Hanjin phá sản, các đối tác của tập đoàn này “sốt vó” tìm cách cứu hàng |
Sau hai tuần kể từ khi Tập đoàn Vận tải Hanjin nộp đơn xin phá sản, hơn 60 tàu chở 14 tỷ USD hàng hóa của công ty này bị kẹt trên biển ở cả Mỹ, châu Á, châu Âu khiến các chủ hàng phải xoay xở cứu hàng.
Ngày 16/9, tại phiên điều trần của Tòa án Phá sản Mỹ, luật sư đại diện Tập đoàn Hanjin Ilana Volkov tố phía Mỹ bắt giữ tàu của Hanjin làm “con tin” trong khi “tương lai doanh nghiệp này vẫn chưa rõ ràng”. Tuần trước, Hanjin cho biết, một thẩm phán của Hàn Quốc cấp quyền bảo hộ khoảng 10 triệu USD cho Hanjin để trả tiền cho các công ty quản lý tàu kéo, cảng và các công ty xử lý hàng hóa để bốn tàu tại Mỹ được dỡ hàng. Từ đó, ba tàu Hanjin Boston, Hanjin Hy Lạp và Hanjin Gdynia được phép xử lý hàng hóa. Tuy nhiên, tàu thứ tư Hanjin Jungil vẫn lênh đênh ngoài khơi bờ biển California.
Các chủ hàng thuê Hanjin như nhà sản xuất hàng hóa tiêu dùng Dorel Industries Inc và nhà sản xuất nhạc cụ Yamaha Corp cũng phàn nàn hàng hóa của họ bị phía Mỹ “giữ làm con tin”. Tập đoàn Hanjin vẫn còn ít nhất 10 tàu chở hàng tới Mỹ. Trong bối cảnh ngành vận tải bước vào mùa đỉnh điểm (tháng 9-11) trước các dịp lễ cuối năm, Tập đoàn Điện tử Samsung phải tính đến chuyện đưa trực thăng để “cứu hàng hóa” bị kẹt trên tàu Hanjin.
Reuters cho biết, ít nhất 38 triệu USD hàng hóa của Samsung bao gồm đồ điện tử, linh kiện, TV đang “nằm đắp chiếu” trên tàu Hanjin bị kẹt ngoài khơi, trong đó có một tàu chở màn hình tới nhà máy của Samsung tại Mexico, trị giá 24,4 triệu USD và một tàu container chở đồ gia dụng như tủ lạnh, lò vi sóng trị giá 13,5 triệu USD. Để “cứu “ hàng hóa, Samsung có kế hoạch thuê máy bay vận tải cùng trực thăng với mức giá “cắt cổ” để đưa 616 container về đất liền. Ước tính, để di chuyển 616 container với tổng cộng 1.469 tấn hàng hóa, Samsung cần phải thuê ít nhất 16 máy bay với giá khoảng 8,8 triệu USD. Nhưng “thua lỗ sẽ còn leo thang chừng nào hàng trên tàu còn chưa được dỡ”, đại diện Samsung cho biết.
Tuy nhiên, để tránh phải dùng đến biện pháp cuối cùng trên, Samsung cam kết với thẩm phán có thể trả tiền cho các công ty bốc dỡ hàng tại một cảng của Mỹ để xử lý hàng hóa. Phía Samsung cũng cảnh báo: “Toàn bộ chi phí và việc trì hoãn sẽ không chỉ gây thiệt hại cho Samsung mà còn cho cả các nhà bán lẻ tại Mỹ, cuối cùng đánh vào người tiêu dùng Mỹ”. Trước đó, một số chủ hàng khác thuê tàu của Hanjin trả tiền cho bên điều hành cảng tại California và được phép dỡ hàng nên đây có thể là tín hiệu tốt cho Samsung.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận