Việt Nam vừa thực hiện thành công ca ghép tay đầu tiên trên thế giới lấy từ người cho còn sống. Kết quả này mở ra hướng điều trị mới trong tương lai, không chỉ ghép chi (tay, chân) từ người hiến chết não mà còn từ người sống cho những người bệnh không may bị mất đi tay, chân.
Giấc mơ “có thật”
Sau 1 tháng phẫu thuật ghép tay từ người cho còn sống, bàn tay mới của anh Phạm Văn Vương (31 tuổi, trú tại Thanh Trì, Hà Nội) đã có thể cầm nắm được một số vật thô. Rưng rưng xúc động, anh Vương chia sẻ: “Với em đây là điều quá kỳ diệu, em chưa từng nghĩ mình được ghép bàn tay như ngày hôm nay. Mong được gửi lời cảm ơn chân thành và sâu sắc nhất tới các bác sĩ, tới người tặng bàn tay này”.
Trước đó, năm 2016, anh Vương bị tai nạn do máy khiến toàn bộ 1/3 dưới cẳng tay và bàn tay trái bị dập nát, biến dạng hoàn toàn. Vết thương quá nặng, các bác sĩ đã buộc phải chỉ định cắt cụt bàn tay. Dù vết thương mỏm cụt dần liền sẹo, nhưng nỗi đau tinh thần khiến Vương luôn bị ám ảnh. Cũng kể từ đó, cuộc sống chàng trai trẻ gặp nhiều khó khăn.
“Khi nhận được cuộc gọi của các bác sĩ tại Bệnh viện 108, về việc em có cơ hội được ghép bàn tay trái, vừa bất ngờ vừa vui mừng, xen vào đó là lo lắng. Nhưng em đặt niềm tin hoàn toàn vào các bác sĩ nơi đây”, Vương chia sẻ.
Cả Vương và gia đình cùng hồi hộp chờ đón ca phẫu thuật với bao thắc thỏm. Để rồi sau ca mổ, anh Vương có thể tự vận động nhúc nhích được các ngón tay của bàn tay ghép thì niềm hạnh phúc vỡ òa. Giấc mơ có “đủ đôi bàn tay” để giúp vợ, giúp con đã thành hiện thực với Vương.
Chia sẻ về thành công của ca ghép này, GS. TS. Mai Hồng Bàng, Giám đốc Bệnh viện 108 cho hay, đây không chỉ là giấc mơ của bệnh nhân mà cũng là giấc mơ được làm chủ kỹ thuật cao của đội ngũ y bác sĩ Bệnh viện 108.
“Hiện ở các cơ sở y tế, khi cơ thể chúng ta chẳng may bị tai nạn, bị đứt một phần hoặc cả cánh tay, bàn tay, ngón tay, việc nối các chi thể là bình thường. Đó là kỹ thuật trồng nối chi thể tự thân, bệnh viện tổ chức hàng nghìn ca nhiều năm nay. Nhưng cấy ghép chi thể đồng loại (người khác) ngay trên thế giới, ở những nước phát triển cũng mới chỉ ghép được 89 ca, nhưng từ người cho chết não. Còn việc ghép từ chi thể người còn sống như lần này, có lẽ là đầu tiên trên thế giới. Có những điều trước cứ ngỡ không tưởng thì nay thành hiện thực”, ông Bàng xúc động cho hay.
Ít ai biết, “ước mơ” phẫu thuật trồng ghép chi thể từ đồng loài được các bác sĩ Bệnh viện 108 ấp ủ nhiều năm với sự chuẩn bị rất kỹ càng về mọi mặt, kể cả với việc lên danh sách các bệnh nhân có nhu cầu được ghép chi. Nhưng thời khắc quyết định biến ước mơ đó thành hiện thực là nhờ nguồn hiến rất ngẫu nhiên của 1 bệnh nhân.
Ngày 3/1/2020, Bệnh viện 108 đã tiếp nhận một ca bệnh nặng và phức tạp với tổn thương nặng nề trên vùng cánh tay trái. Trong 3 tuần điều trị với 3 lần mổ liên tục, tính mạng của bệnh nhân bị đe dọa khi xuất hiện tình trạng hoại tử vùng khuỷu tay, cơ. Qua nhiều lần hội chẩn, các bác sĩ đành chấp nhận chỉ định phải cắt cụt chi thể ngang mức 1/3 trên cánh tay để cứu tính mạng bệnh nhân. Và trên cánh tay buộc phải cắt rời đó, các bác sỹ nhận thấy “phần thừa của chi thể sẽ bị cắt cụt (đoạn từ 1/3 dưới cẳng tay đến bàn tay) có thể sử dụng để ghép cho những bệnh nhân bị cụt ở vị trí tương ứng. Điều may mắn là bệnh nhân cùng gia đình tự nguyện “hiến” một phần chi thể cho anh Vương. Đồng thời, giữa người cho và nhận đều có kết quả xét nghiệm tương đồng sinh học và phù hợp miễn dịch.
8 tiếng “cân não” với ca phẫu thuật
Là người trực tiếp tham gia ca phẫu thuật nối ghép cẳng và bàn tay cho anh Vương, GS. Nguyễn Thế Hoàng, Phó giám đốc Bệnh viện 108 phụ trách Ngoại khoa nhận định: “Đây là một cơ hội tốt, tuy nhiên cũng là một thách thức rất lớn với chúng tôi. Để ra được quyết định phẫu thuật trồng ghép cẳng và bàn tay cho ca này là cả quá trình cân não sau nhiều cuộc hội chẩn nảy lửa của các thầy thuốc”.
Theo ông Bàng, quyết định cho phép thực hiện ghép trong bối cảnh một bệnh nhân rất phức tạp và khi đó cũng đã là 27 Tết. “Mặc dù chúng tôi có đầy đủ cơ sở, chuẩn bị, có đề án, có đào tạo trong và ngoài nước, hơn nữa có người trực tiếp thực hiện ca ghép 2 tay ở Đức là GS. Nguyễn Thế Hoàng nhưng vẫn gặp những khó khăn không lường trước được”, ông Bàng cho biết.
Khó khăn đầu tiên chính là 1/3 dưới và phần bàn tay được hiến dù còn khá tốt, không nhiễm trùng nhưng đã phù nề, thiếu máu, thiểu dưỡng và biến đổi về màu sắc, tiềm ẩn nguy cơ nhiễm trùng. Lúc này câu hỏi đặt ra với các y bác sĩ: “Nếu ghép không thành công, có thể cắt bỏ bàn tay đó đi và tạo mỏ cụt mới cho bệnh nhân. Nhưng điều nguy hại nhất có thể ảnh hưởng sinh mạng của bệnh nhân chính là nỗi lo nhiễm trùng khi nối mạch máu không thành công. Hơn nữa, sau ghép, bệnh nhân buộc dùng thuốc chống thải ghép phức tạp hơn ghép tạng rất nhiều. Trong 10 ngày đầu tiên dùng thuốc chống thải ghép rất nặng, nguy cơ nhiễm trùng còn cao hơn nữa…”, ông Bàng chia sẻ về những trăn trở của mình cùng đồng nghiệp trước khi quyết định có nên phẫu thuật hay không.
Về phía người nhận, cẳng tay đã bị cắt cụt từ 4 năm nay nên các khối cơ đã teo nhỏ, mạch máu thần kinh cũng teo, tắc, biến dạng toàn bộ các vị trí nên việc bóc tách rất khó khăn đòi hỏi nhiều thời gian và sự tỉ mỉ.
Sau nhiều cân nhắc, kíp mổ gần 20 người đã thực hiện ca phẫu thuật “ghép cẳng tay và bàn tay mới” trong 8 giờ, từ người hiến còn sống đã thành công ngoài mong đợi. Bệnh nhân được theo dõi sát từng giờ, từng ngày, với nhiều tình huống dự phòng được đặt ra cần phải xử lý ngay để bảo vệ tính mạng. “Điều vô cùng đáng mừng, suốt hơn 30 ngày sau phẫu thuật, không có ngày nào bệnh nhân sốt, bàn tay bắt đầu hồi phục, không có nhiễm trùng xảy ra”, GS. Hoàng cho biết.
Trao đổi với PV Báo Giao thông, GS. Nguyễn Thế Hoàng cho biết: “Kĩ thuật ghép tay khó hơn nhiều các ca ghép khác bởi tính phức tạp của vùng cơ thể này. Với tổng cộng 43 cơ ở vùng cẳng tay, bàn tay kèm theo cấu trúc da, mạch, gân, cơ, khớp, sụn, dây thần kinh… khi ghép, đòi hỏi bác sĩ phải kết nối tỉ mỉ toàn bộ để đảm bảo chức năng cho bệnh nhân sau ghép. Với ca ghép này, bệnh nhân sẽ tiếp tục hồi phục chức năng thêm 6 - 12 tháng tới”.
Cơ hội mới cho nhiều người khuyết tật
GS. Nguyễn Thế Hoàng, Phó giám đốc Bệnh viện 108 cho biết, hiện có vài chục người đăng ký vào danh sách chờ được trồng ghép chi thể, trong đó có nhiều người còn trẻ, vì TNGT hay lý do khác bị cụt chân, tay, thậm chí cụt cả hai cẳng tay. Bản thân người hiến tặng cẳng tay cho anh Vương cũng đã được đưa vào danh sách chờ ghép, với hi vọng sẽ có người hiến tặng cánh tay.
“Trước đây chúng ta chưa làm được kĩ thuật này, phần lớn chân, tay bị tai nạn không may bị hỏng sẽ bị cắt, chôn hoặc thiêu trong khi những phần thừa này hoàn toàn có thể ghép được cho người khác, là nguồn cho chi hiến rất lớn. Như vậy hoàn toàn có thể đặt thêm hi vọng cho nhiều bệnh nhân không may mất chi thể”, GS. TS. Mai Hồng Bàng, Giám đốc Bệnh viện 108 cho hay.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận