Cố biện minh hành vi vi phạm
Vào 1 ngày đầu tháng 3, CSGT tỉnh Hậu Giang thực hiện xử lý vi phạm về tốc độ trên đường 3/2 (đoạn thuộc khu vực phường 5, TP Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang).
CSGT tỉnh Hậu Giang thực hiện xử lý vi phạm về tốc độ trên đường 3/2.
Đường 3/2 quy định tốc độ tối đa cho xe máy là 50 km/h, có lắp biển báo quy định tốc độ. Kết quả, kiểm tra xe mô tô BKS 83P4 - 452.89 lưu thông với tốc độ cao: 67km/h. CSGT yêu cầu người điều khiển phương tiện là chị C.N.H. (ngụ phường An Hòa, TP Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang) dừng xe lại để tiến hành làm việc.
Khi bị lập biên bản vi phạm về tốc độ quy định Điểm a, Khoản 4, Điều 6, Nghị định 100/2019/NĐ-CP (được sửa đổi tại Điểm g, Khoản 34, Điều 2, Nghị định 123/2021/NĐ-CP, với mức phạt từ 800.000 - 1.000.000 đồng, chị H phân trần: “Do công việc gấp quá nên tôi không để ý biển báo quy định tốc độ, nếu thấy sẽ không bao giờ chạy tốc độ như vậy”.
Một trường hợp khác, khi bị lực lượng CSGT lập biên bản vi phạm về tốc độ, em N.P.B. (học sinh 1 trường THPT trên địa bàn TP Vị Thanh) biện bạch: “Do gần tới giờ học, sợ trễ, nên em mới chạy tốc độ như vậy. Chứ ngày thường em chạy đúng quy định lắm".
Điều đáng nói, em B. điều khiển xe gắn máy có dung tích xi-lanh 50 cm3 và em này chưa đủ tuổi lái xe mô tô (ngày 12/3 tới B. mới đủ 16 tuổi).
Theo thống kê từ ngành chức năng, 2 tháng đầu năm 2022, toàn tỉnh đã phát hiện, xử lý trên 2.430 trường hợp vi phạm tốc độ, trong đó, có hơn 1.750 trường hợp xe mô tô, 490 trường hợp xe ô tô.
Không chỉ vi phạm tốc độ, B. còn vi phạm điều khiển phương tiện khi chưa đủ tuổi.
"Thuốc đặc trị"
Trao đổi cùng PV Báo Giao thông, ông Nguyễn Lâm Thành, Chánh văn phòng Ban ATGT tỉnh Hậu Giang nhìn nhận, thực tế, hầu hết các trường hợp vi phạm các quy định về trật tự ATGT, điển hình là vi phạm về tốc độ, chạy không đúng làn đường, không đội mũ bảo hiểm… sẽ viện dẫn nhiều lý do cho hành vi vi phạm.
Theo Chánh văn phòng Ban ATGT Hậu Giang, việc vi phạm Luật Giao thông không phải là do người dân không biết luật, hạn chế ở đây chính là ý thức của một bộ phận người dân vẫn còn kém.
“Ví dụ như lỗi thường gặp nhất là không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông. Khi lực lượng CSGT hỏi: “Chúng tôi dừng phương tiện lại, anh có biết bản thân vi phạm về hành vi gì hay không?”. Người vi phạm nói biết, đó là không đội mũ bảo hiểm.
Khi lực lượng chức năng đặt vấn đề: “Vì sao biết mà còn vi phạm?”, người điều khiển viện lý do gấp quá, hoặc nhà gần. Mặc dù họ vẫn ký vào biên bản nhưng vẫn luôn tìm những cách để chống chế cho hành vi vi phạm của họ. Vấn đề này chính là ý thức của người tham gia giao thông còn kém”, ông Thành phân tích.
Nói về nguyên nhân, ông Thành cho biết, trong thời gian giãn cách xã hội kéo dài, công tác tuần tra, xử lý vi phạm trật tự ATGT thiếu thường xuyên do lực lượng chức năng tăng cường cho công tác phòng chống dịch. Từ đó, dẫn đến việc ý thức người dân thờ ơ khi tham gia giao thông và chỉ thực hiện nghiêm khi có lực lượng chức năng.
“Tham gia giao thông, chấp hành nghiêm các quy định pháp luật về trật tự ATGT chịu ảnh hưởng bởi 2 yếu tố. Đó là ý thức tự giác chấp hành của người dân khi tham gia giao thông.
Thông qua phương thức tuyên truyền, một bộ phận người dân chuyển biến tích cực. Số còn lại đã biết nhưng họ vẫn không chấp hành. Để điều chỉnh hành vi này, chúng ta cần đến yếu tố thứ 2 là tuần tra, xử lý vi phạm.
Vì vậy, xác định tăng cường tuyên truyền và xử lý vi phạm chính là "thuốc đặc trị" vi phạm trật tự ATGT. Thiếu 1 trong 2 yếu tố này là không được”, ông Thành nhấn mạnh.
Về giải pháp trong thời gian tới, ông Thành cho hay, Ban ATGT tỉnh đã xây dựng kế hoạch tuyên truyền cho các sở ban ngành đồng thời tuyên truyền trực tiếp cho người dân dàn trải đều trên địa bàn tỉnh.
Công an tỉnh Hậu Giang cũng đang mở chuyên đề xử lý vi phạm trật tự ATGT, trong đó tập trung vào xử lý nghiêm các hành vi vi phạm là các nguyên nhân trực tiếp dẫn đến TNGT là nồng độ cồn, phóng nhanh, vượt ẩu…
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận