĩ “lần này không được thì không chạy chữa nữa”.
Chiều vợ, anh Minh cùng vợ tìm đến Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội với chỉ định thực hiện IVF. Chị Minh chia sẻ: “Đến ngày được chỉ định chuyển phôi, sau thăm khám thấy niêm mạc xấu (dày), bác sĩ khuyên tạm dừng nhưng mình vẫn quyết định chuyển phôi vào chiều cùng ngày. 6 ngày sau là quãng thời gian căng thẳng, ăn không ngon, ngủ không yên”.
“Tôi đã bật khóc như một đứa trẻ khi vợ thông báo đã thụ thai sau chuyển phôi. Hạnh phúc quá, khi mọi sự chờ đợi, trông ngóng của hai vợ chồng đều đã được đền đáp”, anh Minh nhớ lại.
Trải qua chặng đầu gian nan, chuỗi ngày mang bầu đứa con đầu lòng, chị Minh liên tục bị dọa sảy thai. Thời điểm ấy, bệnh viện trở thành ngôi nhà thứ 2 của chị Minh. Năm 2019, sau hành trình 20 năm tìm kiếm, anh chị trọn vẹn niềm hạnh phúc khi đón cậu con trai mạnh khỏe chào đời.
Hạnh phúc bất ngờ với gia đình người Dao nghèo
Trở lại Hà Nội, trong dịp Khoa Hỗ trợ sinh sản của Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn kỷ niệm 8 năm thành lập, anh Triệu Văn Sơn (dân tộc Dao, quê Yên Bái) rạng rỡ nụ cười thông báo: “Cặp sinh đôi nhà em được 34 ngày tuổi rồi, khỏe lắm. Đó là nhờ các bác sĩ, chứ không thì chưa biết bao giờ vợ chồng em mới có niềm vui ấy”.
Cặp vợ chồng Liên - Sơn thuộc hộ nghèo, kinh tế phập phù chỉ trông vào nương rẫy. Bốn năm sau ngày cưới (năm 2014), vợ chồng anh đón nhận tin vui khi chị Liên có thai sau một hành trình dài chạy chữa. Thế nhưng, niềm vui chẳng được bao lâu vì bác sỹ kết luận thai nằm ngoài tử cung. Anh Sơn chia sẻ: “Nơi nào có thông tin chữa được bệnh để có con dù thuốc Nam hay thuốc Bắc, Đông y hay Tây y là vợ chồng em đều tìm đến. Đi làm tiết kiệm được đồng nào là mang đi khám, chạy chữa nhưng mãi cũng chẳng có con. Có lần xuống viện, bác sĩ bảo phải làm thụ tinh ống nghiệm mới có thai được vì vợ em bị tắc vòi trứng nhưng nhiều tiền lắm, cả trăm triệu cơ, biết khi nào mới có đủ mà có con”.
Cơ duyên đến trong 1 lần vợ chồng anh nghe lời giới thiệu từ bạn bè tìm về Hà Nội thăm khám. Năm 2019, vợ chồng anh Sơn cùng 9 cặp vợ chồng khác may mắn được nhận suất hỗ trợ thụ tinh trong ống nghiệm miễn phí bởi Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội. “Đang ở trên nương thì nhận được thông tin thế là cả đêm đó hai vợ chồng không ngủ nổi vì mừng. Hôm sau thì gấp rút hoàn thiện hồ sơ và xuống ngay Hà Nội”, anh Sơn cho hay.
Chuyển phôi được 6 ngày, hai vợ chồng hồi hộp thử thai thấy hai vạch. May mắn ngay lần đầu chuyển phôi nhưng 17 ngày sau chị Liên đã nghén nặng, nôn ra máu, ngay cả một giọt nước cũng không thể uống được. Do thai nghén, chị Liên mắc thêm căn bệnh cường giáp phải sang BV Bạch Mai điều trị và có thời điểm phải thở ô-xy. Gia đình đã bàn bạc nên bỏ đi một bé nhưng chị nhất định không đồng ý. Sụt 15 cân trong suốt quá trình mang thai, nhưng chị Liên vẫn kiên định đến cùng với suy nghĩ “em không thể bỏ con nào được”.
Qua nhiều gian nan, ở tuần thai 36, chị Liên khai hoa nở nhụy, đón cặp song sinh mạnh khỏe. “Hạnh phúc không thể nói thành lời chị ạ. Vợ chồng em chỉ biết cám ơn các bác sĩ”, anh Sơn chia sẻ.
Niềm vui nhân đôi của cặp vợ chồng mang gene bệnh Tan máu bẩm sinh
Cùng mang trong mình gene bệnh Tan máu bẩm sinh (Thalassemia) nhưng cả hai vợ chồng chị Nguyễn Thị Minh Nguyệt (SN 1984) và Nguyễn Văn Luân (SN 1985, trú Bắc Ninh) đều không hay biết. Kết hôn năm 2007, nhưng mãi đến năm 2014, nhờ thực hiện thụ tinh nhân tạo (IUI) chị Nguyệt mới hạ sinh đứa con trai đầu lòng. Niềm vui ngắn chẳng tày gang, vợ chồng chị Nguyệt chịu thêm cú sốc lớn khi phát hiện cậu con trai mắc căn bệnh Tan máu bẩm sinh. Hàng tháng, đều đặn, cậu bé phải vào Viện Huyết Học và Truyền máu T.Ư để truyền máu điều trị. “Khi biết con mang căn bệnh quái ác, vợ chồng tôi thật sự suy sụp. Mong mỏi mãi con mới đến với mình, giờ con lại mắc bệnh, càng nghĩ càng thương con, thương mình”, anh Luân chia sẻ.
Hiện nay, tỷ lệ làm thụ tinh trong ống nghiệm thành công tại bệnh viện đạt khoảng 70% khi chuyển phôi trữ (đông lạnh) và khoảng 50% chuyển phôi tươi. Bệnh viện đã can thiệp được nhiều ca khó bố mẹ mang gen bệnh lý như: Tan máu bẩm sinh, teo cơ tủy, người chồng tinh trùng yếu hoặc dị dạng, không có tinh trùng; sản phụ tắc vòi trứng…
BS. Lê Thị Thu Hiền, Phó giám đốc BV Nam học và Hiếm muộn Hà Nội
Suốt 2 năm đưa con đi điều trị tại Viện Huyết học, vợ chồng anh Luân được bác sĩ tư vấn con trai có thể chữa khỏi căn bệnh này nhờ phương pháp ghép tế bào gốc cuống rốn từ người em không mang gene bệnh. Hơn nữa, nếu được sàng lọc tốt, chắc chắn đứa con sau của vợ chồng anh Luân sẽ không mang gene bệnh. Nhờ tư vấn, tháng 6/2018, vợ chồng chị Nguyệt - anh Luân quyết định thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm tại BV Nam học và Hiếm muộn Hà Nội.
Chia sẻ về ca thụ tinh ống nghiệm này, BS. Lê Thị Thu Hiền, Phó giám đốc bệnh viện cho biết: “Chúng tôi đã thực hiện kỹ thuật sàng lọc di truyền tiền làm tổ kết hợp xét nghiệm HLA, tìm sự tương thích giữa phôi xét nghiệm với em bé đã sinh ra để đủ điều kiện ghép chữa bệnh cho người anh mắc tan máu bẩm sinh. Thật may, kiểm tra thì có một phôi chuyển được. Sau đó, các bác sĩ đã chuyển phôi dị hợp thành công, chị Nguyệt sinh bé gái vào năm 2019”.
“Sau khi vợ tôi sinh bé gái, bệnh viện tư vấn lấy tế bào gốc từ cuống rốn của con gái để cấy ghép tế bào gốc cho con trai mắc Thalassemia. Sau thời gian cấy ghép, đến nay hơn 6 tháng, con trai tôi chưa phải truyền máu lần nào. Nhờ các bác sĩ, gia đình đón nhận niềm vui nhân đôi”, anh Luân phấn khởi chia sẻ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận